Tham gia khóa tập huấn có PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện, lãnh đạo, giảng viên, nhân viên các khoa, phòng đặc biệt là các đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo. TS. Nguyễn Thị Thu Hương – Chuyên gia, kiểm định viên, thư ký Hội đồng Kiểm định chất lượng – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại buổi tập huấn, chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự đánh giá chương trình đào tạo. Đây là yêu cầu bắt buộc của các khoa thực hiện chương trình đào tạo phải tự rà soát, xem xét, đánh giá thực trạng của chương trình đào tạo; xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng CTĐT; viết báo cáo tự đánh giá và từ đó điều chỉnh mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo theo hướng cao hơn theo chu kỳ đào tạo 5 năm của khoa. Từ kết quả tự đánh giá CTĐT, Học viện sẽ xin đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá ngoài nhằm đạt được chuẩn chất lượng chương trình đào tạo.

Sau đó chuyên gia đã trao đổi 4 vấn đề chính:

Một là Xu hướng phát triển giáo dục đại học của ASEAN và thế giới trong bối cảnh CMCN 4.0 – Mô hình giáo dục theo chuẩn đầu ra.

Hai là Khung trình độ quốc gia Việt Nam và những yêu cầu bảo đảm, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo

Ba là Quan điểm chất lượng và phương pháp tiếp cận bộ tiêu chuẩn, quy trình đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của Bộ GD & ĐT.

Bốn là tổng quan kết quả kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo quý 1 năm 2021.

TS. Nguyễn Thị Thu Hương cũng chia sẻ các bước trong quy trình tự đánh giá bao gồm: Thành lập hội đồng tự đánh giá -> Lập kế hoạch tự đánh giá -> Tập huấn nghiệm vụ tự đánh giá CTĐT -> Phân tích tiêu chí, thu thập thông tin, minh chứng -> Xử lý thông tin, minh chứng thu được -> Viết báo cáo tự đánh giá -> Lưu trữ, sử dụng báo cáo tự đánh giá và chuẩn bị đánh giá ngoài.

Trong quá trình tự đánh giá CTĐT, căn cứ vào từng tiêu chuẩn và tiêu chí, các Hội đồng tự đánh giá CTĐT phải tập trung mô tả, làm rõ thực trạng của CTĐT; Phân tích, giải thích, so sánh, đối chiếu và đưa ra những nhận định; chỉ ra những điểm mạnh, tồn tại và những biện pháp khắc phục; Lập kế hoạch hành động để cải tiến, nâng cao chất lượng CTĐT.

Tại khóa tập huấn, đại diện các khoa, phòng đã đặt những câu hỏi để chuyên gia giải đáp rõ hơn về quy trình, công việc theo từng giai đoạn cũng như trách nhiệm của từng đơn vị trong các bước thực hiện quy trình tự đánh giá.

Để phục vụ công tác tự đánh giá chương trình đào tạo, tất cả các đơn vị trong Học viện cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, minh chứng do đơn vị mình phụ trách liên quan đến hoạt động tự đánh giá CTĐT khi Hội đồng tự đánh giá CTĐT yêu cầu. Hoạt động này là một quá trình liên tục, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và phải có sự tham gia của nhiều cá nhân trong toàn đơn vị thực hiện CTĐT cũng như sự phối hợp của các cá nhân, đơn vị khác trong Học viện. Do đó, Hoạt động tự đánh giá CTĐT đòi hỏi tính khách quan, trung thực, công khai và minh bạch. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra trong quá trình tự đánh giá phải dựa trên các minh chứng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy. Việc tự đánh giá phải đảm bảo đánh giá đầy đủ các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Chuyên gia cũng khuyến cáo Học viện cần bám sát Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của giáo dục đại học ban hành tại Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành Quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 04) đồng thời cụ thể hóa các điểm trọng tâm trong phần hướng dẫn sử dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo.

Khóa tập huấn đã làm rõ tầm quan trọng của hoạt động tự đánh giá chất lượng CTĐT đồng thời trang bị các kiến thức cần thiết để Học viện chủ động triển khai quy trình tự đánh giá CTĐT một số ngành trong thời gian tới.