Lịch sử hình thành và phát triển

Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập theo Quyết định 1558/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Kế thừa sự phát triển hơn 60 năm của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương; Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị; Tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao (đại học, sau đại học), có chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội; Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để tham mưu cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ; đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ, bình đẳng giới và nghiên cứu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Lịch sử hình thành và phát triển

Từ năm 1960 - 1964

Ngày 8-3-1960, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) ra Quyết nghị thành lập Trường Phụ vận Trung ương, với chức năng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ của Hội LHPNVN các cấp và cán bộ làm công tác Phụ vận các ngành. Nhiệm vụ của Trường là nâng cao trình độ lý luận và nhận thức tư tưởng cho học viên về cách mạng xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, kịp thời đáp ứng tình hình nhiệm vụ trung tâm của Đảng và phong trào phụ nữ.

 Ngay sau khi có nghị quyết thành lập, bộ máy tổ chức và cán bộ Trường cũng đã được thành lập với hơn 10 người, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng Đoàn và Ban Thường trực Hội LHPN Việt Nam. Ban phụ trách, cán bộ, công nhân viên của Trường được điều động từ các Ban của Trung ương Hội và các địa phương. Trong khi chưa có địa điểm, Ban phụ trách Trường đã mượn Trường Trung cấp Nông nghiệp Trung ương (tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) làm địa điểm để tổ chức khóa học đầu tiên khai giảng vào ngày 20-5-1960 với tổng số 126 học viên. Đến cuối năm 1961, Trường đã mở được 2 khóa học.

Năm 1962, Trường được Nhà nước cho phép xây dựng địa điểm tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất, Trường bắt đầu kiện toàn bộ máy Tổ chức, bao gồm: Ban lãnh đạo; bộ phận nội dung và bộ phận phục vụ. Từ một tổ Đảng, Trường đã thành lập một chi bộ Đảng trực thuộc Đảng uỷ cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam và thành lập tổ công đoàn trực thuộc Công đoàn cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Tháng 4-1962, Trường khai giảng khóa học đầu tiên của chương trình dài hạn với nội dung học là Lý luận chính trị và nghiệp vụ phụ vận.

Năm 1964, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng và phong trào phụ nữ, Ban Thường trực Trung ương Hội LHPNVN quyết định đổi tên Trường Phụ vận Trung ương thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Hội các cấp; Việc điều hành và quản lý trường thời kỳ này do 2 đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam phụ trách. Trường đã thành lập phòng Tổ chức cán bộ, phòng Hành chính quản trị, Phân hiệu bổ túc văn hoá và bộ phận nội dung. Thời kỳ này, đã có bước chuyển đáng kể, bộ phận nội dung đã thành lập được các tổ bộ môn: Triết học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, Đường lối chính sách, Quản lý kinh tế, Phụ vận. Đây chính là tiền đề cho việc thành lập các khoa chuyên môn sau này.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy của Trường thời kỳ này rất trẻ, hầu hết ở độ tuổi trên dưới 30, đa số có trình độ văn hoá hết cấp II, cấp III; trình độ lý luận chính trị trung cấp, một số có trình độ cao cấp; cán bộ, công nhân viên đều được bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp và bổ túc văn hoá.

Từ năm 1960-1964, Trường đã tổ chức được 4 khóa đào tạo, bồi dưỡng với tổng số học viên là 600 người, trong đó có 301 học viên lớp dài hạn.

Từ năm 1965-1975

Là thời kỳ củng cố và phát triển của Trường. Năm 1965, bộ máy của Trường được củng cố và kiện toàn. Ban Giám đốc gồm 3 đồng chí (1 giám đốc và 2 phó giám đốc); hình thành các tổ bộ môn (tổ chính sách, tổ Triết học, tổ Kinh tế, tổ Phụ vận); các phòng: Hành chính quản trị, Thư viện; Phân hiệu bổ túc văn hoá.

Cũng trong giai đoạn này, để đáp ứng tình hình cách mạng và nhu cầu đào tạo cán bộ miền Nam, Trường Lê Thị Riêng đã được thành lập (8/3/1969).

Đến năm 1971, bộ máy tổ chức ngày càng được hoàn thiện để thực hiện chương trình đào tạo lý luận trung cấp. Từ các tổ bộ môn, Trường đã hình thành các khoa: Triết học; Kinh tế chính trị và Quản lý kinh tế; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng và Xây dựng Đảng; Nghiệp vụ phụ vận. Đội ngũ cán bộ giáo viên của Trường ngày càng tăng cường về chất lượng. Trường được bổ sung và tăng cường cán bộ từ các trường lý luận chính trị của Bộ Giáo dục và Ban Tuyên huấn Trung ương.

Trong thời gian này, tình hình chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt, Trường đã tổ chức đi sơ tán để bảo toàn lực lượng. Cán bộ, công nhân viên của Trường đã khắc phục khó khăn, nguy hiểm thực hiện đào tạo tại chỗ, kịp thời đáp ứng nhu cầu huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ tại địa phương. Trường đã tổ chức được 2 khóa huấn luyện ở Việt Bắc và một lớp bồi dưỡng ở Hòa Bình.

Năm 1972, Ngoài việc đào tạo cán bộ Hội phụ nữ trong nước, Trường đã tổ chức huấn luyện cho 133 cán bộ phụ nữ nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nhiều học viên Lào tham dự các khóa bồi dưỡng tại trường sau này đã giữ cương vị chủ chốt lãnh đạo phong trào phụ nữ Lào từ Trung ương đến địa phương.

Từ năm 1975 – 1985

Trước yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ giáo viên và công nhân viên của Trường cũng không ngừng được xây dựng, củng cố và phát triển. Trường đã thành lập thêm Phòng Tổ chức - Giáo vụ. Bộ máy tổ chức của Trường bao gồm Ban Giám đốc; 5 khoa chuyên môn (Triết học; Kinh tế chính trị và Quản lý kinh tế; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng và Xây dựng Đảng; Nghiệp vụ phụ vận) và 2 phòng chức năng (Hành chính - quản trị; Tổ chức - Giáo vụ). Tổng số cán bộ giáo viên của Trường lên đến 60 người.

Đội ngũ cán bộ của Trường Lê Thị Riêng cũng đã được củng cố và tăng cường. Từ 13 đồng chí từ chiến khu về, Trường đã tuyển thêm công nhân viên phục vụ, giáo viên giảng dạy, đưa tổng số cán bộ giáo viên của trường lên 45 người. Tổ chức bộ máy của Trường bao gồm Ban giám đốc và 2 bộ phận: Giáo vụ và Tổ chức cán bộ.

Năm 1984, trường Lê Thị Riêng được đổi tên thành Trường Cán bộ Phụ nữ Phân hiệu II với bộ máy tổ chức gồm Ban giám đốc và 2 bộ phận: Hành chính quản trị và Tổ chức cán bộ, với 29 cán bộ công nhân viên.

Từ năm 1986 - 1990

Thời kỳ này tổ chức bộ máy của Trường đã được sắp xếp tinh gọn, theo hướng tích cực, hiệu quả. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ hoạt động đào tạo, Trường đã kiện toàn và sáp nhập, đổi tên 5 khoa chuyên môn thành 2 khoa: Khoa Lý luận Mác – Lê Nin và khoa Phụ vận; thành lập thêm 1 phòng mới là phòng Nữ công - dịch vụ. Tổng số cán bộ công nhân viên của Trường thời kỳ này chỉ còn 40 người.

So với các giai đoạn trước, thời kỳ này, trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên trường đã không ngừng được nâng cao. 100% giáo viên tốt nghiệp đại học; 50% đang theo học các chương trình nghiệp vụ chuyên môn, cao học và nghiên cứu sinh, gần 70% có trình độ A, B ngoại ngữ.

Từ năm 1990 – 1996

Là thời kỳ tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Trường từng bước được hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Đội ngũ cán bộ công nhân viên của Trường được tinh giảm theo hướng: giảm cán bộ, nhân viên phục vụ; tăng cường đội ngũ giáo viên và cán bộ nghiên cứu. Tổng số cán bộ nhân viên của Trường đến năm 1996 chỉ còn 28 người, trong đó cán bộ quản lý và giáo viên chiếm 60%.

Trong những năm này, cán bộ giáo viên của Trường cũng đã tích cực học tập nâng cao trình độ: 100% giáo viên có trình độ đại học; 9 đồng chí có 2 bằng đại học; 2 đồng chí có trình độ thạc sỹ, 8 đồng chí học cao học và nghiên cứu sinh; 2 đồng chí có trình độ cao cấp chính trị.

Giai đoạn này, bộ máy tổ chức và cán bộ của Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương II cũng được kiện toàn theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Tổng số cán bộ nhân viên là 21 đồng chí, trong đó Ban Giám đốc gồm 3 đồng chí và 9 giảng viên, 9 nhân viên phục vụ.

Từ năm 1996-2000

Trường tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ. Trường đã sáp nhập phòng Tổ chức giáo vụ và Hành chính quản trị thành phòng Tổ chức - Hành chính. Bộ máy tổ chức bao gồm Ban Giám đốc và các khoa: Lý luận Mác - Lê Nin; khoa Phụ vận; phòng Tổ chức - Hành chính. Trình độ cán bộ của Trường đã có bước tiến đáng kể: đến năm 2000, đã có 9 thạc sỹ, 3 cán bộ học cao học và nghiên cứu sinh; 90% giảng viên có trình độ cao cấp và cử nhân chính trị.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương II vẫn tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ. Thành lập Khoa Lý luận chính trị, khoa Phụ vận, tổ Doanh nghiệp và phòng Hành chính - Quản trị. Đến năm 2000, Trường đã có 5 giáo viên đạt trình độ thạc sỹ, 1 giáo viên học cao học và 40% giáo viên có trình độ ngoại ngữ A, B, C.

Từ năm 2000-2004

Là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn về tổ chức bộ máy của Trường. Năm 2000, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương và Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương II được sáp nhập thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.

Từ tháng 7/2002, thực hiện Nghị quyết đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN, Trường đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam. Để đưa các hoạt động đào tạo đi vào nề nếp và mang tính chuyên nghiệp, Trường đã thành lập phòng Đào tạo.

Nhằm chuẩn bị các điều kiện thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam, thống nhất hoạt động đào tạo và nghiên cứu, tháng 5/2004 Trung ương Hội LHPNVN đã quyết định sáp nhập Ban Nghiên cứu thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam về Trường và thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ trực thuộc Trường.

Bộ máy tổ chức được kiện toàn bao gồm Ban Giám đốc (gồm 1 đồng chí giám đốc, 1 phó giám đốc phụ trách hành chính - quản trị; 1 phó giám đốc phụ trách Nghiên cứu; 1 phó giám đốc phụ trách và điều hành các hoạt động của Phân hiệu) và 6 đơn vị trực thuộc: khoa Lý luận Mác-Lê Nin, khoa Nghiệp vụ Phụ vận; phòng Tổ chức - Hành chính; phòng Đào tạo, Phân hiệu Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ. Trường còn hình thành tổ môn Doanh nghiệp.

Tổng số cán bộ nhân viên thời kỳ này là 73 người. Trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường đã nâng lên vượt trội so với giai đoạn trước. Trường đã có 2 tiến sỹ; 16 thạc sỹ và 18 cử nhân.

Từ năm 2005 - 2010

Để chuẩn bị thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam, cơ cấu tổ chức và cán bộ của Trường đã có bước kiện toàn và thay đổi lớn:

Năm 2007, đổi tên Khoa Nghiệp vụ Phụ vận thành khoa Công tác Phụ nữ; khoa Lý luận Mác-Lê Nin thành khoa Khoa học cơ bản.

Năm 2008, Thành lập khoa Quản trị kinh doanh trên cơ sở tổ môn Doanh nghiệp.

Năm 2009, thành lập Trung tâm Đào tạo & Nâng cao năng lực Phụ nữ; thành lập 3 phòng chức năng trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ, đó là Phòng Nghiên cứu Giới và phát triển; phòng Nghiên cứu phong trào phụ nữ; phòng Nghiên cứu gia đình và các vấn đề xã hội.

Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh có: Phòng Tổ chức - Hành chính, phòng Đào tạo, khoa Khoa học cơ bản, khoa Công tác phụ nữ.

Đây là thời kỳ phát triển vượt bậc của Trường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ. Ban Giám đốc được bổ sung thêm một phó giám đốc phụ trách đào tạo. Tổng số cán bộ biên chế và hợp đồng của Trường đã lên 85 người, trình độ chuyên môn của các cán bộ, giáo viên Nhà trường ngày càng được nâng cao; trường đã có 6 tiến sỹ; 7 nghiên cứu sinh; 31 thạc sỹ, 32 cử nhân…

Ngày 03/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 380/TTg-KGVX phê duyệt chủ trương thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.

Từ năm 1960 đến năm 2010, tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Trường đã không ngừng đổi mới, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu đào tạo, nghiên cứu, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đoàn Chủ tịch Hội LHPNVN giao phó, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp , nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (08/3/960 - 08/3/2010) Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương đã được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Từ 2010 - 2020

Ngày 18/10/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1558-TTg về việc thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.

Hội thảo Định hướng phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam

Ngày 27/3/2013, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BGDĐT cho phép Học viện phụ nữ Việt Nam đào tạo các ngành có trình độ Đại học.

Đến tháng 7/2013, Học viện phụ nữ Việt Nam có 3 khoa: Khoa Công tác Xã hội (tiền thân là Công tác Phụ nữ), Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Khoa học Cơ bản; Viện Nghiên cứu Phụ nữ (Tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ); 3 trung tâm: Trung tâm Đào tạo nâng cao năng lực Phụ nữ (Cet-caw), Trung tâm bồi dưỡng cán bộ, Trung tâm Công nghệ - Thông tin và Thư viện; 3 phòng: Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Đào tạo, Phòng Hợp tác Quốc tế và 1 Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số cán bộ, giảng viên của Học viện phụ nữ Việt Nam là 92 người; trong đó đã có 10 Tiến sỹ; 4 nghiên cứu sinh; 28 Thạc sỹ, 50 Cử nhân…

Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đào tạo trên 2000 sinh viên đến từ mọi miền tổ quốc tham gia học tại 6 chuyên ngành: Công tác Xã hội, Quản trị Kinh doanh, Luật, Giới & phát triển, Quản trị du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện.

Ngày 13/11/2017 Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động báo chí số 561/GP- BTTT cho Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ngày 04/01/2018 Học viện Phụ nữ Việt Nam ra quyết định Thành lập Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam số 01/QĐ- HVPNVN.

Ngày 02/01/2018, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam ra quyết định số 1049/QĐ – ĐCT Thành lập Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam (Nhiệm kỳ 2017-2022). Đ/c Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN VN được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Năm 2019, Học viện Phụ nữ Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh và Công tác xã hội. Cũng trong năm 2019, Tổ chức quốc tế BVQA đã ký Quyết định cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 cho Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 8/3/2020 Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 60 năm truyền thống vẻ vang của đơn vị tiền thân là Trường Phụ vận Trung ương.

Sau 7 năm đào tạo đại học, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đào tạo trên 2000 sinh viên đến từ mọi miền tổ quốc tham gia học tại 6 chuyên ngành: Công tác Xã hội, Quản trị Kinh doanh, Luật, Giới & phát triển, Quản trị du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện.

Từ 2020 đến nay

Ngày 20/11/2021, Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 03/NQ- HĐHV, Nghị quyết Ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Nghị quyết này thay thế cho quyết định 479/ĐCT- HVPNVN của Đoàn Chủ tịch Hội LHPNVN.

Ngày 01/12/2021 Học viện Phụ nữ Việt Nam ban hành quyết định số 918/QĐ- HVPNVN về việc Thành lập Trung tâm tư vấn Pháp luật Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Trong những năm qua, Học viện đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, cụ thể như sau:

- Về công tác bồi dưỡng cán bộ Hội: Học viện đóng vai trò đầu mối xây dựng, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành công 2 Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp giai đoạn 2013 - 2017 (Đề án 1891) và giai đoạn 2019- 2025 (Đề án 1893). Hàng năm, Học viện tổ chức bồi dưỡng cho hơn 2000 lượt học viên ở khắp cả nước. Bên cạnh đó, Học viện cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào, bồi dưỡng cán bộ Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và phát triển. Phương thức bồi dưỡng cũng đã có sự thay đổi, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo trực tiếp và e-learning với gần 80 bài giảng động chất lượng cao được xây dựng.

- Về công tác đào tạo đại học, sau đại học: tính đến năm 2023, Học viện đã tuyển sinh thành công và đào tạo 11 khóa sinh viên đại học hệ chính quy với quy mô đạt mục tiêu đề ra (hơn 5000 sinh viên). Trong đó, 7 khóa sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ có việc làm đều đạt trên 80%. Học viện luôn nắm bắt nhu cầu xã hội để mở các ngành học phù hợp. Tính đến năm 2023, Học viện đào tạo 10 ngành đại học, 3 ngành thạc sĩ; 2 ngành tiến sĩ trong đó có những ngành đặc thù như Giới và Phát triển, Công tác xã hội; các chương trình đào tạo đều có các môn học đặc thù liên quan đến giới và phụ nữ.

Công tác tổ chức đào tạo đã được vận hành đồng bộ theo hướng thúc đẩy sự tham gia tích cực của sinh viên, thực hiện đánh giá việc dạy và học theo quá trình đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan. Chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo của tất cả các ngành học đều được công bố công khai; đảm bảo tính hội nhập và cạnh tranh với các trường trong nước và khu vực. Cơ sở dữ liệu của người học tham gia chương trình đào tạo, tham gia các môn học/học phần được nhà trường thiết lập, quản lý và giám sát thông qua phần mềm quản lý đào tạo. Hoạt động dạy và học đã có ứng dụng mạn mẽ công nghệ thông tin, với việc triển khai đào tạo theo hình thức kết hợp trực tuyến một cách đồng loạt cho sinh viên đại học chính quy và học viên cao học, góp phần khắng định năng lực, sự chuyển đổi số nhanh chóng trong giáo dục của Học viện.

- Về Khoa học và công nghệ: Học viện đã thực hiện 01 đề tài NCKH độc lập cấp nhà nước, nhiều đề tài cấp bộ, cấp Học viện, triển khai nhiều cuộc điều tra cơ bản về một số nhóm đối tượng phụ nữ. Chất lượng NCKH của giảng viên, nghiên cứu viên được cải thiện. Tổng cộng gần 500 bài báo khoa học quốc gia và quốc tế của giảng viên, nghiên cứu viên đã được công bố, trong đó có nhiều bài ISI, SCOPUS.

Học viện đã đẩy mạnh việc tổ chức, thực hiện các hoạt động NCKH sinh viên, nâng cao chất lượng NCKH. Sau 7 năm học, số lượng đề tài sinh viên được nghiệm thu cấp Học viện là gần 100 đề tài. Kể từ năm 2018, Học viện vận hành Tạp chí khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam là ấn phẩm khoa học có chỉ số ISSN, xuất bản định kỳ mỗi năm 4 số. Tạp chí khoa học Học viện phụ nữ Việt Nam được xếp vào danh mục các tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học; Kinh tế.

- Về Hợp tác quốc tế: Học viện có quan hệ hợp tác thường xuyên với gần 50 cơ sở giáo dục, nghiên cứu, tổ chức nước ngoài tại nhiều nước phát triển. Hàng năm đón nhiều chuyên gia quốc tế từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội có uy tín trên thế giới đến trao đổi, tọa đàm, làm việc dài hạn tại Học viện.

- Về Tài chính và Cơ sở vật chất: Học viện Phụ nữ Việt Nam đang từng bước đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm trụ sở chính tại Hà Nội và Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Học viện đang đầu tư mở rộng cơ sở tại xã Dương Xá và xã Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội với diện tích 3,6 ha.  Hạ tầng công nghệ thông tin cũng đang được đầu tư, với hơn 300 máy tính, trong đó có 5 phòng Lab phục vụ công tác quản lý điều hành, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Website chính của Học viện (hvpnvn.edu.vn) hoạt động hiệu quả góp phần nhận diện thương hiệu của Học viện, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Các ứng dụng Công nghệ thông tin được triển khai xây dựng như quản lý đào tạo EduSoft, quản lý Thư viện ILIB, quản lý nhân sự, thi trắc nghiệm ITest, hệ thống thông tin nội bộ Eoffice, cổng thông tin đào tạo EduWeb, hệ thống đào tạo trực tuyến LMS... Học viện đang tiến hành xây dựng và vận hành Phần mềm VWA Connect và hệ thống các phần mềm quản trị, điều hành hoạt động chung của Học viện

Bên cạnh kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm về chi thường xuyên, chi không thường xuyên, Học viện đã năng động, tích cực trong công tác tuyển sinh, khai thác tài sản, kết nối đào tạo, bồi dưỡng để tăng nguồn thu. Các nội dung chi và định mức chi được Học viện quy định chi tiết, cập nhật trong quy chế chi tiêu nội bộ. Hàng năm, Học viện đều thực hiện kiểm toán nội bộ và tuân thủ tốt việc kiểm toán nhà nước.

- Về Bảo đảm chất lượng và Quy trình nội bộ: Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đã được Học viện quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập. Học viện đã tổ chức tự đánh giá 2 lần vào các năm 2015 và 2018, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Năm 2020, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức Đoàn chuyên gia đánh giá độc lập và cấp nhận Giấy chứng nhận đạt kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2023 Học viện được nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng 3 chương trình đào tạo: Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Luật do Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long cấp.

- Về hoạt động nâng cao năng lực tổ chức: Cơ cấu tổ chức và đội ngũ nhân sự của Học viện đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tổng số đơn vị thuộc và trực thuộc là 18 đơn vị gồm: 6  khoa (Khoa học cơ bản, Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Luật, Giới và Phát triển, Truyền thông đa phương tiện); 2 viện (Nghiên cứu phụ nữ, Công nghệ thông tin); 3 trung tâm (Bồi dưỡng cán bộ, Đào tạo và Nâng cao Năng lực Phụ nữ, Tư vấn pháp luật Học viện Phụ nữ Việt Nam); 6 phòng (Tổ chức Hành chính, Đào tạo, Công tác sinh viên, Hợp tác quốc tế và Quản lý khoa học, Tài chính Kế toán, Khảo thí và Bảo đảm chất lượng); Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ssố lượng nhân sự đạt trên 200 người. Trong đó, số lượng PGS có 8 người, số lượng tiến sỹ là 47 người. Chính sách đào tạo viên chức được thay đổi mạnh, với việc hỗ trợ từ 50 đến 100% học phí cho tất cả viên chức, người lao động; triển khai tập huấn chuyên môn nghiệp vụ bắt buộc hàng năm đối với 100% nhân sự, tổ chức nhiều khóa đào tạo ngoại ngữ nên cơ bản đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên hiện nay có năng lực, trình độ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. 

Tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện vẫn luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, không ngừng phấn đấu vì sự phát triển của Học viện.

Được sự quan tâm và lãnh đạo của Đoàn Chủ Tịch Hội LHPN Việt Nam, cùng với hơn 200 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên với trình độ học vấn cao, tràn đầy nhiệt huyết và tận tâm với công việc, Học viện Phụ nữ Việt Nam nhất định sẽ phát triển lên một tầm cao mới, vị thế mới trong hệ thống giáo dục công lập của Việt Nam.

Tập thể viên chức, người lao động Học viện Phụ nữ Việt Nam tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024