Hội thảo có sự tham gia của bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Hà Thị Thanh Vân, Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Giám đốc Học viện; bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện; bà Vilavone Phanthavong, Phó Bí thư thường trực TW Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào, Chủ tịch Hội Phụ nữ Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào; 14 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ các Bộ, ngành, Văn phòng TW Đảng và TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào; đại diện các đơn vị của Học viện.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Bùi Thị Hòa, đã khẳng định tình hữu nghị Việt – Lào keo sơn gắn bó. Từ những năm 30 của thế kỷ XX cả hai nước cùng quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ, cả hai Đảng cùng có nguồn gốc từ Đảng cộng sản Đông Dương, lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm kim chỉ nam cho hành động và tranh đấu để  bảo  vệ  tất cả các lợi ích của người lao động. Việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là nghĩa vụ của công dân, là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị của mỗi nước. Với vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, đồng chí mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ thông tin làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; nội dung và phương thức và kinh nghiệm Hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Từ thực tiễn hoạt động, bà Nguyễn Thanh Cầm đã cung cấp thông tin về quá trình Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 13/12/2013 của Bộ Chính trị bắt đầu từ việc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Quyết định 374/QĐ-ĐCT ngày 4/6/2014 quy định cụ thể việc Hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đến việc triển khai đạt kết quả và bài học kinh nghiệm. Bà Vilavone Phanthavong cũng chia sẻ thông tin về việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào khá toàn diện bao gồm cả việc tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật và quản lý, điều hành công việc của nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đề cập đến nội hàm của việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền không chỉ dừng lại ở việc góp ý, bao trùm cả 3 khía cạnh lập pháp, hành pháp và tư pháp với những công việc cụ thể, trong đó, để có thể đạt hiệu quả cao, kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy là nâng cao năng lực cho đại diện Hội tham gia trong các cơ chế chính thức của Đảng và Nhà nước và đổi mới phương pháp thực hiện, trong đó phát huy vai trò chủ thể phụ nữ giữ vai trò quan trọng. Trong quá trình tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền không thể không quan tâm đến khía cạnh bảo đảm bình đẳng giới…

Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Bùi Thị Hòa đã khẳng định có nhiều điểm tương đồng trong việc thực hiện nhiệm vụ này của Hội Liên hiệp Phụ nữ hai nước; đánh giá cao nội dung của các báo cáo viên và các ý kiến trao đổi tại hội thảo, bà mong muốn hai bên tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm để làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Hội mỗi nước.