Đây là một hoạt động thuộc dự án: ‘Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam” được Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tài trợ. Chương trình do nhóm dự án Viện CNTT, Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11-15/12/2023).

Talkshow có sự hiện diện của ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA); Bà Tráng Thị Nguyên, Trợ lý Dự án Thanh niên và Bình đẳng giới; TS. Nguyễn Đức Toàn – Phó Viện trưởng phụ trách Viện CNTT, đại diện lãnh đạo các khoa, phòng cũng đông đảo sinh viên ngành Công nghệ thông tin và các ngành học khác của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Talkshow có sự tham gia của 3 khách mời: NCS. Nguyễn Lan – Giảng viên khoa Giới và phát triển, một chuyên gia từng là du học sinh  tại Úc và đang hoàn thiện luận án Nghiên cứu sinh tiến sĩ về Giới và Phát triển tại Thái  Lan; hai cựu sinh viên khoa Giới và phát triển: Đặng Thanh Tùng và Trần Vũ Quân.

Mở đầu chương trình là những tiết mục văn nghệ sôi động, ý nghĩa với những nội dung hướng tới việc cân bằng giới trong gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt, với sự sáng tạo, tài năng và thấu hiểu, các bạn sinh viên đã diễn một tiểu phẩm mang tên Việc nhà của ai? mang ý nghĩa sâu sắc, đặt ra những suy tư cho khán giả về tầm quan trọng của việc sẻ chia, giải quyết việc nhà.

Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Đức Toàn cho biết: Thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam thông qua việc tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới, hướng tới bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống là một trong những mục tiêu quan trọng mà Học viện Phụ nữ Việt Nam hướng tới. Để các thái độ và hành vi mới về giới gắn với thực hành, mọi người cần được thông tin và truyền cảm hứng, áp dụng các hành vi mới nhiều lần và được ghi nhận cho những đóng góp của họ cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam không thể giúp người dân thay đổi quan niệm ngay trong một sớm một chiều, do vậy bản thân mỗi người cần tự ý thức về những suy nghĩ, hành vi hướng tới cân bằng giới.Viện CNTT hi vọng rằng, với sự hỗ trợ của CISDOMA, ngày càng có nhiều chương trình, hoạt động phong phú, đa dạng giúp sinh viên, thanh niên có cơ hội sẻ chia những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới đến cộng đồng xã hội.

TS. Nguyễn Đức Toàn – Phó Viện trưởng phụ trách Viện CNTT, Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Chia sẻ tại buổi giao lưu, các khách mời đã cùng nhau nêu quan điểm của mình về vấn đề sẻ chia việc nhà. Quan niệm đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm; Người đàn ông là trụ cột gia đình…lần lượt được đề cập với sự phân tích sâu sắc về tính chất thời điểm, vai trò của từng phái trong gia đình. Với kiến thức, kỹ năng cùng sự trải nghiệm, mỗi khách mời đã mang đến những câu chuyện thực tế lồng ghép quan điểm, suy nghĩ của mình về những áp lực của xã hội, áp lực của gia đình đối với từng thành viên khi phân chia công việc nhà. Lợi ích khi làm việc nhà như: giải tỏa căng thẳng, stress, nhân đôi niềm vui, giảm bớt áp lực, giáo dục con cái…cũng được các khách mời chia sẻ bằng những ví dụ cụ thể.

NCS. Nguyễn Lan cũng chia sẻ: Làm việc nhà không chỉ giúp mỗi thành viên trong gia đình gắn kết hơn mà còn hình thành nếp văn hóa gia đình, giáo dục các thành viên cùng có trách nhiệm trong việc sẻ chia những công việc thường ngày. Mỗi sự san sẻ, mỗi hành động cộng hưởng cùng giải quyết những việc dù nhỏ hay lớn đều thể hiện sự yêu thương, quan tâm và bình đẳng. Đây chính là nền tảng vững chắc hình thành gia đình hạnh phúc điểm tô thêm sắc màu vào bức tranh hạnh phúc của toàn xã hội.

Cũng tại chương trình, các bạn sinh viên cũng bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề làm việc nhà. Hầu hết các bạn đều cho rằng, công việc nhà cần được chia sẻ để cả hai phái nam và nữ cùng thực hiện. Thậm chí, một số bạn nam cho rằng, với lợi thế về sức khỏe, các bạn sẵn sàng gánh vác hết công việc nhà để những người phụ nữ trong gia đình có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, sức khỏe cho bản thân.  

Sinh viên chia sẻ tại talkshow

Phát biểu tại chương trình, ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) cho biết: Với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam thông qua việc tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới, dự án Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam năm 2023 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ trong đó có sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Talkshow Việc nhà của ai? Là một minh chứng cho sự tham gia nhiệt tình, cách làm sáng tạo, tâm huyết của các bạn trẻ. Rất cảm ơn các bạn đã đồng hành với CISDOMA trên hành trình lan tỏa thông điệp thúc đẩy bình đẳng giới đến toàn xã hội.

Ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) phát biểu

Cũng tại sự kiện, nhóm dự án đã sưu tầm nhiều hình ảnh và chia sẻ từ các nhân vật về vấn đề làm việc nhà. Dù ở địa vị nào trong xã hội, nam giới ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc nhà, dù đó có thể là những việc đơn giản hay đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công thì bằng tất cả tình yêu thương, mong muốn sẻ chia, vun đắp hạnh phúc gia đình, họ đều tự nguyện thực hiện.

Khách mời chia sẻ quan điểm về vấn đề làm việc nhà trên tác phẩm của nhóm dự án

Truyền thống giáo dục trong gia đình thường ăn sâu vào thói quen, nếp nghĩ của mỗi thành viên tạo nên quan niệm về vấn đề việc nhà. Tại Việt Nam, truyền thống văn hóa Á Đông ảnh hưởng rõ đến quan niệm về việc nhà, việc nội trợ của phụ nữ. Theo Báo cáo ‘Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động – việc làm’ được Tổ chức lao động thế giới (ILO) công bố tháng 3/2021 cũng chỉ ra kết quả tương tự. Báo cáo chỉ ra, những công việc như: dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình…  trung bình chiếm đến 20,2 giờ/tuần của Phụ nữ Việt Nam. Số liệu trên cho thấy sự mất cân bằng trong vấn đề sẻ chia việc nhà và vai trò truyền thông, thay đổi định kiến về giới của thanh niên, những người trẻ sắp, đang và sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân là rất quan trọng.

Đại biểu khách mời tham gia sự kiện chụp ảnh lưu niệm

Talkshow ‘Việc nhà của ai?’ là diễn đàn để các bạn cùng sẻ chia quan điểm và cùng học cách sẻ chia việc nhà với những người thân trong gia đình hướng tới một xã hội bình đẳng, tiến bộ.