Hội thảo nhằm trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật thảo luận các vấn đề liên quan đến sự thay đổi, thích ứng, về các vấn đề về di cư quốc tế và hòa nhập xã hội diễn ra trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc.

PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, hội thảo đã nhận được hơn 80 bài báo khoa học về đề tài này. Qua quá trình phản biện độc lập, 38 báo cáo khoa học quốc tế và trong nước đã được chọn đăng trong Kỷ yếu hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu và các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu lĩnh vực di cư và các vấn đề xã hội đã tập trung thảo luận 4 nội dung chính: Di cư và các vấn đề giới; di cư và chăm sóc sức khỏe; di cư và bảo trợ xã hội; vấn đề khác liên quan đến di cư.

Nhiều nội dung mang đậm ý nghĩa thực tiễn như: Việc hòa nhập của lao động nữ di cư hồi hương ở Việt Nam, so sánh pháp luật về quyền an sinh xã hội của người lao động nước ngoài di trú tại Việt Nam và người lao động Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý di cư…

Hơn 250 học giả, các đại biểu Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và một số quốc gia khác; đại biểu đại diện một số bộ, ngành, trường đại học, học viện… dự hội thảo

Các đại biểu đều cho rằng, di cư là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển, đóng góp những giá trị to lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, góp phần bù đắp thiếu hụt lao động cũng như giao lưu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, di cư đóng góp quan trọng vào sinh kế hộ gia đình. Tham gia di cư lao động giúp cho người di cư có những trải nghiệm sự khác biệt về lối sống, văn hóa, góp phần thay đổi để thích nghi với môi trường sống mới, với công việc tại nơi đến.

Di cư cũng góp phần làm thay đổi vai trò giới trong gia đình. Vị thế, tiếng nói, quyền ra các quyết định trong gia đình của phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi trong phân công lao động gia đình cũng tác động tích cực tới các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến di cư như an sinh xã hội, an toàn trong di cư và an toàn lao động cho người di cư…, đòi hỏi cần có các chính sách phù hợp, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo Tổ chức di cư quốc tế năm 2022, ước tính toàn thế giới có 281 triệu người di cư năm 2020, tương đương với 3,6% dân số toàn cầu. Số lượng người di cư quốc tế đã tăng liên tục trong 5 thập kỷ qua. Con số 281 triệu người di cư năm 2020 nhiều hơn 128 triệu so với năm 1990 và gấp 3 lần con số ước tính vào năm 1970.