Hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của Công tác xã hội trong bối cảnh hiện nay” được tổ chức đúng vào ngày Công tác xã hội thế giới 21/3. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên…cùng chia sẻ.

Các đại biểu đã tập trung trí tuệ thời gian cùng chia sẻ, trao đổi về hai vấn đề chính của hai phiên là: Vai trò của Công tác xã hội trong hỗ trợ các nhóm yếu thếThực hành và kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về hoạt động Công tác xã hội trong các lĩnh vực cụ thể.

Hội thảo đã nghe 8 bài tham luận được chuẩn bị công phu, giàu hàm lượng khoa học, kiến thức thực tế và các ý kiến trao đổi giá trị của đại biểu trong nước và quốc tế về công tác xã hội và thực hành công tác xã hội trong bối cảnh cụ thể.

Các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm lý luận, thực tiễn thông qua các nghiên cứu định tính, định lượng về hoạt động công tác xã hội và thực hành công tác xã hội thực tế trong bối cảnh hiện nay. Các bài tham luận, trao đổi đa dạng về các vấn đề: 

Chính sách phúc lợi xã hội cho người khuyết tật tại Hàn Quốc;

Hoạt động công tác xã hội trong thực hiện quyền an sinh xã hội về hỗ trợ việc làm cho người dân tại Việt Nam;

Các yếu tố dẫn đến tái phạm: Xây dựng chương trình can thiệp phòng ngừa cho trẻ em vi phạm pháp luật;

Các năng lực mới của nhân viên công tác xã hội và nhà giáo dục xã hội ở Nga – cơ sở hỗ trợ trẻ mồ côi sau khi rời nơi ở; 

Công tác xã hội ở tâm chấn của cuộc khủng hoảng kép: trường hợp của Armenia và Nagorny Karabakh;

 Phát triển nguồn nhân lực tuần hoàn trong công tác chăm sóc xã hội: Kinh nghiệm hợp tác trường đại học giữa Nhật Bản và Việt Nam;

Các hiệp hội công tác xã hội nghề nghiệp của Ấn Độ như một cơ chế nâng cao uy tín và vị thế của nghề;

Vai trò của PASWI trong việc nâng cao vị thế của nghề Công tác xã hội

Từ lăng kính của ccs học giả, của những nhà hoạt động thực tiễn từ đó nhấn mạnh vai trò của công tác xã hội trong hỗ trợ các nhóm yếu thế như người khuyết tật, trẻ em, người nghèo, nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. 

Những quan điểm lý luận và kinh nghiệm thực tiễn từ các các quốc gia: Liên bang Nga, Hàn Quốc, Philippinnes, Ấn Độ…được chia sẻ tại hội thảo cho thấy công tác xã hội là vấn đề toàn cầu, nhân viên công tác xã hội đóng vai trò quan trọng, là một trong những nhân tố mang tính quyết định giúp người dân thực hiện quyền được hỗ trợ an sinh xã hội đồng thời góp phần loại bỏ các rào cản tâm lý xã hội, kinh tế và văn hóa thúc đẩy phát triển con người và xã hội.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Phó Giám đốc Dương Kim Anh trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Hiệp hội Giáo dục và Nhân viên Công tác xã hội Liên bang Nga (SSOPiR) và sự tham gia nhiệt tình của đại biểu đến từ 15 quốc gia khắp châu Á và châu Âu.

Tiến sĩ Dương Kim Anh cũng tổng hợp một số khuyến nghị như sau: 

Cần tập trung phát triển hệ thống công tác xã hội nhằm thực hiện quyền cơ bản của con người, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

– Nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo công tác xã hội chuyên nghiệp, phát triển vai trò của đội ngũ nhân viên công tác xã hội.

Cần thúc đẩy, phát triển hợp tác quốc tế, tăng cường sự tham gia của các thân chủ và các đối tượng dễ bị tổn thương vào các hoạt động công tác xã hội thông qua thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế.

– Cần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực tuần hoàn trong công tác xã hội

Với phương châm hiện thực hóa chủ đề ngày Công tác xã hội thế giới năm 2023: ‘Tôn trọng sự đa dạng thông qua hành động xã hội chung’, hội thảo khoa học quốc tế: ‘Vai trò của Công tác xã hội  trong bối cảnh hiện nay’ càng góp phần khẳng định Công tác xã hội là một khoa học, một nghề mang tính nhân văn sâu sắc và sẽ phát triển vững mạnh hơn nữa trong thời đại hiện nay.

Hội thảo đã khép lại với những kết quả tốt đẹp và tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Hiệp hội Giáo dục và Nhân viên Công tác xã hội Liên bang Nga (SSOPiR) và các tổ chức trong nước, quốc tế về lĩnh vực Công tác xã hội.