Điểm đến đầu tiên của đoàn là đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ – Người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời đại phong kiến nước nhà, được người dân ca tụng là “Bà Chúa Sao Sa”.

Tương truyền, bà Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1574, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống hiếu học tại làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương. Dưới thời phong kiến, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không cho phép nữ giới được bình đẳng với nam giới, kể cả việc học hành, thi cử. Vậy nhưng có một người con gái tài sắc, đức độ, trí tuệ trác việt đã vượt qua luật lệ khắt khe đó, đạt tới học vị tiến sĩ khi vừa mới tròn 20 tuổi. Bà chính là nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, Nguyễn Thị Duệ.

Bà Nguyễn Thị Duệ không chỉ là nữ tiến sĩ duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam mà bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời. Bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội, tất cả bài vở đều qua khâu chấm chọn của bà. Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ bà khảo duyệt lại. Bà Nguyễn Thị Duệ cũng được coi là người khởi đầu hình thức đào tạo từ xa và phong trào khuyến học của đất nước.

Không chỉ vậy, còn giúp vua kịp thời điều chỉnh chính sách an dân, khôn khéo khuyên họ bớt xa xỉ, trừng trị nghiêm bọn tham quan, cường hào nhằm thu phục lòng tin yêu của dân. Là một vị quan thanh liêm, bà Nguyễn Thị Duệ thương dân như con. Khi đất nước gặp thiên tai, địch họa, Bà xin triều đình phát chẩn cứu đói, cấp nhiều mẫu ruộng tốt, canh tác lấy hoa lợi. Tham quan đền thờ bà, các đảng viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam càng thêm thành kính, ngưỡng mộ tấm gương tài hoa tuyệt vời của nữ Tiến sĩ.

Điểm tham quan tiếp theo của đoàn là đền thờ Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Theo sử sách, Chu Văn An, tên chữ là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đã từng đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà mở trường Huỳnh Cung bên kia sông Tô Lịch để dạy học. Sau này, ông được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho các Thái tử và phò giúp nhà vua. Đến thời Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, Chu Văn An khuyên can giúp nhà vua vững con thuyền an dân, còn dâng “thất trảm sớ” nhưng đều bất thành. Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn, dạy học, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân cho tới khi mất. Khi qua đời ông được Vua Trần Nghệ Tông phong tước Văn Trinh Công, tước phẩm cao nhất trong hạng tước và được thờ tự ở Văn Miếu.

Đoàn đã tham quan đền thờ, Lăng mộ thầy Chu Văn An và Điện Lưu Quang – nơi thầy Chu Văn An dạy học thuở xưa để thành kính ngắm nhìn những vật dụng, hình ảnh còn lưu lại dấu tích của người Thầy mẫu mực về tâm đức sáng ngời của dân tộc Việt Nam.

Chuyến đi về nguồn ý nghĩa thể hiện tấm lòng tri ân của đảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam giúp mỗi người hiểu thêm về truyền thống hiếu học của dân tộc và noi gương 2 danh nhân văn hoá của đất nước để thực hiện tốt hơn công việc của mình góp phần đưa Học viện Phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển trở thành một cơ sở giáo dục uy tín, chất lượng của nước nhà.