Giữa năm 2008, dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung Ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ phối hợp với Ban Gia đình – Xã hội đã tiến hành thực hiện đề tài “Thực trạng và nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi – Một số gợi ý chính sách” nhằm tìm ra những bất cập trong chính sách và thực tiễn hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi. Qua đó, đề tài có thể đưa ra những giải pháp hỗ trợ phụ nữ có con nhỏ được gửi con ở các cơ sở trông giữ trẻ đảm bảo chất lượng, cũng như đảm bảo quyền được chăm sóc và giáo dục đầy đủ cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng.

Nghiên cứu được khảo sát trên 6 tỉnh đại diện cho 3 miền Bắc – Trung – Nam là: Lào Cai, Nam Định, Đà Nẵng, Bình Dương, Sóc Trăng và Đăk Lăk. Về phương pháp nghiên cứu, đề tài kết hợp chặt chẽ 2 loại nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để khảo sát các khách thể khác nhau như: Phụ huynh có con dưới 36 tháng tuổi, nhà trẻ, chính quyền địa phương, ban ngành liên quan…

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy một số vấn đề đáng chú ý,

         Các chính sách giáo dục mầm non hiện nay chỉ tập trung vào đối tượng trẻ mẫu giáo (lứa tuổi 4-5 tuổi) mà chưa quan tâm đến phát triển mạng lưới nhà trẻ…Đặc biệt, điều lệ mầm non về việc trông giữ trẻ 36 tháng tuổi đã thực sự gây lúng túng cho các cơ sở trông giữ trẻ cũng như không nhận được sự đồng tình từ phía phụ huynh

         Rất ít cơ sở công lập tiếp nhận trẻ trong độ tuổi 25 – 36 tháng. Phần lớn trẻ trong độ tuổi dưới 24 tháng được trông giữ ở các cơ sở ngoài công lập, đặc biệt trẻ dưới 18 tháng được trông giữ tại các nhóm trẻ gia đình

         Các cơ sở trông giữ trẻ hiện nay chưa được đáp ứng về độ tuổi tiếp nhận trẻ và thời gian, chất lượng nuôi dạy trẻ so với nhu cầu của xã hội

         Công tác đào tạo giáo viên và người bảo mẫu nuôi dạy trẻ còn nhiều điều đáng bàn, chưa được đầu tư đúng mức, chương trình đào tạo tập trung nhiều cho lứa tuổi mẫu giáo

         Cơ chế phối hợp, kiểm tra giám sát công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở các cơ sở ngoài công lập còn rất nhiều bất cập

Dựa trên kết quả nghiên cứu, cụ thể xuất phát từ khó khăn của nhiều phía: Phụ huynh, cơ sở trông giữ trẻ…trong công tác chăm sóc – giáo dục trẻ dưới 36 tháng, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị như: Chính sách nghỉ thai sản 6 tháng cho cán bộ nữ, chính sách trợ cấp xã hội một phần kinh phí gửi trẻ, điều chỉnh lương giáo viên, thử nghiệm mô hình bao cấp hoặc bảo trợ xã hội đối với các cơ sở trông trẻ, xây dựng quỹ đất và ngân sách đầu tư xây dựng nhà trẻ, tăng cường phối hợp quản lý, giám sát của các ban ngành…

Đề tài đã được nghiệm thu vào ngày 10/3/2009 và được Hội đồng khoa học Trung Ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đánh giá đạt loại khá.