Từ đó đề xuất các giải pháp hạn chế mặt trái của di cư, tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hòa nhập, hội nhập xã hội, thông qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, di cư là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Di cư là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển. Di cư đã và đang đóng góp những giá trị to lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; bù đắp thiếu hụt lao động cũng như góp phần giao lưu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Theo Báo cáo của Tổ chức di cư Quốc tế năm 2022, ước tính toàn thế giới có 281 triệu người di cư năm 2020, tương đương với 3,6% dân số toàn cầu. Số lượng người di cư quốc tế đã tăng liên tục trong 5 thập kỷ qua. Con số 281 triệu người di cư năm 2020 nhiều hơn 128 triệu so với năm 1990 và gấp 3 lần con số ước tính vào năm 1970.

Các đại biểu trong và ngoài nước tham gia Hội thảo

‘Di cư đóng góp quan trọng vào sinh kế hộ gia đình. Tham gia di cư lao động giúp cho người di cư có những trải nghiệm sự khác biệt về lối sống, văn hóa, góp phần thay đổi để thích nghi với môi trường sống mới, với công việc tại nơi đến. Di cư cũng góp phần làm thay đổi vai trò giới trong gia đình. Phụ nữ di cư ngày càng đóng góp quan trọng vào sinh kế của hộ gia đình, cải thiện kinh tế, thu nhập của gia đình. Vị thế, tiếng nói, quyền ra các quyết định trong gia đình của phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi trong phân công lao động gia đình cũng tác động tích cực tới các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề liên quan đến di cư như an sinh xã hội, an toàn trong di cư và an toàn lao động cho người di cư,… là các vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn’, PGS.TS Trần Quang Tiến cho biết.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 bài báo viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Qua quá trình phản biện độc lập, 38 bài viết khoa học quốc tế và trong nước đã được chọn đăng tại Kỷ yếu của Hội thảo.

Hội thảo tập trung thảo luận 4 nội dung chình gồm: (1) Di cư và các vấn đề Giới (Migration and Gender issues); (2) Di cư và Chăm sóc sức khoẻ (Migration and Health Care); (3) Di cư và Bảo trợ xã hội (Migration and Social Protection); (4) Vấn đề khác liên quan đến di cư (Other Migration-related Issues).

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và một số quốc gia khác; các học giả, đại biểu đại diện một số Bộ và cơ quan ngang Bộ; Đại diện các ban, đơn vị TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN TP Hà Nội; các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội; đại diện một số trường Đại học, Học viện; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ ngành khác…

Việc phối hợp tổ chức hội thảo Khoa học quốc tế ‘Di cư quốc tế và Hội nhập xã hội: Hòa nhập và Phát triển bao trùm’ giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác học thuật chặt chẽ và hiệu quả giữa hai nhà trường, đồng thời gợi mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về di cư, về giới và phát triển và các chủ đề liên quan khác.