Hoạt động phục vụ cộng đồng trong môi trường đại học có ý nghĩa thật sự to lớn: thể hiện vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong việc đáp ứng yêu cầu của xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng, góp phần phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng; Đồng thời mang lại cơ hội học tập cho sinh viên và giảng viên bên ngoài lớp học, giúp sinh viên thể hiện được những kiến thức đã được học và phát triển tính cách cá nhân; Xác định được trách nhiệm và quyền lợi của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng, từ đó từng bước xây dựng và nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trong việc xây dựng hình ảnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam là một cơ sở giáo dục mang đến những lợi ích cụ thể cho cộng đồng; Từng bước xây dựng và nâng cao văn hóa chất lượng giáo dục Học viện.

Hoạt động từ thiện của SV Học viện Phụ nữ Việt Nam 

Để giúp Ban Giám đốc Học viện có thể quản lý, theo dõi và giám sát các hoạt động phục vụ cộng đồng làm căn cứ đối sánh, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ cộng đồng của Học viện nói riêng, nâng cao chất lượng và uy tín giáo dục đào tạo của Học viện nói chung, việc thiết kế một phần mềm quản lý các hoạt động phục vụ cộng đồng của Học viện là hết sức cấp thiết.

  1. Mục đích của phần mềm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng

Phần mềm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng là công cụ tin học hóa giúp thống kê, tổng hợp các hoạt động phục vụ cộng đồng theo kế hoạch đào tạo, nghiên cứu và bồi dưỡng mà Học viện đã đề ra, theo dõi và kiểm soát các hoạt động phục vụ cộng đồng của Học viện, không chỉ giúp Ban Giám đốc quản lý tốt hoạt động phục vụ cộng đồng mà còn là cơ sở để đối sánh, cải thiện nâng cao hiệu quả các hoạt động phục vụ cộng đồng của Học viện trong tương lai.

  1. Phạm vi quản lý

Phần mềm này quản lý, theo dõi, đánh giá và giám sát những hoạt động mang tính chất hoặc hướng đến phục vụ cộng đồng, đóng góp trách nhiệm xã hội của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên, người học của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Các khái niệm liên quan:

  1. Khái niệm: Hoạt động phục vụ cộng đồng:

Hoạt động phục vụ cộng đồng là các hoạt động phục vụ gắn kết với học tập để đảm bảo được hai mục tiêu là (a) kết quả học tập đạt được như mong đợi, (b) lợi ích đem lại cho cộng đồng qua trải nghiệm học tập và phục vụ, được thông qua các hoạt động khác nhau của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên gắn kết với cộng đồng làm việc. Theo đó, hoạt động phục vụ cộng đồng sẽ gồm 2 loại hình:

+ Loại hình phi lợi nhuận: bao gồm những hoạt động không có nguồn thu và/hoặc có nguồn thu nhưng chỉ để chi trả một phần hoặc chỉ đủ bù chi.

+ Loại hình có lợi nhuận: Có giá trị thặng dư (nguồn thu lớn hơn nguồn chi)  chính là chuyển giao công nghệ. Phục vụ cộng đồng có thể được hiểu mở rộng từ khái niệm Chuyển giao công nghệ trước đây.

Theo Điều 64 khoản 1 điểm d, nguồn thu từ phục vụ cộng đồng là một trong 3 nguồn thu chính của cơ sở giáo dục đại học. 

Các hoạt động phục vụ cộng đồng có thể bao gồm nhưng không giới hạn các hoạt động trong 4 lĩnh vực sau:

  1. Đào tạo: Xây dựng và phát triển các mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường với các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tuyển dụng lao động từ việc thiết kế chương trình đào tạo đến thực hiện quá trình đào tạo, đánh giá và hỗ trợ sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo cơ hội cho sinh viên ra trường có việc làm; Đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong đó có định hướng dạy học vì lợi ích cộng đồng bằng cách tích hợp, lồng ghép triết lý giáo dục “Service learning” (Học tập phục vụ cộng đồng) vào các chương trình đào tạo; Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn về Ngoại ngữ, Tin học, kỹ năng mềm, kỹ năng sống, … cho các đơn vị, cơ sở của cộng đồng (trường phổ thông, cơ quan, đoàn hội…).
  2. Nghiên cứu khoa học: Lựa chọn và xây dựng các đề tài khoa học vừa phục vụ lợi ích cộng đồng vừa nâng cao được năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên; Tạo lập, phát triển các dịch vụ chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp khả năng thực tế của nhà trường; Tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học các cấp nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật, công bố sản phẩm nghiên cứu khoa học; Tham gia các hội đồng khoa học chuyên ngành, qua đó đề xuất các ý kiến góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa giáo dục của cộng đồng và của địa phương; Hỗ trợ các ban, đơn vị Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp bộ ngành, thực hiện các đề án/chương trình của Chính phủ…
  3. Tư vấn: Tham gia các hiệp hội nghề nghiệp có liên quan đến các ngành nghề đào tạo hiện có của Học viện; Xây dựng các chuyên đề và tổ chức các hoạt động tư vấn cho các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chẳng hạn như: tư vấn các kế hoạch phát triển giáo dục, phát triển văn hóa du lịch cho địa phương; tư vấn bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường; tư vấn tâm lý học đường; hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện nghiên cứu khoa học.
  4. Tình nguyện: Bao gồm tất cả các loại hình hoạt động tình nguyện, hỗ trợ, phục vụ cộng đồng như: Phối hợp thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng do các cơ quan/đơn vị/đoàn thể các cấp triển khai; Tổ chức/phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, phát triển những nguồn sinh kế mới, Bảo vệ môi trường, tuyên truyền để góp phần nâng cao ý thức và hiểu biết về vấn đề môi trường, thúc đẩy tinh thần tự nguyện trong công tác bảo vệ môi trường, tổ chức các cuộc thi về tái chế rác thải, sáng tạo ra những đồ dùng mới từ việc tái chế rác; tư vấn tuyển sinh hàng năm cho học sinh và phụ huynh học sinh; Tổ chức các hoạt động tình nguyện có ý nghĩa như Mùa hè xanh, Hiến máu nhân đạo, Tiếp sức mùa thi, hỗ trợ các trung tâm bảo trợ xã hội, các hoạt động công tác xã hội phục vụ cộng đồng khác; Tổ chức các hoạt động giao lưu – hợp tác đào tạo trong nước, giao lưu – hợp tác doanh nghiệp nhằm mục đích kết nối, đào tạo cùng doanh nghiệp, tạo cơ hội tìm việc làm cho sinh viên; Tổ chức/tham gia các hoạt động giao lưu – hợp tác quốc tế: Hội nghị, Hội thảo quốc tế, các chương trình gặp gỡ, giao lưu, hợp tác với thanh niên, sinh viên quốc tế trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh Việt Nam, của Học viện Phụ nữ Việt Nam; tuyên truyền để góp phần gìn giữ nền văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số; Tuyên truyền, thúc đẩy bình đẳng giới; Hỗ trợ các cơ quan Hội LHPN chuyên trách các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính vụ; Phối hợp, hợp tác với các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, các hoạt động công ích khác phục vụ cộng đồng.
  1. Khái niệm: Phần mềm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng:

Phần mềm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng là sự ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, theo dõi, giám sát các hoạt động phục vụ cộng đồng.

  1. Yêu cầu đối với phần mềm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng
  1. Phần mềm cần có giao diện đơn giản, dễ sử dụng cho cả nhà quản lý và chuyên viên theo dõi các hoạt động phục vụ cộng đồng của Học viện.
  2. Khả năng xử lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác.
  3. Hệ thống dễ dàng tra cứu, trích xuất, kiểm soát, chỉnh sửa và cập nhật các hoạt động.
  4. Phần mềm cần được kết nối và thích nghi với nhiều phương tiện, nền tảng, phần mềm khác.
  5. Có thể kết xuất nhiều báo cáo quản trị, hỗ trợ Ban Giám đốc Học viện trong việc theo dõi, đánh giá và đưa ra quyết định liên quan đến hoạt động phục vụ cộng đồng.
  6. Phần mềm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng cần được tích hợp với các phần mềm mà Học viện đang ứng dụng để việc quản lý toàn bộ các hoạt động của Học viện được đồng bộ và thống nhất.
  1. Nội dung quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng

Phần mềm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng cần theo dõi được các khía cạnh sau:

  1. Tên các hoạt động: ghi rõ tên và loại hình hoạt động, mô tả vắn tắt nội dung và mục đích của hoạt động
  2. Địa điểm thực hiện: ghi rõ địa điểm diễn ra/tiến hành hoạt động
  3. Thời gian thực hiện: ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc hoạt động
  4. Kết quả hoạt động: liệt kê được kết quả/sản phẩm hoạt động và đánh giá được giá trị, ý nghĩa của các kết quả/sản phẩm cụ thể, như kinh phí thu được hoặc chuyển giao, mang lại những thay đổi tích cực gì cho môi trường, xã hội, tác động đến bao nhiêu nhóm đối tượng, hoạt động đã tác động thế nào/mang lại những lợi ích cụ thể gì về vật chất và tinh thần cho đối tượng thụ hưởng,…
  5. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động: ghi rõ đơn vị thực hiện và đơn vị phối hợp (nếu có)
  6. Người chịu trách nhiệm: ghi rõ những chủ thể được giao nhiệm vụ đầu mối tổ chức/chịu trách nhiệm về hoạt động: như cán bộ giảng viên khoa nào, nhóm sinh viên lớp nào, khóa nào, khoa nào… Nếu là cá nhân, cần ghi rõ họ tên, chức danh
  1. Trách nhiệm quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng

Cán bộ của đơn vị chức năng được phân công đầu mối quản lý hoạt động phục vụ cộng đồng, có thể là phòng Công tác sinh viên, phòng Quản lý khoa học, Trung tâm công nghệ thông tin – Thư viện,… hàng năm tổng hợp, cập nhật tình hình thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng của tất cả các đơn vị, khoa, phòng, viện.

Các đơn vị, khoa, phòng, viện hàng năm có trách nhiệm báo cáo đầy đủ các hoạt động phục vụ cộng đồng do đơn vị mình thực hiện.