Buổi tập huấn định kỳ được tổ chức hàng năm nhằm giúp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện phụ nữ Việt Nam nâng cao ý thức, kiến thức nghiệp vụ PCCC để chỉ đạo hướng dẫn, quản lý, tổ chức việc thực hiện công tác PCCC tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ; Sử dụng thành thạo các phương tiện dụng cụ chữa cháy, thoát hiểm và cứu người bị nạn, sẵn sàng chữa cháy kịp thời và hiệu quả khi có sự cố xảy ra; Nâng cao khả năng phản ứng, phối hợp giữa các bộ phận làm công tác PCCC tại các khoa, phòng trong Học viện.

Tham gia buổi tập huấn có đại diện Ban Giám đốc học viện, Ban chỉ huy PCCC, đội PCCC cơ sở, cán bộ chủ chốt tại các Khoa, Phòng trong học viện; Đại diện sinh viên nội trú các tòa; Đội Thanh niên xung kích; cán bộ/giảng viên/sinh viên quan tâm.

Tại buổi tập huấn, cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện đã được chia sẻ về tầm quan trọng của sự phối kết hợp trong công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giữa Đội Cảnh sát PCCC&CNCH và lực lượng PCCC của học viện; Đồng thời, một lần nữa đánh giá khả năng hoạt động của các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và cứu hộ cứu nạn hiện có.

Thông qua hoạt động học tập, thực tập phương án chữa cháy nhằm rà soát, đánh giá những điểm mạnh, yếu của lực lượng PCCC cơ sở, những thiếu sót tồn tại trong khâu tổ chức, bố trí lực lượng phương tiện chữa cháy, rút ra các bài học kinh nghiệm, chủ động lập kế hoạch trong việc mua sắm, bổ sung, sửa chữa trang thiết bị chữa cháy và hoạt động PCCC, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC của tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Cán bộ giảng viên, sinh viên thuộc lực lượng PCCC của học viện đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, tổ chức diễn tập phương án phòng cháy và chữa cháy định kỳ năm 2023. Cụ thể là các nội dung lý thuyết về tình hình thực tế và kiến thức chuyên môn giúp học viên nắm được kiến thức cơ bản về PCCC, các biện pháp PCCC cơ bản để từ đó hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra như : Thông báo tình hình cháy nổ và những bài học kinh nghiệm; Phân tích các nguyên nhân gây cháy; Một số kiến thức cơ bản về cháy nổ; Tính chất nguy hiểm cháy nổ của một số loại chất cháy thường gặp và có trong cơ sở; Các biện pháp phòng cháy cơ bản; Các chất chữa cháy thông thường, các biện pháp chữa cháy cơ bản;  Quy trình cứu chữa một vụ cháy; Nguyên lý hoạt động của hệ thống báo cháy tự động; Giới thiệu lăng vòi chữa cháy, hệ thống chữa cháy vách tường; Cách rải vòi, cuộn vòi, nối vòi, bảo quản vòi chữa cháy; Nguyên lý, cấu tạo, tính năng hoạt động của bình chữa cháy xách tay; Các biện pháp tổ chức thoát nạn phù hợp thực tế với từng khối nhà; Tìm hiểu về các nguyên tắc và quy trình khi tổ chức cứu chữa vụ cháy; chức năng, cấu tạo, cách sử dụng của từng loại phương tiện chữa cháy để vận dụng hiệu quả, giải quyết kịp thời khi có sự cố xảy ra; tổ chức thoát nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Sau khi được tiếp nhận các kiến thức về lý thuyết, các học viên được hướng dẫn thực hành thao tác sử dụng bình chữa cháy xách tay: Bình bột MFZ4, bình khí CO2-MT3 và sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở và tham gia diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực tiếp tại Học viện.

Buổi tập huấn đã giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện nắm bắt được tình hình thực tế về thực địa, vị trí phân bổ của các thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để chủ động trong công tác nắm địa bàn, nhanh chóng và kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Cán bộ tập huấn cũng đưa ra các phương pháp, biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả trong công tác chữa cháy & CNCH đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ & kiến thức cơ bản về PCCC cho đội PCCC cơ sở nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỹ năng chuyên môn trong công tác quan trọng này.