Thực trạng đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật

Kết quả khảo sát tại 3 tình Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế và Tây Ninh cho thấy số phụ nữ khuyết tật được đào tạo nghề còn rất ít ỏi. Chỉ có 30,3%  phụ nữ khuyết tật tham gia nghiên cứu đã được đào tạo nghề, 20,7 % phụ nữ khuyết tật đang được đào tạo nghề. Số chưa được đào tạo nghềchiếm tới 49,0%.Thái Nguyên là tỉnh có số phụ nữ khuyết tật đã được đào tạo nghề lớn nhất(54,3%).Thừa Thiên Huế là tỉnh có số phụ nữ khuyết tật đang được đào tạo nghề lớn nhất (48,9%). Riêng Tây Ninh là tỉnh mà phụ nữ khuyết tật ít được đào tạo nghề nhất, số đã được đào tạo chỉ chiếm 19,9%.

Kết quả phỏng vấn sâu các nhà hoạch định và thực thi chính sách ở các địa phương được khảo sát cho biết thêm về vấn đề này như sau: “Ở Huế hiện nay có khoảng 30.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng 11.000-12.000 người trong độ tuổi cần học nghề, cần việc làm. Huế có ba nơi đào tạo nghề cho người khuyết tật mang tính chất của hiệp hội và của địa phương. Một là Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho Người khuyết tật, thứ hai là Trung tâm dạy nghề của Hội người mù, thứ ba là Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Thuận Thành – họ có trung tâm tên là Trung tâm Hy vọng, đào tạo nghề và tạo việc làm cho các cháu luôn, tại số 20 Phố Thạch Hãn. Nhưng so với số trung tâm, số lớp học cho người khuyết tật thì vô cùng ít. Nếu gom lại tất cả học viên của các trung tâm này thì được khoảng 400-500 người khuyết tật. Ngoài ra những người không có nghề nghiệp ổn định, họ đi làm để kiếm sống ở bên ngoài thì mình không nắm rõ. Số người khuyết tật được dạy nghề và tạo việc làm hàng năm so với số người khuyết tật chung thì không nhiều“ (PVS nhà hoạch định chính sách ở Huế).

 „Còn ở tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2011cũngchỉ đào tạo được cho 80 người khuyết tật. Từ năm 2007 đến 2010 đào tạo được cho 600 người. Số lượng đào tạo người khuyết tậtngày càng giảm vì mức hỗ trợ thấp nên chưa thu hút được họ(PVS nhà hoạch định chính sách ở Thái Nguyên).

Một nửa số phụ nữ khuyết tậtđược đào tạo nghề ở độ tuổi 15-25(50%), nhóm dưới 15 và từ 26-40 chỉ có từ 18,8%đến 21,8% được đào tạo nghề và càng ở độ tuổi cao, trên 40,  số người được đào tạo nghề là không đáng kể(10%).

Bên cạnh đó, học vấn là một yếu tố quan trọng để phụ nữ khuyết tật có cơ hội và điều kiện tham gia các khóa học nghề tạo việc làm, ổn định đời sống.Phụ nữ khuyết tậtcó học vấn càng thấp thì cơ hội được đào tạo nghề càng ít; còn phụ nữ khuyết tậtcó học vấn càng cao thì càng có cơ hội được đào tạo nghề cao hơn. Có đến 56% phụ nữ khuyết tậtcó trình độ trung học phổ thôngđược đào tạo nghề và ngược lại, 82,4% phụ nữ không đi học chưa được đào tạo nghề.

 Phân tích theo tình trạng hôn nhân, số liệu thu được từ điều tra thực tiễn cho thấysố phụ nữ khuyết tậtđược khảo sát chiếm tỉ lệ cao chưa lập gia đình (64,9%). Tuy nhiên, phân tích trong từng nhóm có đặc điểm hôn nhânkhác nhau, điều đáng quan tâm là đa phần phụ nữ khuyết tậtchưa được đào tạo tập trung trong các nhóm hiện đang chung sống như vợ chồng, nhóm ly hôn, nhóm góa hay nhóm làm mẹ đơn thân,  chiếm tỉ lệ dao động từ  67,8% đến 75% trong mỗi nhóm.

Những loại nghề được đào tạo cho phụ nữ khuyết tật

Nghề mà phụ nữ khuyết tậtđược đào tạo là khá đa dạng với 12 loại nghề nghiệp khác nhau như thêu, đan, dệt, may; tin học; nấu ăn; trồng rau, nấm, … Tuy nhiên, nghề thêu, đan, dệt, may được phụ nữ khuyết tật lựa chọn tham gia đào tạo với tỉ lệ cao nhất (80,5%). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, không có sự khác biệt đáng kể trong các nhóm phụ nữ khuyết tật theo các tiêu chí về tuổi, địa bàn cũng như dạng khuyết tật. Đây là những nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe của phụ nữ khuyết tật. Trên thực tế, những năm qua ở nước ta những nghề này cũng khá phát triển, góp phần mở ra cơ hội việc làm cho phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.

Một số nghề khác mà phụ nữ khuyết tật được đào tạo tương đối nhiều hiện nay là tin học và trồng rau, nấm. Nghề trồng rau nấm được phụ nữ khuyết tật ở Tây Ninh (10%) và Thái Nguyên (5,7%) lựa chọn nhiều hơn và nghề tin học chủ yếu được đào tạo cho phụ nữ khuyết tậtở tỉnh Thái Nguyên (11,3%), tại Trường đào tạo cho Trẻ em Khuyết tật của tỉnh. Có 7,1% phụ nữ khuyết tậtở tỉnh Thừa Thiên – Huế được đào tạo các nghề thủ công và có 10% phụ nữ khuyết tậtđược đào tạo nghề matxa ở Tây Ninh.

Một loạt các nghề khác được phụ nữ khuyết tậtquan tâm nhưng số người tham gia đào tạo rất thấp như dịch vụ chăm sóc sắc đẹp/sức khỏe, ngành y, ngành hóa học, kế toán hay thông tin thư viện.

Việclựa chọn nghề đào tạo với độ tuổi của phụ nữ khuyết tật cũng có sự khác biệt đáng kể. Phụ nữ khuyết tật dưới 25 tuổi chủ yếu tham gia các nghề thêu, đan, dệt, may(89,3%) và nghề matxa (7,1%), tin học (3,6%), những nghề mà họ có thể sử dụng có hiệu quả với tuổi trẻ, sức khỏe tốt. Trong khi đó, phụ nữ khuyết tậtở 2 nhóm từ 25-40 tuổi và trên 40 tuổi không có lựa chọn nhiều về nghề, miễn là họ có thể tham gia các lớp đào tạo. Tất cả các nghề từ thêu, đan, dệt đến tin học, nghề thủ công hay trồng rau, nấu ăn đều được họ lựa chọn.

Cơ quan, tổ chức đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật và tỉ lệ được cấp chứng chỉ đào tạo

Kết quả khảo sát cho thấy, đã có 5 loại hình đơn vị tham gia cung cấp các khóa đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật bao gồm nhà nước, các tổ chức tư nhân, các đoàn thể và các tổ chức phi chính phủ trong nước, nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, cũng giống như trên cả nước, ở các địa phương này chỉ có hai cơ sở chính là Trung tâm đào tạo nghề và Trường đào tạo nghề dành cho người khuyết tật là nơi cung cấp chính các khóa đào tạo cho phụ nữ khuyết tật, các cơ sở, tổ chức đào tạo khác chỉ chiếm một phần nhỏ trong việc đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật. Ngoài ra, phụ nữ khuyết tậtcũng tự học nghề từ chính gia đình, người thân, bạn bè của mình để chủ động hòa nhập vào cuộc sống.

Kết quả cụ thể như sau: Thái Nguyên là tỉnh mà hầu hết phụ nữ khuyết tậtđược đào tạo tại Trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật. Tây Ninh là nơi khai thác nhiều nhất các thành phần khác tham gia đào tạo cho phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh (65%); các đoàn thể (15%) và đây cũng là nơi mà số phụ nữ khuyết tậttự nỗ lực học nghề tại gia đình chiếm đến 15%.Thừa Thiên Huế là tỉnh ngoài sự tham gia chính của các Trung tâmđào tạo nghề nhà nước, đã có sự tham gia của tổ chức Phi chính phủ nước ngoài chiếm đến 28,6%.

Địa điểm đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tậtkhá đa dạng,đáp ứng điều kiện tham gia đặc thù của phụ nữ khuyết tậtvà có thể giúp họ mở nghề. Đa phần phụ nữ khuyết tậtđược đào tạo nghề tại cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp đó là trung tâm đào tạo nghề hoặc ở trường dành riêng cho người khuyết tật, nơi có các trang thiết bị phù hợp với phụ nữ khuyết tật. Để đáp ứng với tính ứng dụng cho phụ nữ khuyết tật,các câu lạc bộ/Hội nghề nghiệp; cơ sở sản xuất-kinh doanhhaygia đình cũng trở thành nơi mà phụ nữ khuyết tậtđược đào tạo. Phụ nữ khuyết tậtở độ tuổi càng trẻ, càng được đào tạo tại các Trung tâm đào tạo nghề và ở Trường dành cho người khuyết tật. Còn phụ nữở độ tuổi càng cao, thì địa điểm đào tạo linh hoạt: ở cơ sở sản xuất kinh doanh, ở gia đình hay câu lạc bộ/Hội nghề nghiệp càng cao hơn.

Thời gian đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật

Thời gian màphụ nữ khuyết tậtđược tham gia các khóa đào tạo nghề  dao động từ dưới 3 tháng đến trên 12 tháng. Chiếm tỉ lệ cao nhất là thời gian đào tạo dưới 3 tháng với 41,3%;  từ 6-12 tháng và trên 12 tháng gần tương đương nhau (với tỷ lệ phần trăm lần lượt là 28,5% và 24,4%).

Thái Nguyên là nơi  đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật dưới 3 tháng chiếm tỉ lệ cao nhất (51%), còn ở Tây Ninh và Thừa Thiên – Huế có thời gian đào tạo chủ yếu là 6-12 tháng với tỉ lệ lần lượt là 40% và 42,9% .

Phụ nữ khuyết tật có độ tuổi càng trẻ càng có điều kiện tham gia học nghề với thời gian dài hơn. Điển hình là phụ nữ khuyết tậtdưới 25 tuổi tham gia các lớp học trên 12 tháng chiếm đến 37,0%, tham gia các lớp học 6-12 tháng chiếm đến 33,3%. Phụ nữ khuyết tậtở hai nhóm tuổi 25-40 và trên 40 tuổi tham gia các khóa đào tạo dưới 3 tháng chiểm tỉ lệ tương đương nhau (44,7%và 44,8%). Số phụ nữ khuyết tậttrên 40 tuổi tham gia các khóa đào tạo từ 6-12 tháng và trên 12 tháng chỉ có 17% và 12,8%.

Như vậy, kết quả khảo sát ở Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Tây Ninh cho thấy  vấn đề đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật là vấn đề được cả ba địa phương quan tâm ở mức độ nhất định. Phụ nữ khuyết tật ở dạng khuyết tật nào cũng được hoặc đang được tham gia đào tạonghề, nhưng số phụ nữ khuyết tậtđược đào tạo nghề còn thấp hơn so với thực tế rất nhiều. Những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới đào tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tậtnhưng dường như đây vẫn còn là một lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, cũng có thể dễ dàng nhận thấy, cùng với các chính sách thể hiện sự quan tâm của nhà nước, sự giúp đỡ của xã hội, bản thân phụ nữ khuyết tậtđã rất cố gắng vượt qua các khó khăn để tham gia các khóa đào tạo nghề nghiệp, nhưng tỉ lệ ứng dụng kiến thức để mở nghề rất hạn chế.  Chính vì vậy, để công tác đào tạo nghề đạt được hiệu quả tốt nhất, chúng tôi có một số kiến nghị sau:

– Vấn đề dạy nghề: việc lựa chọn nghề để dạy nên gắn kết với đầu ra là tạo việc làm, các chỉ tiêu và các hướng dạy nghề nên phân biệt dạy nghề để có nghề ổn định kiếm sống với dạy để phổ cập nâng cao kiến thức. Chẳng hạn, dạy nghề may thêu thì hướng cho người học có một định hướng nghề là nghề kiếm sống được, nhưng dạy tin học mà thời gian có 3 tháng thì khó có thể xin được việc làm với trình độ kiến thức còn thấp – cái đó mới chỉ gọi là phổ cập kiến thức công nghệ thông tin đến với người khuyết tật, điều này còn lẫn lộn khi coi đó là dạy nghề.

– Thời gian dạy các nghề dành cho người khuyết tật nên nghiên cứu lại bởi người khuyết tật có nhiều khó khăn khi học nghề như: đa dạng khuyết tật, trình độ văn hóa thấp, thời gian thực tập đòi hỏi dài hơn học lý thuyết, do vậy không thể áp dụng đồng loạt các nghề như nhau 3 tháng hoặc 6 tháng, điều này đòi hỏi cần phải có nghiên cứu cụ thể.

– Đề nghị cho thành lập Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật của các địa phương nêu trên để có thêm điều kiện trợ giúp các cơ sở có chức năng tổ chức dạy nghề và tạo việc làm của người khuyết tật.

Nhu cầu đào tạo nghề của Phụ nữ khuyết tật

Người khuyết tậ nói chung và phụ nữ khuyết tậtnói riêng, họ là một nhóm yếu thế đặc thù trong xã hội được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm hỗ trợ. Tồn tại song hành cùng với những nhóm xã hội khác, phụ nữ khuyết tật luôn có những mong muốn, nhu cầu chính đáng để được tồn tại, hòa nhập xã hội lâu dài và bền vững. Một trong những nhu cầu phải kể đến của phụ nữ khuyết tật chính là nhu cầu đào tạo nghề.

Nhu cầu đào tạo nghề của phụ nữ khuyết tật là những mong muốn, nguyện vọng của họ xung quanh vấn đề này. Từ đó, khơi dậy trong họ những khát khao tìm kiếm nghề nghiệp để vươn lên chiến thắng số phận, hòa nhập cộng đồng trở thành những con người sống có ích cho gia đình, xã hội.

Việt Nam hiện có hệ thống trung tâm dạy nghề khá đầy đủ, gồm 164 trường đào tạo nghề, 137 trường cao đẳng và trung cấp kỹ thuật tham gia vào hoạt động đào tạo nghề, 148 trung tâm dạy nghề và 150 trung tâm dịch vụ dạy nghề và việc làm. Người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng được học nghề miễn phí tại các cơ sở đào tạo này theo đúng tinh thần pháp lệnh người khuyết tật. Chính vì vậy mà mong muốn chính đáng được đào tạo nghề của họ sẽ có nhiều khả năng được thực thi. Ngày nay, số người khuyết tật trong đó có phụ nữ khuyết tật mong muốn được đào tạo nghề ở các địa phương trên cả nước là tương đối cao. Kết quả khảo sát tại ba tỉnh là Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế và Tây Ninh cho thấy, trong tổng số 584 người được khảo sát, có 59,2% phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo nghề. Trong mỗi nhóm phụ nữ khuyết tậtđã, đang và chưa được đào tào nghề, có 75,7% phụ nữ khuyết tậtđã được đào tạo nghề vẫn mong muốn được đào tạo, 66,9 % phụ nữ khuyết tậtđang được đào tạo nghề và 45,8% phụ nữ khuyết tậtchưa được đào tạo nghề. Thái Nguyên và Thừa Thiên Huế là hai tỉnh có tỉ lệ phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo nghề rất cao, tổng số phụ nữ khuyết tậtmuốn được đào tạo nghề lần lượt là 73,1% và 61,3%.

Phụ nữ khuyết tậtở độ tuổi càng trẻ, tỉ lệ muốn được đào tạo nghề càng cao. Có 67,3% phụ nữ khuyết tậtdưới 25 tuổi muốn được đào tạo nghề và 61,6% phụ nữ khuyết tậttừ 25-49 tuổi mong muốn được đào tạo nghề. Số phụ nữ khuyết tật ở độ tuổi trên 40 muốn được đào tạo nghề là 47,2%.

Loại nghề mong muốn được đào tạo

Những nghề mà phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo không khác với những nghề mà phụ nữ khuyết tậthiện đã được đào tạo, tuy nhiên, tỉ lệ mong muốn thể hiện sự phù hợp hơn với nghề mà họ đã được đào tạo. Tập trung vào những nghề khá phù hợp với điều kiện sức khỏe của họ, ít phải di chuyển, như nghề thêu đan, dệt may chiếm đến 63,3% và nghề thủ công chiếm 18,7%. Những nghề khác như nấu ăn, tin học, dịch vụ được quan tâm hơn các nghề khác, với tỉ lệ mong muốn dao động từ 5,4% đến 6,3%. Đối với nghề thêu đan, dệt may, Thừa Thiên – Huế và Thái Nguyên là nơi phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo với tỉ lệ cao nhất (tỉ lệ phần trăm lần lượt là 77,1%và 63,2%. Đối với nghề thủ công, tỉ lệ phụ nữ khuyết tật đã được đào tạo chiếm tỉ lệ thấp, chỉ với 3,4%, thì ở hai tỉnh Tây Ninh và Thừa Thiên – Huế, phụ nữ khuyết tậtcó mong muốn được đào tạo nghề khá cao với 24,3% và 28,3%. Đối với nghề dịch vụ, phụ nữ khuyết tật ở Tây Ninh quan tâm hơn ở các tỉnh khác, với 13,5% phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo, còn với nghề tin học, tỉ lệ phụ nữ khuyết tậtmong muốn cao nhất là ở Thái Nguyên với 11,8%

Phụ nữ khuyết tậtở độ tuổi càng trẻ, càng quan tâm đến nghề thêu đan, dệt may hơn, vì với nghề này những người trẻ tuổi có lợi thế về sức khỏe và sự nhanh nhạy, tiếp thu tốt. Phụ nữ khuyết tật ở độ tuổi càng cao, càng quan tâm đến nghề thủ công hơn, do nghề này họ dễ làm hơn, ít phải di chuyển.

Hình thức mong muốn đào tạo

Phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo cùng với những phụ nữ khuyết tậtchiếm tỉ lệ cao nhất, với 43,3% và được học theo lớp chiếm 25,5%, học theo nhóm chiếm 5,6% và có tới 13,7% mong muốn được học riêng đối với cá nhân.Tỉ lệ phụ nữ khuyết tậtmong muốn được học tại nhà chiếm tỉ lệ không đáng kể.

Nơi và thời gian mong muốn được đào tạo

Nơi phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo chiếm tỉ lệ cao nhất là ở Trung tâm đào tạo nghề và tại trường dành cho người khuyết tật. Đây là các cơ sở chuyên nghiệp cho người khuyết tật nên tỉ lệ lựa chọn cao. Gia đình cũng là nơi được phụ nữ khuyết tậtmong muốn được tham gia đào tạo với tỉ lệ khá cao. Cơ sở sản xuất, kinh doanh; câu lạc bộ/Hội người khuyết tậtcũng được phụ nữ khuyết tật mong muốn lựa chọn trở thành nơi đào tạo, đây là các điểm vừa đào tạo,vừa thực hành và có thể là nơi để họ được làm nghề. Số người muốn được đào tạo tại xã chiếm tỉ lệ không đáng kể vì có thể tại xã có ít người khuyết tật để có thể mở lớp.

Ba tháng và sáu tháng là khoảng thời gian đào tạo mà phụ nữ khuyết tậtmong muốn được đào tạo nhất (với tỷ lệ phần trăm lựa chọn cao nhất và lần lượt là 27,4% và 24,7%).

Trên đây là những mong muốn về đào tạo nghề của phụ nữ khuyết tật ở ba tỉnh được lựa chọn khảo sát Thái Nguyên, Tây Ninh, Thừa Thiên – Huế. Những mong muốn của họ phần nào nói lên tiếng nói chung của phụ nữ khuyết tật về đào tạo nghề. Hiện nay, với những chính sách của nhà nước, cùng với sự quan tâm của cả xã hội, mong muốn về đào tạo nghề của người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng đã ít nhiều được đáp ứng. Theo pháp lệnh người khuyết tật thì các Trung tâm dịch vụ việc làm của nhà nước phải miễn phí cho các dịch vụ đào tạo nghề, tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm cho nhóm yếu thế này. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ này do rào cản về sức khỏe, tâm lý, do thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ, kỹ năng tại các trung tâm để có thể cung cấp các dịch vụ cho phụ nữ khuyết tật. Do vậy, để nhu cầu chính đáng này của phụ nữ khuyết tật được thực thi không chỉ cần sự chung tay giúp sức của toàn xã hội mà quan trọng hơn cả là sự chủ động, nỗ lực vươn lên của những người phụ nữ khuyết tật. Chỉ có như vậy phụ nữ khuyết tật mới có thế hiện thực hóa những nhu cầu đó thành những động cơ thúc đẩy họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng.