Ở một số nước như Hà Lan, Thái Lan, Nhật Bản…những quan niệm về mại dâm khá thoáng, thậm chí được hợp pháp hóa là một nghề có đóng thế. Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này còn chưa có được sự thống nhất ý kiến về việc nên ngăn cấm hay thừa nhận để quản lý, nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề này. Điều này còn liên quan tới nhiều vấn đề về quyền phụ nữ, về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như HIV…), vấn đề những người hành nghề mại dâm là nam…Mặc dù hoạt động mại dâm không chỉ có các phụ nữ tham gia, nhưng đây là khu vực vẫn bao gồm phụ nữ là chính. Vậy nên nhìn mại dâm thế nào cho hợp lý? Dưới đây là một số quan niệm và hoạt động quản lý vấn đề xã hội nhạy cảm này ở một số nước.
Ở Thái Lan, những khu “phố đèn đỏ” Patpong ở Bangkok, Thái Lan nổi tiếng về “công nghệ tình dục” với hàng trăm nhà thổ, sexy show. “Phố đèn đỏ” – redlight district – là tên nhiều du khách nước ngoài gọi khu Patpong khi đến Thái Lan. Còn đối với nhiều người khác và khách du lịch Thái Lan cũng như nước ngoài, đây lại là điểm đến đầy sức hút của “công nghệ tình dục” tại Thái Lan.
Còn đến với Hà Lan, tại khu phố đèn đỏ – Redlight thuộc thành phố Amsterdam, khách đến thăm nhà thổ sẽ được vào xem hàng. Những cô gái ngồi trong tủ kính tươi cười và chờ đợi đến lượt mình. Nếu như khách không chọn được “hàng” ưng ý thì họ vẫn vui vẻ chào ông chủ và đi sang nhà thổ khác.Khu phố được chia thành nhiều lãnh thổ khác nhau dành cho gái mại dâm đến từ những đất nước khác nhau.như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn độ hay cả Việt Nam. Chính phủ Hà Lan đảm bảo cho tất cả các gái mại dâm đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế và làm việc trong điều kiện tốt. Để ngành công nghiệp tình dục lâu đời này hoạt động quy củ, họ áp dụng phương pháp quản lý chặt chẽ gái bán dâm. Đây được xem là nơi an toàn nhất bởi khu vực này luôn có hàng tá cảnh sát giám sát. Các cô gái cũng thuê bảo vệ riêng cho mình để đề phòng sự cố. Không những được hoạt động hợp pháp, gái bán hoa ở đây còn được Trung tâm thông tin mại dâm giúp đỡ. Theo như nước này, việc công khai hóa hình thức bán dâm không chỉ để giải quyết nhu cầu cho các quý ông và du khách đến tham quan. Quan trọng hơn nữa là hoạt động kinh doanh hợp pháp này nhằm đẩy xa các tệ nạn xã hội như hiếp dâm, cưỡng bức phụ nữ và trẻ em…
Còn ở Việt Nam, thời gian gần đây vấn đề này cũng đang trở thành một tâm điểm tranh luận của cả chính phủ và người dân. Sau tranh luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội về cách nhìn mới với mại dâm trong buổi thảo luận ở tổ về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính chiều 10-11, dưới đây là một số ý kiến từ những đại biểu:
* Đại biểu Quốc hội Trịnh Thế Khiết (Hà Nội):
Cho phép để quản lý
Tôi cho rằng mại dâm là thực tế của xã hội hiện đại, đã đến lúc cần cách nhìn mới, cách làm mới. Chúng ta đã quan niệm mại dâm là một tệ nạn và với cách quan niệm và tư duy đó, nhiều đời nay mại dâm vẫn tồn tại và ngăn cấm không hết được, thậm chí càng ngăn cấm nó càng len lỏi, phát triển. Tôi cho rằng nên chấp nhận mại dâm để quản lý tốt, không nên định kiến. Bởi càng định kiến, người ta càng che giấu, trong khi nhu cầu vẫn có nên cung vẫn đáp ứng. Thực tế cấm nhưng không quản nổi càng gây ra những hệ quả không lường trước cho xã hội.
Trong xã hội hiện đại, hoạt động của một nghề, của một đối tượng xã hội đều cần được quản lý để định hướng. Khi thảo luận ở tổ, tôi đưa quan điểm và hoàn cảnh một số đối tượng buộc phải đi làm mại dâm, và người ta cũng sẽ nhanh chóng bỏ sau khi đạt được mục đích, bớt được khó khăn nào đó. Nhiều đại biểu ở đoàn Hà Nội đã đồng tình với quan điểm này.
Chúng ta đặt vấn đề cấm mại dâm để xóa bỏ. Thực tế vẫn không quản nổi và mại dâm vẫn phát triển nên tôi cho rằng cần chấp nhận. Nhưng đó chỉ là một bước. Bước tiếp theo nên tập trung mại dâm vào khu vực như các nước vẫn làm và có cơ quan chuyên trách quản lý. Như thế có thể quản được, cơ quan quản lý có hồ sơ, có thể yêu cầu gái mại dâm kiểm tra bệnh bất cứ lúc nào…
Tôi cũng cho rằng Luật xử phạt vi phạm hành chính chính thức đưa quan điểm của Chính phủ coi việc buộc gái mại dâm vào cơ sở chữa bệnh là vấn đề của lịch sử và từ bỏ nó là cách nhìn và cách làm dũng cảm. Ta không khuyến khích phát triển mại dâm nhưng muốn quản lý, từ đó có biện pháp hạn chế phải nắm được và kiểm soát tốt mại dâm. Một số nước hiện đã quản lý mại dâm bằng cách chấp nhận nó và họ đã quản lý được. Sự lựa chọn ở đây, theo tôi, chỉ là hai vế cần lựa chọn: cấm rồi không quản nổi và cho phép nhưng quản lý tốt hơn.
* Bà Mai Hoa, phó Ban tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ VN:
Không coi mại dâm là một nghề
Quan điểm nhất quán của Hội Phụ nữ là không coi mại dâm là một nghề. Vì vậy, chúng tôi không có ý kiến gì với những quan điểm mới đây về việc nên có cách nhìn mới về người bán dâm. Các công việc của chúng tôi gần đây và trong giai đoạn đến năm 2015 đều tập trung vào phòng chống, vận động chị em phụ nữ không tham gia bán dâm, hoặc hỗ trợ chị em học nghề, giải quyết việc làm, cho chị em vay vốn… Vì cái gốc, cái vướng mắc khiến nhiều chị em đi vào con đường bán dâm là thiếu việc làm.
Tuy nhiên với nguồn lực của hội, chúng tôi không thể mở rộng những hoạt động này một cách rộng khắp, mà chỉ là cơ quan hỗ trợ, phối hợp cho cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ LĐ-TB&XH.
* Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Minh:
Sẽ xem xét, chỉnh sửa nếu hợp lý
Không phải bây giờ trong Quốc hội, mà trước đây cũng đã có những ý kiến kiểu như vậy. Đó chỉ là số ít và tôi không hiểu phát biểu như vậy thì nhận thức của họ về vấn đề này như thế nào. Nếu muốn sửa, muốn thay đổi điều này thì phải sửa cả hiến pháp, pháp luật, mà hiến pháp, pháp luật của ta hiện hành đều bảo vệ gia đình, bảo vệ trẻ em, bảo vệ nhân phẩm, danh dự người phụ nữ, hạnh phúc gia đình họ… Tất nhiên những ý kiến đưa ra mình phải xem xét, nghiên cứu và nếu có chỉnh sửa gì cũng phải nghiên cứu, xem xét và có lộ trình. Còn việc bỏ quy định buộc người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, theo tôi, cũng cần phải xem xét, bởi thực tế cũng có những người bị lôi kéo, mua chuộc, bị bán vào các động mại dâm.
Tháng 12-2011, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (phối hợp với Vụ Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bộ Tư pháp) sẽ tổ chức hội thảo về việc thực hiện pháp lệnh phòng chống mại dâm để đánh giá, xem xét điều chỉnh lại những điều khoản trong pháp lệnh không còn phù hợp với thực tế. Chẳng hạn vấn đề xử lý người mua dâm, rồi người bán dâm là trẻ vị thành niên…
Chúng tôi không bảo thủ, nhưng nếu các ý kiến hợp lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt, phù hợp điều kiện Việt Nam, quốc tế thì phải xem xét, cân nhắc điều chỉnh.
Theo Nguồn: http://cws.vnu.edu.vn