Nhóm công tác hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế (GED working group) là một nhóm gồm các cơ quan, tổ chức tự nguyện tham gia vào các hoạt động về giới, phấn đấu vì mục tiêu giúp phụ nữ có cơ hội và môi trường thuận lợi, bình đẳng trong tham gia phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu: Hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế giảm nghèo; nâng cao năng lực cho các thành viên, cung cấp khuyến nghị, vận động các chính sách về giới trong kinh doanh nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả.

Với cơ chế hoạt động gồm Ban Điều hành với 8 thành viên (01 chủ tịch và 07 thành viên khác) và Ban Thư ký, nhóm công tác sẽ nâng cao khả năng vận động chính sách hướng tới bình đẳng giới trong phát triển kinh tế. Vận động chính sách thông qua việc cung cấp các thông tin, kiến thức về giới và các vấn đề liên quan đến phụ nữ trong các hoạt động kinh tế; Phối hợp nghiên cứu và giám sát độc lập việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan tới bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ làm kinh tế; Chia sẻ thông tin, các bài học kinh nghiệm, mô hình thành công và các công cụ, hoạt động nâng cao năng lực cho các thành viên của nhóm; Phối hợp thực hiện, triển khai các dự án tại cộng đồng liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ làm kinh tế.

 

Phát biểu tại lễ ra mắt, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Phó Chủ tịch thường trực VWEC cho biết, phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành doanh nghiệp, do đó cần sự hỗ trợ, tạo sân chơi bình đẳng cho phụ nữ với nam giới trong hoạt động kinh doanh của mình.

“Hỗ trợ phụ nữ là đảm bảo cho phụ nữ phát triển, phụ nữ có quyền và được đối xử bình đẳng. Chúng ta có thể làm việc này tại quốc gia của mình” – Bà Pepa Rubio – Chuyên gia về giới của tổ chức ILO khẳng định.

Chị Mạc Như Quỳnh –Phó Trưởng phòng VWEC cho biết, theo Báo cáo Doanh nghiệp Việt Nam năm 2010 thì tại Việt Nam, ở khu vực doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì tỷ lệ doanh nghiệp do nữ lãnh đạo càng lớn. Trong khi khu vực doanh nghiệp cực nhỏ số doanh nghiệp phụ nữ có thể chiếm tới 26% thì tỷ lệ này ở khu vực vừa và lớn là khoảng 17%. Điều này chứng tỏ, phụ nữ không dễ dàng khi dẫn dắt doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Báo cáo của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tháng 3/2011 cũng cho biết, nếu phụ nữ nông dân có quyền pháp lý mạnh hơn và nhiều cơ hội kinh doanh hơn, họ có thể giúp tỷ lệ người nghèo đói trên thế giới giảm 17% (tương đương giảm bớt 150 triệu  người trong số gần 925 triệu người nghèo đói hiện nay).

Như vậy có thể thấy tiềm lực của phụ nữ đóng góp vào nền kinh tế là rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phụ nữ phát huy được tối đa khả năng đó? Sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời của các tổ chức kinh tế, xã hội là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của người phụ nữ trên con đường lập nghiệp.

Theo chị Quỳnh, chính từ thực tế này, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha (PYD) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm công tác Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế. Đây sẽ là một diễn đàn để các tổ chức có thể chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu, công cụ hỗ trợ, cùng hành động chung vì mục tiêu chung là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển kinh doanh một cách hiệu quả nhất, mà vẫn nguyên tôn chỉ, mục tiêu của từng tổ chức.

                            Theo Nguồn: http://hoilhpn.org.vn