Tham dự buổi lễ có toàn thể Ban Giám đốc, các cán bộ, công nhân viên thuộc các khoa, phòng và tập thể học sinh hai lớp A4, A5 đang học tập tại Trường. Nhà hát Tuồng Việt Nam đã được mời đến giới thiệu và biểu diễn những tiết mục đặc sắc giúp người xem hiểu thêm về nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc này.


Tuồng (hát bội hay hát bộ) – Một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam. Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm. Có truyền thuyết ghi rằng vào thời Tiền Lê năm 1005, một kép hát người Tàu tên là Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung. Tuy nhiên, người đầu tiên chính thức đặt nền móng cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572 – 1634). Sang thế kỷ XX, với sự ra đời của cải lương và kịch nói thu hút nhiều khán giả, nghệ thuật Tuồng suy yếu nhiều tuy có cố gắng phục hưng với loại tuồng xuân nữ, tức là tuồng diễn theo đề tài xã hội tân thời và hát theo điệu "xuân nữ". Loại Tuồng này pha phong cách cải lương, đánh võ Tàu…

Được mệnh danh là sân khấu của những người anh hùng, Tuồng mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc. Nghệ thuật Tuồng Việt Nam đã và đang được giới thiệu tại các nước Đông Âu và nhận được những tình cảm sâu sắc từ người xem.

Dù giới hâm mộ Tuồng ngày càng ít đi nhưng các nghệ sỹ thuộc Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn dành cho loại hình nghệ thuật này một tình yêu đặc biệt. Lòng yêu nghề đã giúp họ sống với nghề và cống hiến cho khán giả những tiết mục đặc sắc mang hồn truyền thống dân tộc. Cán bộ, công nhân viên và các học viên của Trường đã được giới thiệu về những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này qua trích đoạn Trưng nữ Vương đề cờ. Tiết mục được dàn dựng công phu với sự diễn xuất của những nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã giúp người xem sống không khí hào hùng, bi tráng đầy tự hào của dân tộc khi Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa trả thù cho chồng, trả nợ đất nước.

Bộ phận Trung tâm Thông tin Thư viện của Trường đã quay lại toàn bộ trích đoạn ý nghĩa này để làm tư liệu phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy.

Ngoài ra, các nghệ sỹ còn biểu diễn những tiết mục ca nhạc ấn tượng tôn vinh vẻ đẹp của người Phụ nữ Việt Nam anh hùng, thức dậy trong lòng mỗi người cảm xúc đặc biệt dành cho những người mẹ, người chị, người vợ của mình – những người phụ nữ một đời tảo tần vì tương lai của những người thân yêu.

Một tiết mục đem lại cho người xem những tiếng cười sảng khoái mà vẫn mang đậm tính nhân văn sâu sắc đó là trích đoạn: Ông già cõng vợ đi xem hội do nghệ sỹ Kiều Oanh thể hiện.

Buổi lễ đã khép lại trong tràng vỗ tay không ngừng của cán bộ, nhân viên và học viên của Trường dành cho tập thể diễn viên, nghệ sỹ, nhạc công Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đại diện nhà trường, Phó Giám đốc Trần Quang Tiến đã lên tặng hoa và nói lời cảm ơn các nghệ sỹ đã cống hiến cho Trường một buổi diễn rất đặc biệt và đầy ý nghĩa. TS. Trần Quang Tiến cũng hi vọng rằng lớp lớp nghệ sĩ của nhà hát đã, đang và sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tình yêu dành cho Tuồng – loại hình nghệ thuật trường tồn cùng tinh thần dân tộc.