Hội thảo nhằm tìm ra cơ chế hợp tác giữa IFAD và Hội LHPN Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển các mô hình tín dụng và tiết kiệm tại các tỉnh/ thành; đánh giá lại hoạt động tiết kiệm tín dụng tại 11 tỉnh thực hiện dự án, nghiên cứu, trao đổi đề xuất các hỗ trợ phát triển dự án, nâng cao năng lực đảm bảo tính bền vững của các mô hình đang thực hiện trong khuôn khổ Dự án. Hội thảo do Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy, Giám đốc Quốc gia IFAD tại Việt Nam Henning Pedersen chủ trì và điều hành. Đông đảo các đại biểu là đại diện các cơ quan, tổ chức tài chính, đại diện lãnh đạo Hội LHPN và tổ chức tài chính của 11 tỉnh thành thực hiện dự án cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã đến tham dự và đưa tin về Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: Phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Hội LHPN Việt Nam có từ rất sớm và cho đến nay, phong trào đã phát triển trên nhiều mảng công việc, lĩnh vực khác nhau. Một trong những hoạt động rất lớn của phong trào chính là tín dụng vi mô. Hội LHPN Việt Nam cũng tự hào rằng đã trở thành tổ chức tiên phong, đi đầu cho việc hình thành, phát triển hệ thống tài chính vi mô ở Việt Nam và là tổ chức có nhiều hoạt động về tài chính vi mô, điển hình như Quỹ tình thương của Hội – mô hình tài chính vi mô mang tính chất chuyên nghiệp đầu tiên được cấp phép của Việt Nam. Phó Chủ tịch cũng ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động mà IFAD đã thực hiện: Từ nhiều năm nay, chúng tôi biết rằng IFAD đã giúp nhiều tỉnh/thành Hội LHPN Việt Nam thực hiện tài chính vi mô, tổ chức nhiều dự án để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ những dự án, nhiều tỉnh/thành Hội, các chị em đã nâng cao năng lực, kinh nghiệm của mình trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Với những lợi ích to lớn mà các dự án IFAD đem lại cho người nghèo Việt Nam, đặc biệt cho phụ nữ nghèo, Phó Chủ tịch Hội mong muốn rằng các tỉnh/thành được sự hỗ trợ của IFAD sẽ trở thành một phần quan trọng trong Chiến lược phát triển tài chính vi mô của Hội LHPN Việt Nam trong thời gian sắp tới. Thay mặt Hội LHPN Việt Nam, bà gửi lời cảm ơn tổ chức, dự án IFAD, cảm ơn các chuyên gia đến từ Văn phòng Dự án và các cán bộ đã tham gia dự án.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nghe và đánh giá lại hoạt động tiết kiệm tín dụng của 11 tỉnh thực hiện dự án là Hà Giang, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Cao Bằng, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Nông, Tuyên Quang, Ninh Thuận và Gia Lai; cùng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong huy động tiết kiệm. Các vấn đề về việc chọn thành viên tham gia tổ, nhóm TK&VV, quy chế hoạt động của tổ nhóm, mức lãi suất, mức cho vay, mức tiết kiệm, làm thế nào để tăng vốn cho nhóm… cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi nhằm đưa ra phương thức hoạt động, cơ chế đảm bảo tính bền vững của các mô hình đang thực hiện trong khuôn khổ Dự án. Đồng thời, vai trò hỗ trợ, cơ chế hợp tác giữa IFAD và Hội LHPN Việt Nam để phát triển thể chế cho Hội phụ nữ cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội thảo nhằm vận hành dịch vụ tài chính thông qua Hội phụ nữ của các dự án IFAD một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nghèo nói chung và phụ nữ nghèo nói riêng.
Được biết, trong nhiệm kỳ 2012-2017, Hội LHPN Việt Nam coi phát triển tài chính vi mô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển tài chính vi mô và săp tới sẽ triển khai Hội thảo xin ý kiến tư vấn, tham vấn xây dựng Chiến lược.
Theo: http://hoilhpn.org.vn