Chiếc xe lăn bánh từ trụ sở Học viện vào lúc 5h30p. Tiếng cười nói đầy phấn khởi của anh chị em cán bộ, nhân viên đã đánh thức cả phố phường Hà Nội. Trải qua 3 tiếng vượt đường đèo dốc cả đoàn đã đặt chân đến xứ Lạng. Âm vang trong tâm tưởng mỗi người là câu ca dao quen thuộc:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên Xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Mọi thành viên của đoàn như quên hết mệt mỏi sau quãng đường 150km từ Hà Nội lên Lạng Sơn, ai cũng muốn nhanh chóng được khám phá những địa danh đã trở thành niềm tự hào của nước nhà.
Đến Đồng Đăng, đi qua phố Kỳ Lừa, vượt cầu Kỳ Cùng, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Chùa Tam Thanh nằm ngay trong địa phận thành phố Lạng Sơn. Chùa được xây dựng từ thời Lê và đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962.
Ngôi chùa này được lập vào khoảng thế kỷ 16, 17 để thờ Phật. Tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý. Đặc sắc nhất là bức tượng phù điêu A Di Đà được tạc vào vách núi có niên đại từ thế kỷ 17, đây là một kiệt tác nghệ thuật chứa đựng những giá trị lịch sử và thẩm mỹ sâu sắc.
Ngoài giá trị danh thắng, động chùa Tam Thanh còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hóa. Trong động còn lưu lại hệ thống văn bia khá phong phú của các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, tấm bia số 4 là tấm bia có niên đại cổ nhất (bia Ma Nhai), được tạc vào thời Lê Vĩnh Trị năm thứ 2 (1677), ghi lại chi tiết việc xây dựng tôn tạo chùa.
Sau khi dâng hương, cả đoàn cùng tham quan động Tam Thanh. Ðộng Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, động vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu. Lòng động dài hơn 50m, vòm động cao và rộng với muôn trùng nhũ đá thiên tạo những hình thù sinh động, đẹp mắt. Nối liền vòm động với đáy động là những cột đá đồ sộ ở giữa động có hồ Âm Ty nước trong vắt. Ở gần cửa sau của động có cửa Thông Thiên, thông lên đỉnh núi, đón ánh sáng từ trên cao rọi xuống khắp lòng động.
Trên cửa trời có Lầu Vọng thị, hướng về phía Đông Bắc mọi thành viên chợt bất ngờ, xúc động khi nhìn thấy hình ảnh nàng Tô Thị bồng con chờ chồng ngay dãy núi bên cạnh.
Tạm biệt Chùa Tam Thanh cả đoàn đến với Hòn Vọng Phu và tham quan thành Nhà Mạc. Trên đường đi cả đoàn cùng nhau ôn lại sự tích nàng Vọng Phu. Chứng kiến hình ảnh hóa đá của mẹ con nàng Tô thị mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy rưng rưng xúc động trước sự kiên định trước sau như một, lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam ngay từ thuở xa xưa.
Song song với hòn Vọng phu là thành Nhà Mạc – di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam. Theo những tư liệu còn lại thì thành là một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam đo Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI làm căn cứ chống lại Lê – Trịnh. Dấu tích còn lại của thành gồm 2 đoạn tường xây bằng đá giữa hẻm núi. Hiện nay di tích thành Nhà Mạc ở Lạng Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo đưa vào phục vụ du khách du lịch tham quan.
Tạm biệt xứ Lạng, vùng đất đã đi vào lịch sử, thơ ca và luôn đem lại cho khách tham quan một ấn tượng sâu sắc về sự kỳ vĩ của thiên nhiên, sự hùng tráng của những di tích lịch sử và sự ấm áp, thủy chung của lòng người, đoàn tham quan lại xuôi về Hà Nội trong ráng chiều sơn cước. Những nụ cười còn thắm trên môi các thành viên đến tận cuối hành trình hứa hẹn những chuyến đi về nguồn tiếp theo đầy ý nghĩa.