Qua 12 Hội thảo các cấp, trưng cầu ý kiến của 579 đối tượng tại 7 tỉnh/thành (Hà Nội, Thái Bình, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đồng Tháp, Kon Tum) là những chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ đương chức,nghỉ hưu làm việc trong các cơ quan/tổ chức các cấp có liên quan đến công tác gia đình, phụ nữ, trẻ em… và nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội… đề tài đã có được những kết quả khoa học và tin cậy.
Theo đó, gia đình, phụ nữ và trẻ em là những vấn đề có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định, phát triển bền vững của xã hội. Những năm qua, bằng nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, công tác gia đình, phụ nữ, trẻ em đã đạt những thành quả nhất định. Tuy nhiên, trước yêu cầu và thách thức mới, công tác gia đình, phụ nữ, trẻ em còn nhiều hạn chế, tồn tại cần quan tâm xem xét cả về tổ chức bộ máy cũng như nội dung hoạt động.
Việt Nam hiện chưa có cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về phụ nữ mà chỉ có cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ là Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ thực hiện theo cơ chế liên ngành. Văn phòng Ủy ban đặt trong Vụ Bình đẳng giới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ở cấp tỉnh, đặc biệt là ở cấp huyện và xã cho đến nay hầu như vẫn chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ. Một số nhiệm vụ QLNN liên quan đến phụ nữ do Hội LHPN Việt Nam (là tổ chức chính trị – xã hội) tham gia thực hiện nên phần nào giảm hiệu lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động và điều phối công tác giữa các Bộ ngành, các cấp. Do đó, đã có không ít những vấn đề của phụ nữ chưa được quan tâm xem xét một cách thấu đáo. Cách biệt giới khá lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình đang tồn tại và đa phần nghiêng về phía phụ nữ. Cần áp dụng mọi biện pháp một cách đồng bộ, hệ thống trên cơ sở của nguyên tắc QLNN mới có thể giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với công tác phụ nữ một cách hiệu quả và triệt để. Đổi mới cơ chế tổ chức, phương pháp tiếp cận và đầu tư nguồn lực là yếu tố có tính quyết định. Tình hình trên dẫn đến yêu cầu khách quan là muốn giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với công tác phụ nữ cần phải đổi mới mạnh mẽ cả về bộ máy tổ chức lẫn nội dung và phương thức hoạt động. Để làm được như vậy, bên cạnh tổ chức Hội LHPN Việt Nam, cần có cơ quan QLNN về phụ nữ.
Đối với công tác gia đình và trẻ em, mặc dù hiện đã có cơ quan QLNN thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhưng quá trình hoạt động đã bộclộ một số bất cập. Trong thông báo số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí Thư về sơ kết chỉ thị số 49-CT/TW (khoá IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã khẳng định: việc quán triệt thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các chính sách đối với gia đình và công tác gia đình chưa được rộng khắp và thường xuyên, đặc biệt là ở cấp huyện và xã; tổ chức bộ máy làm công tác gia đình còn nhiều bất cập, cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu, trình độ hạn chế… Chỉ thị số 20/CT-TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”cũng chỉ rõ: công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế, yếu kém; hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện…
Nghiên cứu, tham khảo một số mô hình tại nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, vấn đề QLNN về gia đình, phụ nữ, trẻ em được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư và mô hình phổ biến nhất hiện nay là hình thành Bộ máy QLNN cấp Bộ hoặc Cục/Vụ chuyên trách trực thuộc 1 Bộ của Chính phủ; ngoài ra, còn có mô hình bộ phận chuyên trách trong Văn phòng Chính phủ/Thủ tướng/Tổng thống; mô hình Ủy ban quốc gia hoặc Hội đồng quốc gia.
Đoàn cán bộ Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phụ nữ, gia đình và trẻ em tại Trung Âu
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong tình hình hiện nay, có thể tính đến mô hình bộ máy QLNN về gia đình, phụ nữ và trẻ em theo hai phương án sau:
Phương án 1: Mô hình Bộ hoặc cơ quan ngang bộ về công tác gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới trực thuộc Chính phủ với tên gọi “Bộ Gia đình” (nếu là mô hình Bộ) hoặc “Ủy ban gia đình” (nếu là mô hình cơ quan ngang bộ). Phương án đề xuất này được xem xét trên những luận cứ quan trọng:
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ, thống nhất quan điểm của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật, đảm bảo thể chế hoá công tác gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thứ hai, gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đều là các lĩnh vực đa ngành, có mối quan hệ hữu cơ và biện chứng với nhau, giao thoa nhau nhưng không phải là một. Do đó, lấy gia đình là trung tâm, đưa cả 4 lĩnh vực vào một Bộ giúp tập trung nguồn lực, tiết kiệm trong quản lý, điều hành, chỉ đạo, hợp tác quốc tế, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ tài nguyên như thông tin, tư liệu…, từ đó sẽ phát huy tốt các giá trị tự nhiên vốn có của mối quan hệ đặc thù này.
Thứ ba, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về tổ chức bộ máy nhà nước là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ máy mới khá gọn nhẹ, ít gây xáo trộn về mặt tổ chức và không phát sinh nhiều biên chế.
Thứ tư, khảo sát thực tiễn cho thấy, 88,3% khách thể tham gia khảo sát khẳng định, để nâng cao hiệu quả QLNN về gia đình, phụ nữ, trẻ em cần có một cơ quan cấp bộ để QLNN thống nhất 3 lĩnh vực.
Thứ năm, đây cũng là mô hình tương đối phổ biến, hiệu quả trên thế giới. Nghiên cứu 77 quốc gia cho thấy, có tới 56 quốc gia có mô hình bộ chuyên trách về phụ nữ hoặc gắn các vấn đề phụ nữ, trẻ em với các nội dung khác (trong đó, 13 quốc gia có Bộ chuyên trách về Phụ nữ; 7 quốc gia có Bộ QLNN về phụ nữ gắn với các vấn đề gia đình, trẻ em; 14 quốc gia có Bộ QLNN về vấn đề phụ nữ gắn với các vấn đề khác; 10 quốc gia có Bộ về Bình đẳng giữa nam và nữ hoặc Bộ bình đẳng giới; 7 quốc gia có Bộ Chính phủ về Giới – lồng ghép với một hoặc nhiều nội dung khác liên quan như phát triển, gia đình, cộng đồng…).
Mặc dù, nhìn về hình thức, phương án này sẽ làm tăng thêm cơ quan đầu mối QLNN trực thuộc Chính phủ,nhưng đây sẽ là phương án tối ưu nhất để có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề đang đặt ra hiện nay về gia đình, phụ nữ, trẻ em.
Phương án 2: Mô hình Tổng cục QLNN về gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với tên gọi “Tổng cục Gia đình”.
Phương án 2 có ưu điểm tương tự như phương án 1. Tuy nhiên, với vị thế là một đơn vị trực thuộc Bộ Lao động thương binh và Xã hội – một Bộ vốn có rất nhiều vấn đề cần ưu tiên khác, Tổng cục khó có đủ khả năng, điều kiện để giải quyết được những vấn đề đang đặt ra hiện nay về gia đình, phụ nữ, trẻ em.
Những kết quả nghiên cứu ban đầu trên cho thấy, mỗi phương án có những ưu, nhược điểm cũng như hướng sắp xếp bộ máy tổ chức khác nhau. Dù là phương án nào thì có một điểm chung quan trọng, đó là, cần thiết phải nghiên cứu việc thành lập, hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em để giải quyết ngày càng hiệu qủa hơn công tác gia đình, phụ nữ và trẻ em trong tình hình mới!