Đây là một trong những hoạt động không chỉ nhằm giúp cho các đoàn viên thanh niên của chi đoàn tích luỹ thêm vốn kiến thức lịch sử mà còn góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng nên được tập thể đoàn viên nhiệt tình tham gia.

Ngay từ sáng sớm các đoàn viên đã tập trung đông đủ để tham gia chuyến đi đến những địa danh đã đi vào lịch sử. Điểm dừng chân đầu tiên là di tích Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới được Ủy ban di sản thế giới UNESCO công nhận vào năm 2010.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có diện tích 18,395ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67, cột cờ Hà Nội, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn. Cụm di tích này được bao bọc bởi 4 con đường: phía bắc là đường Phan Đình Phùng, phía nam là đường Điện Biên Phủ, phía đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía tây là đường Hoàng Diệu.

Đoàn tham quan đã được hướng dẫn viên giới thiệu về Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19. Đứng tại Đoan Môn – cửa vòm cuốn dẫn vào điện Kính Thiên được xây dựng từ khoảng 1812 – 1814 nhìn ra xa là Cột cờ Hà Nội. Cột cờ Hà Nội là di tích được xây dựng năm 1812 dưới triều Gia Long. Cột cờ cao 60 m, gồm có chân đế, thân cột và vọng canh. Đoàn tiếp tục đến thăm Điện Kính Thiên. Đây chính là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội.

Cũng tại Hoàng thành Thăng Long, điểm dừng chân để lại nhiều ấn tượng chính là Nhà D67. Các thành viên trong đoàn đã cùng hướng dẫn viên sống trong những tháng ngày tranh đấu cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Nhà D67 chính là Tổng hành dinh của Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, nơi đã đưa ra những quyết sách lịch sử đó là: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968; Cuộc Tổng tiến công năm 1972 đánh thắng hai cuộc chiến của Mỹ mà đỉnh cao là 12 ngày đêm cuối năm 1972; Tổng tiến công năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.

 Điểm đến tiếp theo trong hành trình về nguồn là nhà tù Hỏa Lò tại số 1 phố Hỏa Lò – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Đoàn tham quan được hướng dẫn viên giới thiệu về nguồn gốc lịch sử của địa danh này. Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây năm 1896 ở khu vực lúc đó là ngoại vi thành phố làm ngục thất trung ương của cả hai xứ Trung và Bắc Kỳ. Nơi đây giam giữ nhiều loại tù nhân, trong đó có những tù phạm chính trị, những người ái quốc chống lại chính quyền thực dân Pháp. Tên tiếng Pháp của nhà tù này lúc bấy giờ là Maison Centrale và tiếng Việt là Ngục thất Hà Nội. Ngày nay, di tích nhà tù Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ bằng 1/5 diện tích cũ.

Các thành viên của đoàn đã được đến tham quan các khu A, B nơi dành cho phạm nhân đang được cứu xét, phạm nhân quan trọng hoặc những tù nhân vi phạm kỷ luật nhà tù; Khu C giam giữ phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc; Khu D là nơi giam cấm phạm nhân bị án tử hình chờ ngày duyệt y hoặc giảm án. Nơi đây, nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị giam cầm trong đó có các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc đến các chiến sỹ cộng sản như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười…

Bao trùm toàn bộ nhà tù là không khi u ám, đen tối. Thực dân Pháp đã vận dụng tất cả sự hiểm ác để tra tấn, đày đọa người Việt Nam yêu nước thời bấy giờ hòng tiêu diệt ý chí đấu tranh giành quyền tự do độc lập của những chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất.

Những hình ảnh phòng giam nam, nữ, máy chém, cống thoát nước nơi tù chính trị vượt ngục, những chiếc máng, xô đựng thức ăn, những bộ quần áo tù mặc quanh năm, những vật dụng than, cành cây để học chữ, viết tài liệu, hốc cây truyền tài liệu, khẩu hiệu bướm rải trong lần các tù nhân bị giải đi… để lại ấn tượng sâu sắc về một thời kỳ đấu tranh kiên cường của những người con đất Việt nhỏ bé mà mang trái tim vĩ đại.

Sách và các vật dụng than củi, cành cây để các tù nhân học tập trong trại giam Hỏa Lò

Cả đoàn cũng được tham quan khu phòng giam dành cho phi công Mỹ tại Hỏa Lò. Khác hẳn với khu biệt giam tù chính trị của thực dân Pháp, tù binh Phi công Mỹ tại Hỏa Lò được ăn uống theo chế độ đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Họ được tạo điều kiện chơi thể thao, thưởng thức văn nghệ, xem phim, tham quan danh lam thắng cảnh của Thủ đô… Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ bức thư của nữ tù binh duy nhất cảm ơn nhà nước Việt Nam đã cho bà nuôi một con mèo làm bầu bạn lúc ở tù…

Chuyến tham quan đã để lại những cảm xúc thật đặc biệt. Mỗi thành viên đã thu nhận được thêm nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của mình. Cả chi đoàn đều cảm thấy khâm phục quá trình xây dựng các triều đại của cha ông từ thuở xa xưa, thấy yêu hơn đất nước Việt Nam hôm nay với bầu không khí tự do độc lập và biết ơn các thế hệ cha anh đã quên mình về tổ quốc. Mỗi đoàn viên đã ý thức hơn về nhiệm vụ của chính mình trong công việc, cuộc sống vì một đất nước Việt Nam đầy tự hào và không ngừng vươn mình ra thế giới.