Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là di tích Đền Và ở thôn Vân Gia,xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đền Và còn gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền được Nhà nước Việt Nam xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1964. Theo tư liệu ghi chép lại thì Đền Và đã có từ thời Việt Nam đang thuộc ách đô hộ của nhà Đường, lúc ấy đền là khu thờ nhỏ nhưng rất linh ứng.

Tạm biệt Đền Và với niềm mong cầu mưa thuận gió hòa, khí hậu ổn định, cả đoàn lại tiếp tục đến thăm làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây nơi được coi là bảo tàng sống về nông thôn Việt Nam. Đây là quê hương nhiều danh nhân như Vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế ToạiHà Kế Tấn,Kiều Mậu HãnPhan Kế An,… Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Namđược Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006.

Cả nước đang hội nhập và hoà mình với dòng chảy công nghiệp hoá – hiện đại hoá nhưng Làng Việt cổ Đường lâm dù ở một vị trí rất gần với đô thị lại vẫn ẩn chứa và giữ trong mình một kho tàng những giá trị văn hoá, lịch sử đồ sộ và rất quý  báu. Lần lượt tham quan những vỉa đá ong, những nếp nhà gỗ bạc màu theo năm tháng, những bậc thang phủ dấu thời gian, những thành tường rêu phong che kín…mỗi thành viên của đoàn tưởng như được trở về với tuổi thơ xưa cũ, được sống trong hương đồng quê ngọt ngào, thanh thoát.

Đến thăm làng cổ không thể không ghé qua Chùa Mía hay còn gọi là Sùng Nghiêm Tự thuộc làng Mía, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Chùa được được xây dựng vào thời Trần. Tại đây, các thành viên của đoàn đã được chiêm ngưỡng nhiều pho tượng Phật độc đáo, thể hiện tính nghệ thuật cao siêu của các nghệ nhân về đúc, nặn, chạm khắc thời xưa. Toàn bộ ngôi chùa được xây bằng gỗ quý, với kiến trúc độc đáo hình chữ “Mục”. Hệ thống tượng Phật cùng với công trình kiến trúc Chùa Mía đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin đánh giá là một di tích đặc biệt quan trọng của cả nước. 

Đường Lâm còn là quê hương của các vị anh hùng dân tộc như Phùng Hưng, Ngô Quyền, và cũng là quê của Thám hoa Giang Văn Minh. Đoàn đã tham quan đền thờ Phùng Hưng (761-802), đền thờ nằm trên một khu đất cao, xung quanh cây cối tỏa bóng xanh mát. Đền mới được tôn tạo nên có một số điểm khác với ngôi đền cũ trước đây. Trong khi đất nước chịu ách thống trị của nhà Đường, Phùng Hưng cùng người em là Phùng Hải và Bồ Phá Cần chiêu tập binh sĩ cùng nhân dân dựng cờ khởi nghĩa. Ông đánh thành Tống Bình (Hà Nội), đánh tan đạo quân xâm lược của Cao Chính Bình, giành lại quyền độc lập tự chủ. Ông được nhân dân tôn vinh là “Bố Cái Đại Vương”. Từ đền thờ Phùng Hưng, đi thêm 500m lên đỉnh dốc, rẽ trái tới một gò đất cao thoáng đãng nơi đó là đền thờ Ngô Quyền (898 – 944). Ngô Quyền người thôn Cam Lâm, ông có tướng mạo hơn người. Lớn lên ông làm nha tướng cho Dương Diên Nghệ, trấn thủ Châu Hoan. Sau khi dẹp loạn Kiều Công Tiễn xong , trấn yên nước nhà, ông kháng chiến chống giặc ngoại xâm với trận đánh nổi tiếng trên sông Bạch Đằng.

Hành trình tiếp theo,cả đoàn tìm về một địa danh đã đi vào truyền thuyết Đền Thượng thờ thánh Tản Viên (Sơn Tinh) tọa lạc trên đỉnh Tản Viên thuộc núi Ba Vì thuộc địa phận Vườn Quốc gia Ba Vì, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Vượt qua chặng đường đèo dốc mù sương quanh co trong cái lạnh và sương mù dầy đặc đến chân đền tại cốt 1000, cả đoàn lại cùng nhau men theo sườn núi vượt 225 bậc thang nhỏ, dốc và hẹp để lên đỉnh núi ở độ cao 1227m so với mặt nước biển. Theo các thư tịch cổ thì Đền Thượng đã có từ thời Lý Nhân Tông. Ngôi đền nhỏ được xây theo hình chữ Nhất. Đền chỉ có  một mái lộ thiên lợp ngói nghiêng bên của hang. Mái sau Đền nằm ngầm dưới lòng tảng đá nên ngôi đền có thế vững chãi, trang nghiêm khá độc đáo. Ba gian của Đền Thượng tuy không rộng, nhưng huyền bí, có thăm thẳm độ sâu về tâm linh. Tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, đắm mình trong hương trầm ấm áp mỗi người như thấy lòng mình lắng lại, an nhiên, tự tại vô cùng.

Xuống đến chân đền Thượng, cả đoàn lại tiếp tục vượt qua 1000 bậc đá cheo leo để lên đỉnh Vua, nơi đặt đền thờ Bác Hồ ở độ cao 1.296m so với mặt nước biển.

 Trên đỉnh núi có tháp thờ Phật 11 tầng xây khá cao, lối sang đền Bác Hồ ngang qua bức tường đầu hồi có hình trống đồng với bản đồ Việt Nam và dòng chữ màu vàng nổi: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi – Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lời khẳng định của Người mang cả sức nặng của hồn thiêng sông núi.

 

Ngôi đền tưởng niệm Bác Hồ được bắt đầu xây dựng từ ngày 1/3/1999 và khánh thành đúng vào ngày 21 tháng Bảy âm lịch năm ấy, ngày giỗ Bác. Đền thờ được đặt trong một không gian chan hòa với thiên nhiên, giản dị và rộng rãi đúng như lời dặn Bác để lại trong Di chúc: “…Nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi…”. Vượt qua chặng đường dài lên tới đỉnh núi, tâm hồn ai cũng như thấy thanh thản, nhẹ nhàng bởi cảnh sắc hài hòa và vẻ đẹp uy nghi nhưng gần gũi của ngôi đền. Hình ảnh Bác ngồi hiền từ trên tay cầm tờ báo Nhân Dân càng khiến ta nhớ thương và kính phục người. Dẫu Bác đã đi xa nhưng tư tưởng thân dân, lấy dân làm gốc, sự quan tâm, chia sẻ với đồng bào và biết bao đức tính tốt đẹp của Người vẫn luôn là kim chỉ nam để mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu hơn nữa.

Điểm tham quan tiếp theo của đoàn là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Chùa Trầm được xây dựng vào đầu thế kỉ 16 tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Xưa kia toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung… Hàng năm,hội chùa Trầm diễn ra vào mùng 2/2 âm lịch hàng năm, vào dịp lễ hội này, dân làng tổ chức lễ rước ảnh Bác Hồ, gợi nhớ tới năm xưa Bác từng bốn lần đến thăm chùa. Chùa Trầm còn được biết đến vì một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì một ngày sau, ngày 20-12, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Cũng trong dịp này, đoàn còn tham quan di tích chùa Trăm gian cổ kính xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Ngôi chùa này được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý, bộ mái được dựng trên rất nhiều cột gỗ và nếu tính bốn cột tạo thành một gian thì chùa có tới hơn một trăm gian nên dân trong vùng thường gọi là chùa Trăm Gian.

Một ngôi chùa hiện còn đang giữ nhiều cổ vật quý giá có từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn với kiến trúc cổ kính kết hợp hài hòa với thiên nhiên tạo thành khu danh thắng sơn thủy hữu tình là Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội)cũng là điểm di tích lịch sử mà đoàn có dừng chân tham quan.

Chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)- điểm di tích lịch sử nổi tiếng với 16 pho tượng các vị La Hán đã đi vào thơ ca bao đời nay là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc hành trình trước khi đoàn trở về Hà Nội. Nơi đây được đánh giá là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18) Tận mắt chiêm ngưỡng những pho tượng Phật được coi là kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo tại đây mới thấy thật ấn tượng. Theo sử sách ghi chép lại, phần lớn các tượng này đều có niên đại cuối thế kỷ XVIII, một số khác được tạc vào giữa thế kỷ XIX. Ngắm 16 pho tượng mang trên mình trầm tích thời gian chợt nhớ đến bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận:

"…Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay…"

Càng đi chúng tôi càng thấy mình như đang được trở về với nguồn cội, trở về với cha ông tự bao đời nay qua từng nét đẹp đơn sơ mà bí ấn. Tự hào thay tầm vóc, trí tuệ của ông cha để lại cho cháu con muôn đời chiêm ngưỡng. Đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp không chỉ bởi sự nỗ lực của thếhệ chúng tôi hôm nay mà còn bởi nét đẹp ngàn năm văn hiến từ thưở xa xưa ông cha để lại. "Đi là để trở về" – chúng tôi đã có một chuyến đi để tìm về nguồn cội thực sự đáng nhớ và vô cùng ý nghĩa.