Hoàng Thị Thúy Quỳnh

Chuyến đi đầu năm thăm một số di tích lịch sử, văn hóa theo kế hoạch hoạt động năm 2014 của Chi bộ Tổ chức Hành chính đã thành công tốt đẹp. Dù chúng tôi không được đến thăm Khu di tích Đá chông (K9) do muộn giờ nhưng chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

Làng cổ Đường Lâm di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia đã khiến chúng tôi như được trở về thời thơ ấu với phong cảnh thanh bình, yên ả, cổ kính, rêu phong. Nơi đây quy tụ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lịch sử có giá trị như Chùa Mía, Đền thờ Phùng Hưng, Đền thờ Ngô Quyền, Đền Bà chúa Mía và nhiều nếp nhà Việt cổ.

Chùa Mía ấn tượng với Tôi về số lượng và sự cổ kính của các pho tượng Phật, tôi không đếm chính xác có bao nhiêu pho tượng nhưng chắc con số phải đến hàng trăm tượng. Mỗi pho tượng có một phong thái, dáng vẻ riêng. Các pho tượng làm bằng gỗ được phối màu tinh tế, màu thời gian đã được khoác lên những pho tượng cổ càng tăng thêm sự uy nghi và linh thiêng của Chùa.

Chúng tôi đã đến thăm đền thờ Ngô Quyền, vị anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh thắng quân xuân lược Nam Hán với trận chiến Bạch Đằng lịch sử. Ông cũng là người đầu tiên mở ra kỷ nguyên độc lập của dân tộc ta sau hơn 1.000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ. Ngôi đền nhỏ nhưng cổ kính trong làng Đường Lâm. Ban chính trong Đền là tượng Vua Ngô Quyền uy nghi trên ngai cao. Khuôn mặt tuấn tú, cương nghị, ánh mắt sắc sảo làm cho cả pho tượng mang một thần thái đầy uy lực.

Đã nhiều lần đến Vườn Quốc gia Ba Vì nhưng đây là lần đầu tiên tôi lên Đền Thượng – Nơi thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), vị thần đứng đầu trong bốn vị thần bất tử theo truyền thuyết dân gian của người Việt. Vượt qua nhiều bậc đá cao trong tiết trời lạnh, gió mạnh, chúng tôi lên tới đỉnh Tản Viên. Đền Thượng đặc biệt vì không gian của Đền chính là vòm của hang đá trên đỉnh núi. Từ đỉnh núi Tản nhìn xuống không gian rộng lớn của vùng Sơn Tây, Ba Vì làm tôi nhớ lại cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong truyền thuyết biểu trưng cho công cuộc cải tạo thiên nhiên của dân tộc ta qua bao đời nay.

Rời khỏi Đền Thượng, tôi tiếp tục cùng mọi người trong đoàn chinh phục đỉnh Vua, nơi đặt Đền thờ Bác Hồ và Tháp Báo Thiên. Đường không cao, dốc như đường lên Đền Thượng, gió lặng nhưng càng đi càng như lạc vào rừng sâu. Qua bao nhiêu khúc ngoặt không đếm hết, nhiều lúc chúng tôi đã định bái vọng Bác rồi trở về xe nhưng chắc có lẽ vì không vào được K9 nên chúng tôi quyết tâm phải lên được nơi thờ bác trên đỉnh Vua.

Đến đỉnh núi nơi có Tháp Báo Thiên thì trời cũng đã tối, đường đi nhập nhoạng trong sương, mưa phùn và ánh đèn hắt sáng từ bên trong đền thờ. Từ tháp Báo Thiên còn khoảng 50m nữa là sang Đền thờ Bác nhưng vì sợ trời tối xe xuống sẽ nguy hiểm, chúng tôi định quay xuống luôn. Bạn nhân viên làm công tác bảo vệ khu vực Đền thờ nói với chúng tôi “Các anh chị đã lên đến đây thì sang chào Bác và thắp cho Bác nén hương”. Bỗng dưng cảm xúc yêu kính, thân thương đối với Bác dâng trào trong tôi. Chúng tôi chạy ào sang đền thờ Bác, nhiều người vấp vì không thấy đường. Đền thờ Bác khang trang, rộng rãi. Chính giữa đền thờ là tượng Bác đang ngồi bằng đồng; phía hai bên đằng sau là hai cây đa; phía trước là bình hoa sen bằng đồng. Phía trên là bức hoành phi ghi câu: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Chúng tôi không vào gần vì lúc này Đền đã được rửa sạch sẽ để chuẩn bị sáng mai đón khách thăm viếng. Đền được tọa lạc trên đỉnh Vua, với độ cao 1.296m so với mực nước biển. Đây là khu vực rộng rãi, quang đãng, xung quanh Đền có rất nhiều ghế đá để mọi người đến với Bác có chỗ nghỉ ngơi. Tôi có hỏi anh bảo vệ khu Đền là “Vì sao lại đặt Đền thờ Bác ở đây” thì được trả lời “Đó là bởi làm theo di chúc của Bác”. Chúng tôi rời đỉnh Vua bằng những chiếc đèn pin của điện thoại di động vì lúc này trời quá tối, không còn nhìn thấy đường nữa.

Đền thờ Bác Hồ – Đỉnh Vua, núi Ba Vì

Có lẽ cả chuyển đi thì việc chinh phục hai đỉnh núi: Tản Viên nơi thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh và đỉnh Vua, nơi thờ Bác Hồ trong khoảng thời gian eo hẹp có lẽ ấn tượng nhất đối với tôi. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên bức phù điêu hình trống đồng và bản đồ Việt Nam: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi ” càng sâu sắc hơn với mỗi chúng tôi khi đứng ở nơi này.

Phạm Thị Diễm

Ngay từ khi học phổ thông được biết đến chùa Tây Phương qua bài thơ "Các vị La hán chùa Tây Phương" của nhà thơ Huy Cận tôi đã muốn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc biệt ấn tượng của ngôi chùa này. Chuyến đi về nguồn đầu xuân Giáp ngọ của chi bộ Tổ chức Hành chính đã giúp tôi có thêm cơ hội tìm hiểu những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Đặc biệt hình ảnh 16 vị tổ La Hán người đứng kẻ ngồi, pho thì ngước mặt lên trời chỉ vào mây khói, pho thì hững hờ với ngoại vật, tì cằm trên đầu gối nhếch môi cười một mình nửa tinh nghịch nửa mỉa mai, có pho vẻ mặt hân hoan tươi tắn, khổ người đầy đặn tròn trĩnh, pho khác có vẻ mặt đăm chiêu lạ thường… càng khiến tôi khâm phục hơn sự tài hoa của những nghệ nhân dân gian vô danh thời Hậu Lê, thời Tây Sơn. Cảm ơn ông cha đã tạc vào đời những vẻ đẹp trường tồn cùng năm tháng.

Nguyễn Thị Thu Hà

Ngày 16/2/2014 chúng tôi xuất phát đi dọc Sơn Tây – Hà Nội trải nghiệm chuyến về nguồn đầy ý nghĩa trong tiết trời đầu xuân se lạnh.

Được cùng nhau khám phá nhiều điểm đến ý nghĩa nên cả đoàn ai cũng phấn khởi trong suốt cả hành trình. Để lại ấn tượng khó quên trong tôi là Di tích lịch sử văn hóa Chùa Trầm. Ngôi chùa cổ khéo léo tựa vào núi đá nhìn ra hồ sen và được bao bọc bởi những tán cây rừng dày đặc khiến mọi người phải trầm trồ. Chùa Trầm nhỏ nhưng mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm và đem lại cho tôi cảm giác bình an, thư thái. Đặc biệt khi khám phá cảnh quan của chùa chúng tôi còn được bước vào Hang Trầm, nơi lưu giữ những văn bia, tượng đá cổ giá trị. Cũng tại nơi này, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến qua sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Chụp những bức ảnh lưu niệm tại đây, tôi như thấy mình như được sống lại trong dòng lịch sử,vào thời điểm cả nước vùng lên kháng chiến kiên cường, bất khuất chống thực dân Pháp.

 
Lê Thị Quỳnh Nga

Chuyến đi về nguồn kết hợp tham quan lần này đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức lịch sử về các vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Phùng Hưng và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thăm lại nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của các vị anh hùng của mọi thời đại tôi cảm thấy thực sự tự hào về đất nước và con người Việt Nam. Chuyến đi có ý nghĩa hết sức sâu sắc, là buổi sinh hoạt thực tế nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống, đạo đức cách mạng và học tập tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh cho mỗi đảng viên của Chi bộ.

Nguyễn Minh Phương

Chuyến đi du xuân của chúng tôi đã kết thúc. Trong chúng tôi, mỗi người có một cảm xúc khác nhau: người thì trầm trồ với vẻ đẹp của làng cổ Đường Lâm; người thì mê hoặc với các nét cổ kính của các ngôi chùa cổ Việt Nam; cũng có người thì tiếc nuối vì không được vào thăm K9. Riêng tôi, Chùa Tây phương đã để lại những ấn tượng rất đặc biệt. Âm vang đâu đây là hình ảnh ngôi chùa cổ từ thuở tôi học bài thơ “ Các vị La Hán Chùa Tây Phương” của Nhà thơ Huy Cận:

“ Các vị La Hán Chùa Tây Phương/Tôi đến thăm về lòng vấn vương/Há chẳng phải đây là xứ Phật/Mà sao ai nấy mặt đau thương?………

Có thể nói Chùa Tây Phương là một bảo tàng điêu khắc cổ với rất nhiều phù điêu gỗ được khắc chạm tinh tế, là tinh hoa của nghệ thuật chạm trổ cổ truyền Việt Nam.  Trong một khoảng thời gian nhất định, tôi dường như được quên đi những khó nhọc của cuộc sống thường ngày vì phong cảnh yên tĩnh đến mức có thể nghe được tiếng lá rơi. Không bỏ qua được các món quà lưu niệm, tôi đã kịp mua cho con trai mình một chiếc giỏ xinh xắn hình con giáp của con. Hy vọng rằng một chút quà nhỏ từ nơi đất phật sẽ luôn luôn giúp cho gia đình tôi được bình an và hạnh phúc.

Nguyễn Thị Phương

Khi đặt chân tới làng cổ Đường Lâm, tôi đã được trải nghiệm đầy đủ một ngôi làng cổ đặc trưng của người Việt với cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu… Làng cổ mang vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính với những ngôi nhà rêu phong theo thời gian, những bức tường đá ong lâu đời vững chắc bao quanh ngôi nhà vừa tạo không gian riêng lại vừa đem lại cho gia đình cảm giác riêng tư, bình an. Không chỉ vậy, tôi còn thực sự ấn tượng với khung cảnh rộng rãi, thoáng đãng từ con đường làng đến những ao hồ trong vắt và cả cánh đồng vi vút sáo diều, thơm nồng hương quê.

Nguyễn Thị Huyền

Với tôi, được tham gia chuyến về nguồn kết hợp tham quan do Chi bộ tổ chức là một điều may mắn. Chuyến đi đã để lại trong tôi những kỉ niệm đẹp khi được cùng anh chị em rong ruổi trên những tuyến đường tìm về những di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Đền Và, làng cổ Đường Lâm, Đền Thượng, Đền thờ Bác Hồ, chùa Tây Phương, chùa Trầm…mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi những nét đẹp đặc biệt. Sự phấn khởi, hào hứng đã giúp tôi quên đi sự mệt mỏi, chỉ còn lại niềm vui, sự hãnh diện bởi một Việt Nam văn hiến, giàu đẹp ngay từ thưở sơ khai. 

Phạm Thị Thanh Tuyền

Vượt qua những con dốc mù sương quanh co hiểm trở chúng tôi đã lên đến cốt 1000 của núi Ba Vì để tiếp tục lên thăm đền thờ Bác Hồ. Trời đã về chiều, trong cái giá lạnh và mưa phùn của những ngày tháng giêng chúng tôi quyết tâm vượt qua 1300 bậc đá che leo bên vách núi để lên viếng thăm Người. Dọc đường lên đỉnh núi Vua cao 1.296m chúng tôi như lạc vào cõi thiêng, bởi được đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vút lên, mốc và rêu xanh bám phủ thân cây, dây leo chằng chịt, sương mù giăng kín. Lên đến đỉnh Vua tầm mắt của tôi như bị choáng ngợp bởi sự bao la, hùng vĩ của núi rừng, cảm giác thư thái đưa tôi bước nhẹ nhàng vào đền thờ Bác. Cảm giác gần gũi, yêu kính đối với Người khiến tôi thực sự xúc động, dường như Bác vẫn chưa hề đi xa, Người vẫn luôn dõi theo chúng tôi. Chuyến đi đã dạy chúng tôi cách sống tốt hơn, ý nghĩa hơn trong những ngày sắp tới.

Một chuyến đi ngắn nhưng những điều mà chúng tôi học tập, trải nghiệm và khám phá thì có thể được nhớ đến trong suốt cả chặng đường dài phía trước. Cảm ơn cha ông đã dựng xây và gìn giữ hồn thiêng sông núi nước Nam, chúng tôi nguyện một lòng vì Tổ quốc.