HỌC VIỆN PHỤ NỮ VIỆT NAM

        PHÒNG ĐÀO TẠO

                                                             CÂU HỎI – TRẢ LỜI

DÀNH CHO TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2014

TT

CÂU HỎI

TRẢ LỜI

1

Học viện Phụ nữ Việt Nam được thành lập từ năm nào? Trụ sở của Học viện ở đâu? 

– Học viện Phụ nữ Việt Nam kế thừa sự phát triển hơn 50 năm của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Tháng 10 năm 2012 theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường được nâng cấp thành Học viện Phụ nữ – Là cơ sở giáo dục đại học CÔNG LẬP .

– Học viện có trụ sở chính tại số 68 đường Nguyễn Chí Thanh – Quận Đống Đa – Thành phố Hà Nội.

2

Năm 2014, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh theo hình thức nào?

Năm 2014 Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh theo hình thức xét tuyển từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu; sử dụng kết quả thi tuyển theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, tuân thủ tiêu chí chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định.

3

Học Viện tuyển sinh đào tạo những khối nào? ký hiệu mã trường? ký hiệu mã ngành?

– Học Viện tuyển sinh các khối: A, A1, C,

 D1,2,3,4,5,6

– Ký hiệu mã trường: HPN

– Ký hiệu mã ngành CTXH:  D760101

– Ký hiệu mã ngành QTKD: D340101

4

Em muốn đăng ký học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam nhưng không biết thủ tục đăng ký xét tuyển (ĐKXT) được tiến hành như thế nào?

– Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh theo hình thức xét tuyển từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu; sử dụng kết quả thi tuyển theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.

– Nhận hồ sơ ĐKXT từ ngày 10/8-10/9/2013, hồ sơ nộp trực tiếp tại Học viện hoặc có thể gửi qua bưu điện theo địa chỉ: Học viện Phụ nữ Việt Nam – 68 Nguyễn Chí Thanh- Đống Đa- Hà Nội.

Hồ sơ bao gồm:

+ Giấy chứng nhận kết quả thi Đại học năm 2014 do các trường tổ chức thi cấp (bản gốc)

+ 01 phong bì dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để Học viện thông báo kết quả xét tuyển

+ Lệ phí xét tuyền: 30.000đ/hồ sơ

5

Mức thu học phí của Học viện là bao nhiêu? Học viện có cấp học bổng cho sinh viên không?

Học viện Phụ nữ Việt Nam thu học phí theo quy định của Nhà nước đối với các trường đại học công lập năm 2014.

Học viện xét và cấp học bổng cho những sinh viên đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện.

6

Học viện có đủ ký túc xá cho sinh viên không?

– 100% sinh viên có chỗ ở ký túc xá nếu có nhu cầu

– Đến năm 2015 Học viện sẽ hoàn thiện tòa nhà 15 tầng với tổng diện tích 1175 m2. Khu nhà được thiết kế với 20 phòng học, 17 phòng làm việc, 104 phòng kí túc xá đáp ứng nhu cầu cho 768 sinh viên.

7

Em đã trúng tuyển NV1 nhưng không muốn học ngành và trường đó nữa có thể lấy kết quả để nộp vào Học viện Phụ nữ Việt Nam được không?

 

Đây là vấn đề mà các bạn phải đặc biệt chú ý và suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn ngành nghề và làm hồ sơ. Trúng tuyển NV1 các bạn sẽ được cấp giấy báo trúng tuyển chứ không được cấp giấy chứng nhận kết quả thi tuyển (phiếu báo điểm) nữa, do vậy trúng tuyển NV1 vào ngành A nào đó thì các bạn phải học ngành đó và các bạn không thể đăng ký xét nguyện vọng bổ sung vào trường/ học viện khác được.

8

Bằng tốt nghiệp do Học viện Phụ nữ Việt Nam cấp  có gì khác so với các trường khác không ?

Bằng tốt nghiệp do Học viện Phụ nữ Việt Nam cấp sử dụng phôi bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có giá trị toàn quốc và không khác với các bằng (cùng ngành) được cấp tại các trường đại học/ học viện khác.

9

Em muốn biết Học viện Phụ nữ Việt Nam năm 2014 tuyển sinh những  ngành nào? Chỉ tiêu là bao nhiêu?

Được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2014 Học viện tuyển sinh khóa 2 Đại học chính quy ngành Công tác xã hội mã số đào tạo: D760101; Ngành Quản trị kinh doanh: mã số đào tạo D340101

Tổng chỉ tiêu: 300 sinh viên

10

Em muốn biết thông tin về ngành Công tác xã hội của Học viện Phụ nữ Việt Nam; chương trình đào tạo của Nhà trường có gì khác so với các trường đại học/ học viện khác không?

Ngành Công tác xã hội: là ngành đào tạo còn tương đối mới ở Việt Nam, phục vụ nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ đại học cho nghề công tác xã hội nhằm phát triển cộng đồng, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội cũng như giải quyết những vấn đề an sinh xã hội khác.

Việc đào tạo cán bộ Công tác xã hội tại Học viện đã được triển khai từ năm 2007 với nhiều chương trình: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng mang tính thực hành cao. Ngành công tác xã hội của Học Viện cũng gắn liền với công tác phụ nữ, với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.

Chi tiết có thể xem tại địa chỉ Website của Học viện:http//hvpnvn.edu.vn

11

Em muốn biết thông tin về ngành Quản trị kinh doanh của Học viện Phụ nữ Việt Nam; chương trình đào tạo của Học Viện có gì khác so với các trường đại học/học viện khác không?

 Ngành Quản trị kinh doanh tại Học viện Phụ nữ được thiết kế chương trình và tổ chức đào tạo theo phương châm “Hiện đại – Linh hoạt -Thực tiễn – Đặc thù”.

Dựa trên những kinh nghiệm, kết quả đào tạo hơn 10 năm thực hiện dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ về phát triển doanh nhân nữ với những chương trình tiêu biểu như “100 Giám đốc nữ”; khởi sự doanh nghiệp và các dịch vụ phát triển kinh doanh. Học viện có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản tại các nước phát triển, chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh của Học viện hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá trong quá trình tổ chức đào tạo.

Chi tiết có thể xem tại địa chỉ Website của Học viện:http//hvpnvn.edu.vn

12

Em muốn được tư vấn trực tiếp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam thì liên lạc với ai và tiến hành như thế nào?

 

 

Để thuận lợi cho các bạn thí sinh, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức tư vấn trực tiếp qua các số điện thoại: 04.3.7751750 –

043 8358308 vào giờ làm việc hành chính các ngày trong tuần Hoặc số điện thoại nóng: 0976.571.126

Chúng tôi cam kết mọi thông tin về tuyển sinh của Học Viện sẽ được tư vấn cụ thể và nhanh chóng

13

Sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, con thương binh, liệt sĩ,  sinh viên là dân tộc thiếu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên là dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam có được miễn, giảm học phí không?

Đối với sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, con thương binh, liệt sĩ,  sinh viên là dân tộc thiếu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên là dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, Học Viện xét  miễn giảm học phí ngay từ kỳ học đầu tiên.

Ngoài ra, hàng năm, Học Viện tổ chức xét học bổng cho những sinh viên đạt thành tích suất sắc trong học tập, rèn luyện và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

14

Sinh viên tốt nghiệp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam có được hỗ trợ giới thiệu việc làm không?

Một trong những lợi thế của sinh viên tốt nghiệp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ hội việc làm. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong hệ thống Hội LHPN các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội, các doanh nghiệp. Trong quá trình học, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp thông qua các đề án và các kỳ thực tập. Ngoài ra Học viện còn tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ sinh viên trong việc giới thiệu việc làm và lựa chọn môi trường làm việc phù hợp.

15

Với điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD & ĐT, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ đào tạo như thế nào để đảm bảo chất lượng đầu ra?

Cam kết của Học viện Phụ nữ Việt Nam là kể cả người tốt nghiệp loại trung bình của Học viện cũng đạt chuẩn chất lượng để có thể là người hữu dụng cho xã hội, có việc làm tốt, có cơ hội thăng tiến nếu thực sự phấn đấu trong công việc của mình. Mục tiêu của Học viện Phụ nữ Việt Nam là tạo điều kiện cho mỗi sinh viên phát huy tốt nhất những tiềm năng của mỗi người, để đầu ra đạt tiêu chuẩn đào tạo.

16

Em muốn biết : Điểm sàn, điểm chuẩn là gì?

– Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

– Điểm chuẩn là mức điểm trúng tuyển của từng trường/học viện đối với từng ngành

– Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển NV1 và nộp hồ sơ xét tuyển NV2, 3

17

Em muốn hỏi Học viện Phụ nữ Việt Nam có tổ chức đào tạo từ xa ngành Quản trị kinh doanh và Công  tác xã hội không ?

Năm 2014 Học viện Phụ nữ Việt chưa có hệ đào tạo từ xa.

18

Em vừa là học sinh ở khu vực 1, vừa có bố là thương binh mất sức lao động dưới 81%, vậy em được cộng điểm ưu tiên như thế nào? Có phải quy định của Bộ GD-ĐT là có nhiều điều kiện hưởng ưu tiên nhưng sẽ chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất?

Trong trường hợp của em là học sinh tốt nghiệp tại khu vực 1, em sẽ được hưởng điểm ưu tiên khu vực là 1,5 điểm. Bố em là thương binh mất sức lao động dưới 81%, em sẽ thuộc đối tượng ưu tiên 06 thuộc nhóm ưu tiên 2 và được hưởng 1 điểm ưu tiên. Như vậy tổng hợp hai điều kiện ưu tiên khu vực và đối tượng em sẽ được tính 2,5 điểm ưu tiên khi xét tuyển.

Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, có hai loại điểm ưu tiên là ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Mức điểm ưu tiên khu vực là 0,5 điểm giữa hai khu vực kế tiếp và mức điểm ưu tiên đối tượng là 1 điểm giữa hai nhóm đối tượng ưu tiên 1 và ưu tiên 2.

 Một thí sinh sẽ được hưởng cả điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực nếu đạt đủ các điều kiện theo quy định. Quy định “chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất” chỉ áp dụng đối với những trường hợp thí sinh thuộc diện có nhiều điều kiện hưởng ưu tiên đối tượng cùng lúc.

 Ví dụ một thí sinh vừa có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số (thuộc đối tượng 01 nhóm ưu tiên 1), vừa là con thương binh mất sức lao động dưới 81% (đối tượng 06 nhóm ưu tiên 2), sẽ được điểm ưu tiên ở mức cao nhất, tức là mức điểm ưu tiên dành cho đối tượng 01, không được tính cả hai tiêu chuẩn ưu tiên cộng lại.

19

Hiện nay em đang sống và có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nhưng em sinh và đã tốt nghiệp phổ thông trung học tại Phú Thọ. Năm nay em muốn đăng ký dự thi đại học vậy em muốn hỏi: Em phải xin dấu xác nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển ở đâu? Em có còn thuộc dạng ưu tiên dân tộc thiểu số nữa không? (Em thuộc dân tộc Mường). Bộ giáo dục và đào tạo có quy định về giới hạn độ tuổi thi đại học không?

Hồ sơ đăng ký dự thi thì em xin xác nhận tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, cụ thể ở đây là Hà Nội.

 Theo quy chế tuyển sinh thì nếu thí sinh có bố hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thí sẽ được hưởng chế độ ưu tiên đối tượng 01 nhóm ưu tiên 1. Do đó em chỉ cần kiểm tra lại nếu bố mẹ mình là người dân tộc thiểu số thì dù gia đình em có chuyển đi đâu quyền lợi vẫn được giữ nguyên.

 Hiện nay chưa có quy định nào khống chế độ tuổi dự thi đại học Tất cả những thí sinh đáp ứng điều kiện dự thi (có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…) đều được dự thi đại học

20

Em nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Học viện Phụ nữ Việt Nam, làm sao em có thể  biết mình có trúng tuyển hay không? Nếu không nhận được giấy báo trúng tuyển em phải làm như thế nào?

Học viện Phụ nữ  Việt Nam sẽ gửi giấy báo nhập học cho những thí sinh trúng tuyển về địa chỉ trên phong bì gửi kèm hồ sơ đăng ký xét tuyển .

Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp giấy gọi nhập học đến muộn hoặc thất lạc. Thí sinh có thể tự tính điểm của mình, nếu thấy đủ điểm trúng tuyển ngành mình đã nộp có thể trực tiếp đến trường để nhận giấy báo nhập học. Hoặc theo dõi danh sách trúng tuyển qua địa chỉ Website: Http//hvpnvn.edu.vn.

Nếu không nhận được giấy báo nhập học, thí sinh trúng tuyển vẫn có thể đến làm thủ tục nhập học.

21

Sức học của em thuộc dạng trung bình khá, em rất muốn thi vào một trường đại học. Vậy em nên chọn trường như thế nào cho phù hợp?

 

 

Học lực của bạn không giỏi, bạn vẫn có cơ hội học đại học  nếu bạn chọn khối thi có các môn bạn học tốt nhất. Tuy nhiên, bạn cần xác định: mình thích ngành nghề nào nhất, cân nhắc xem mình có phù hợp với loại công việc cụ thể của nghề đó không, sau đó hãy chọn trường/ học viện. Mỗi ngành, nghề hiện đang được đào tạo ở nhiều trường/học viện khác nhau. Học lực trung bình khá, bạn nên hướng đến nhóm trường/học viện đào tạo những ngành, nghề mới.

22

Em muốn hỏi: Học ngành Công tác xã hội ra trường làm việc ở cơ quan nào? Ai thích hợp để học ngành này?

 

Sinh viên ngành Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều công việc thuộc các lĩnh vực như làm công tác nghiên cứu tại các viện nghiên cứu khoa học xã hội, làm chuyên viên ở các ban ngành của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, làm giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường đào tạo cán bộ công đoàn, phụ nữ, làm công tác tư vấn, quản lý cho các dự án phát triển xã hội…Ngoài ra, có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan hệ công chúng, khảo sát thị trường, tìm hiều nhu cầu khách hàng…    

 Học ngành Công tác xã hội ra trường có nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, ngành này cũng đòi hỏi sự dấn thân, kỹ năng và vốn sống… Vì vậy các bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ ngành học trước khi quyết định lựa chọn.