Tham dự buổi tập huấn có ông Võ Kim Cự – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Hà Tân – Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh Hà Tĩnh và 270 chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, chủ tịch, phó chủ tịch Hội các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Quyết định số 217 về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”; Quyết định số 218 “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”của Bộ Chính trị là hai quyết định có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng đối với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Sự ra đời của quy chế, quy định thực sự là kết quả thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là sự hòa quyện giữa ý Đảng, lòng dân trong quá trình phát triển, triển khai và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Trong thời gian một ngày, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã truyền tải các nội dung chính về mục đích của giám sát, phản biện xã hội, phương pháp triển khai, xử lý kết quả, công việc sau giám sát và hệ thống kết quả để đưa ra ý kiến phản biện xã hội.
Các học viên đã được tiếp cận vấn đề giám sát và phản biện xã hội theo phương pháp sinh động gắn với thực tế công tác Hội qua các ví dụ cụ thể được phân loại theo các bước để xác định rõ vấn đề giám sát, mục tiêu, nội dung, phương pháp, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, các hoạt động cụ thể, nguồn kinh phí, dự kiến kết quả đạt được.
Với phương pháp lấy người học làm trung tâm, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đã khuyến khích các học viên tích cực, nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm giám sát, phản ánh thực tế giám sát tại địa phương từ đó tổng hợp lại để xây dựng các bước tiến hành giám sát, phản biện xã hội từ việc: Chuẩn bị kế hoạch, Thực hiện kế hoạch, Viết báo cáo giám sát đến việc Thực hiện quy trình sau giám sát với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Buổi tập huấn đã giúp cho các học viên là cán bộ đang làm công tác Hội có cái nhìn khái quát về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giám sát và phản biện xã hội đồng thời ý thức rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Hội nói chung và từng cán bộ Hội nói riêng trong vấn đề này.
Được biết, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ sử dụng tư liệu buổi tập huấn để xây dựng bài giảng trực tuyến môn Giám sát và phản biện xã hội trong chương trình bồi dưỡng Nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam.