Chuyến đi tình nguyện tại bản Bang lần này không phải là lần đầu tiên tôi xa nhà, xa bố mẹ nhưng không hiểu sao tôi lại có cảm giác hồi hộp, lo lắng, bồn chồn và háo hức đến thế. Có lẽ do đây là chuyến đi tình nguyện xa đầu tiên, và cũng là chuyến đi xa đầu tiên của tôi cùng Tổ bồ câu 69 (nick name Đội Sinh viên tình nguyện chúng tôi) – những người bạn mới quen nhưng thân thiết vô cùng. Thật hạnh phúc khi tôi được là một thành viên của đội sinh viên tình nguyện Học viện Phụ nữ Việt Nam, được tham gia chuyến đi tình nguyện lần này.

Nhận được lịch trình của chuyến đi tôi và tất cả các thành viên trong đội đều háo hức vô cùng! Tối ngày 17/7 cả đội cùng nhau ngủ tại phòng 69 – kí túc xá của Học viện. Cảm giác cùng ăn, cùng ngủ, cùng cười đùa, cùng thức khuya với nhau thật tuyệt. Cả một đêm dài với chúng tôi là những câu chuyện, buồn có vui có; là hình ảnh cả Đội nằm "la liệt" trên giường dưới đất; và là những phút lo lắng cho một thành viên  bị ốm… Tất cả những điều đó mang lại cho tôi cảm giác của hai từ: Gia đình.

Ngày 18/7/2014 – Ngày đầu tiên của đợt tình nguyện.

5h30 sáng chúng tôi bắt đầu xếp đồ đạc lên ô tô, mỗi người một việc, người bê cái này, người xếp cái nọ, khẩn trương, nhanh nhẹn, mọi người đều vui vẻ hớn hở cho chuyến đi. Nhìn mấy bạn nữ nhanh nhẹn xách balô, mấy bạn nam bê đồ rồi còn nhiệt tình nhảy lên lau kính theo yêu cầu của các bạn nữ nhìn mà thương yêu đến lạ.

 Hơn 6h sáng xe ô tô bắt đầu lăn bánh ra khỏi sân học viện, có lẽ đây mới chính là lúc bùng nổ cho mọi mong đợi suốt thời gian qua! Xe càng đi xa tất cả càng háo hức, bạn sẽ không thể cảm nhận hết được bầu không khí trên xe lúc ấy. Cả đêm hôm trước chỉ ngủ có một, hai tiếng nhưng lên xe tất cả như thể bừng tỉnh sau giấc ngủ rất dài! Cả đội quậy như chưa bao giờ được quậy!!! Để không khí trên xe náo nhiệt hơn và để chuẩn bị tốt nhất cho buổi giao lưu văn nghệ diễn ra vào buổi tối, thầy Vệ – Bí thư Đoàn Học viện và cũng là Trưởng đoàn tình nguyện lần này, cho chúng tôi tập hát ngay trên xe. Những bài hát về Đoàn, những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu, tình bạn… được chúng tôi nhiệt tình hưởng ứng, tuy có những đoạn chưa thuộc lời hay quên lời nhưng tất cả các thành viên đều tham gia hết mình. Sau khi dừng xe ăn trưa, vì đường lên đến bản Bang còn xa và để lấy sức cho cuộc gặp mặt giao lưu vào buổi tối, chúng tôi tựa vai nhau cùng chợp mắt…

14h30 xe đã đưa chúng tôi lên đến trung tâm huyện Vị Xuyên, vừa bước xuống xe hiện ra trước mắt cả đoàn là khung cảnh núi rừng hùng vĩ mà chúng tôi – những người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng khó có dịp chứng kiến, được nhìn thấy núi liền núi, nhìn thấy những tán cây sum suê, những cây trái sai trĩu trịt quả thật cuốn hút chúng tôi biết bao. Tại đây chúng tôi nhận được sự chào đón nồng hậu của các cô, các chị trong huyện hội. Sau khi chào hỏi, gặp mặt chúng tôi được các cô, các chị trong huyện hội kể cho nghe thật nhiều câu chuyện vui vẻ về địa phương, những phong tục của trai gái bản Bang mà lần đầu chúng tôi được biết đến, kết thúc buổi gặp mặt chúng tôi còn được các cô chiêu đãi nhãn tại cơ quan.

Cũng đã khá muộn nên chúng tôi chào tạm biệt các cô, các chị để lên xe tiến về bản Bang – nơi chúng tôi sẽ được cùng hoạt động tình nguyện với nhau. Con đường gập ghềnh, ngoằn nghoèo đưa chúng tôi đến gần hơn với bản Bang, ngắm nhìn thiên nhiên 2 bên đường, vẫy tay chào hỏi với người dân nơi đây càng làm cho chúng tôi thêm yêu vùng đất này, yêu con người ở đây, làm tăng thêm quyết tâm giúp đỡ bà con của chúng tôi.

Khoảng 16h xe ô tô chở chúng tôi dừng lại tại một khoảng sân rộng trên đất bản Bang, chúng tôi bước xuống xe trong cái nóng khá oi, nhưng ai nấy đều hớn hở. Tại đây chúng tôi gặp gỡ người dân, tập hát tại nhà văn hóa và thu xếp hành lí. Đi qua con đường gập ghềnh, ngoằn ngoèo chúng tôi cũng đến được "ngôi nhà chung" của cả đội, đó là một ngôi nhà sàn nằm ven rừng. Tôi khá ngạc nhiên với khung cảnh thiên nhiên quanh ngôi nhà: phía trước là ao cá, hai bên và sau nhà liền kề rừng, điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà là một ống tre dẫn nước từ suối về, nước trong vắt, mát lạnh khác hẳn với nước máy mà chúng tôi thường dùng. Nhìn thấy ống nước cả đội tò mò ùa ra thi nhau xắn quần xắn áo mà nghịch mà rửa, ai cũng cười vang rạng rỡ. Vào giây phút đó tôi cảm thấy chúng tôi thật sự như một gia đình vậy, một gia đình được hình thành từ những cá thể riêng biệt, xa lạ nhưng đang dần gắn bó và đoàn kết hơn. Và chúng tôi hạnh phúc về điều đó.

Theo như kế hoạch đã đề ra, sau khi ăn bữa cơm thân mật cùng các cán bộ địa phương, chúng tôi nhanh chóng di chuyển ra nhà văn hóa để bắt đầu chương trình giao lưu văn nghệ cùng người dân. Vinh dự khoác trên mình chiếc áo Đoàn của Học viện, đóng thùng đeo thẻ, chúng tôi thật sự bất ngờ với sự có mặt đông đủ của người dân địa phương tại sân nhà văn hóa. Mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ cùng với sự cổ vũ nhiệt tình của người dân địa phương tất cả nhanh chóng hòa mình vào không khí của buổi giao lưu văn nghệ. Tất cả chúng tôi cùng hát, cùng nhảy múa, cùng chụp ảnh kỉ niệm, cùng cười đùa, âm nhạc giúp chúng tôi xóa tan đi khoảng cách với người dân. Cuối buổi giao lưu văn nghệ chúng tôi lại cùng nhau mua sạp, đốt lửa trại. Ánh lửa trại bập bùng giữa màn đêm, cùng nhau siết chặt những bàn tay chai sần ấy tôi càng thấy thấm thía hơn những khó khăn vất vả của họ, càng yêu thương hơn mảnh đất ấy… Trời về khuya nhanh chóng vì vậy chúng tôi và người dân phải tạm dừng các hoạt động để trở về nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Tuy rằng quần áo đã lấm lem đất cát, ướt sũng mồ hôi nhưng ai cũng muốn nán lại thêm chút nữa chứ chẳng muốn rời đi. Tôi cũng từng được đốt lửa trại khi còn học cấp 3 nhưng lần đốt lửa trại này thực sự để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, tôi đã khám phá ra được những khía cạnh mới của bản thân, tôi cũng không ngờ được rằng bản thân lại hòa đồng, tự tin và mạnh dạn đến thế.

Ngày 19/7/2014 – Ngày thứ hai của đợt tình nguyện.

Ngày hoạt động thứ hai của đoàn thanh niên học viện phụ nữ Việt Nam, có lẽ vì chưa quen với nơi ở mới, chưa quen tiết trời ban đêm của Hà Giang hay vì quá hồi hộp mà chúng tôi thức dậy từ khá sớm làm vệ sinh và tranh thủ ăn bát mì trước khi bắt đầu ngày làm việc. Khoảng 7h30 xe ô tô đưa chúng tôi đến thăm Nghĩa trang quốc gia tại km18, Vị Xuyên. Ngày hôm nay, tại đây, chúng tôi cùng nhau thắp những nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh thân mình cho Tổ quốc trong chiến tranh biên giới những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Cùng nhau thắp hương cho 2000 phần mộ của các anh hùng liệt sĩ, tham gia dọn dẹp nghĩa trang giúp tôi cảm thấy mình có ích hơn và thấy được trách nhiệm của bản thân phải cố gắng học tập, không ngừng phấn đấu rèn luyện tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tiếp nối hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ, chúng tôi cùng nhau đến thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Phùng Thị Liền. Đây là lần đầu tiên cá nhân tôi được trực tiếp gặp một minh chứng lịch sử, một hình ảnh cao đẹp hi sinh tất cả cho Tổ quốc nên tôi khá run và hồi hộp. Do ảnh hưởng của cơn bão nên tối hôm trước trời mưa rất to vì thế quãng đường vào nhà mẹ lầy lội, xe ô tô không thể đi vào, chúng tôi phải xuống xe và đi bộ khoảng 3km để đến gặp mẹ. Trong lúc cả đoàn đi bộ vào nhà mẹ trời lại tiếp tục đổ mưa, cùng với đặc tính đường núi gồ ghề sỏi đá dường như đang thách thức những sinh viên tình nguyện đồng bằng lần đầu lên với vùng cao. Nhưng với sức trẻ, nhiệt huyết và tấm lòng của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục vượt qua con đường gồ ghề với những tiếng cười đùa, trêu chọc nhau vang vọng cả lưng chừng núi. Khi đến nơi, tôi và tất cả các bạn đều cảm thấy thật tự hào khi mình được gặp mẹ, vui khi thấy mẹ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn như thế. Kết thúc chuyến thăm nhà mẹ chúng tôi được bác chủ nhà mời một ly rượu vùng cao, ly rượu của tình cảm người dân với sinh viên tình nguyện, của tình cảm người miền núi với người miền xuôi. Ly rượu đậm đà theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó.

 
 
Kết thúc buổi sáng chúng tôi trở về nhà sàn khá muộn trong trạng thái khá mệt, chân đau rã rời vì phải đi bộ quãng đường xa và gồ ghề, nhìn ai cũng phờ phạc mà thương hết mực. Nhưng đúng là sức trẻ sinh viên tình nguyện, về đến nhà là lại tíu tít vui vẻ ngay được, chúng tôi lại cùng nhau thưởng thức những món ăn thật ngon mà mấy bạn hậu cần tất bật làm cả buổi sáng. Bữa cơm hôm ấy vẫn tràn ngập tiếng cười đùa, trêu chọc nhau dù cho ai cũng mệt mỏi, có lẽ đây chính là niềm động viên tinh thần to lớn nhất cho cả tôi và các bạn khi phải xa nhà, xa bố mẹ. Nhanh chóng kết thúc bữa ăn chúng tôi tranh thủ chợp mắt để buổi chiều tiếp tục đi lao động công ích giúp đỡ gia đình các chị phụ nữ trong bản. Thầy Vệ đánh thức chúng tôi dậy lúc 2h rưỡi, thầy bảo "Lúc 2h thầy đã gọi dậy một lần nhưng do buổi sáng mệt quá nên chẳng bạn nào biết thầy gọi, thương quá thầy lại để cho ngủ thêm tý nữa". Tôi tin rằng các thầy cô giảng viên Học viện tôi luôn luôn tuyệt vời nhất, lúc nào cũng quan tâm, lo lắng cho sinh viên, chúng tôi thật sự biết ơn về điều đó. Cả đoàn lại í ới kéo nhau dậy, bạn này gọi bạn kia chỉnh đốn lại trang phục bắt đầu đi lao động công ích. Thật không may cho chúng tôi buổi chiều hôm đó trời mưa nặng hạt lắm, chúng tôi lần đầu được nếm trải cái gọi là mưa rừng. Mưa ầm ầm, xối xả, nhưng chúng tôi, những sinh viên tình nguyện của Học viện Phụ nữ Việt Nam vẫn tập trung đông đủ để chia nhóm đi làm nhiệm vụ. Thế là người cầm quốc, cầm  dầm, dao quắm… nhanh chóng di chuyển đến địa điểm đã được phân công. Tôi được chia nhóm cùng với 3 bạn nữ khác và thầy Vệ là người phụ trách nhóm của tôi. Bốn cô bồ câu của Học viện cùng với thầy bí thư và các chị phụ nữ trong bản tiến vào một hộ phụ nữ bản, công việc của chúng tôi tại đây là dọn sạch cỏ trước nhà và dựng hàng rào bao quanh. Chúng tôi cùng xắn tay lên cầm cuốc, … Bắt đầu công việc, đầu tiên là dọn sạch cỏ trước nhà. Chúng tôi, sinh viên quen cầm sách bút hôm nay lại đang hăng hái cầm cuốc rẫy cỏ, ban đầu cũng hơi ngượng tay nhưng câu nói "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền” quả chẳng hề sai, chúng tôi vẫn nhiệt tình làm việc dù cho trời mưa ngày một nặng hạt, quần áo ai cũng ướt đẫm nước mưa. Tuy nhiên chúng tôi cũng may mắn lắm khi chỗ mà chúng tôi đang dọn cỏ trước đây nhà chị phụ nữ trồng khoai lang, thế là bên cạnh việc dọn cỏ chúng tôi còn thích thú thi nhau đào khoai nữa. Nơi làm việc rộn ràng hẳn khi cứ thi thoảng lại vang lên tiếng gọi sung sướng "Thầy ơi em đào được khoai này!" "An ơi đây đây!!" "Tú Anh ơi nhìn này!!" "Tiên ơi củ này to này!" "Liên ơi đào nó!!!" "Ôi, nhiều quá, chỗ này nhiều chưa kìa!" "Sao thầy cứ đào được củ to thế nhở???"….. Chị phụ nữ mà chúng tôi đang giúp làm việc quả là một người tốt, chị bảo chúng tôi: "Đào được bao nhiêu thì lấy về mà ăn". Chúng tôi sung sướng lắm khi nghe chị nói thế, sinh viên mà được cho là thích lắm rồi, vả lại chúng tôi còn muốn mang về để khoe với các đội khác nữa cơ. Nhưng mà cũng chẳng ai như sinh viên Học viện mình, con gái gì mà dùng tay không cầm cả con giun rõ là to để trêu bạn, cũng chẳng hiểu vì sao giun trên bản Bang lại to thế, chúng tôi đùa nhau "Giun nó ăn khoai lang nên to lắm". Cả các cô các chị ở bản Bang còn nói họ lấy giun cho gà ăn mà cũng chẳng dám cầm, thế mà con gái Học viện mình thì……. Rẫy cỏ xong chúng tôi lại tham gia giúp đỡ các chị đang dựng hàng rào, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được làm công việc thú vị này, những thanh tre mềm dẻo được các chị đan lại thành hàng rào kiên cố thật tài năng. Buổi lao động công ích kết thúc thành công tốt đẹp, chúng tôi tạm biệt các chị, các cô trở về nhà sàn với đống chiến lợi phẩm là một túi khoai lang, quần áo đầu tóc ướt sũng và bàn tay rộp đỏ vì lần đầu cầm quốc rẫy cỏ.

Theo như kế hoạch đã đề ra, buổi tối hôm đó chúng tôi sẽ sinh hoạt thiếu niên nhi đồng, nhưng vì trời mưa quá to nên các em nhỏ không thể ra nhà văn hóa được. Cả đoàn đang ngồi buồn thiu, nuối tiếc thời gian thì thấy xa xa có ánh đèn pin và tiếng xì xào, và thật bất ngờ làm sao khi dần xuất hiện bên dưới nhà sàn là các đồng chí thanh niên địa phương đến tận nhà sàn để giao lưu cùng chúng tôi. Chúng tôi vui mừng và cảm động lắm, thế là buổi tối cuối cùng ở tại bản Bang của chúng tôi không trôi đi vô nghĩa. Đoàn người cứ kéo đến ngày một đông hơn, cũng phải đến mấy chục thanh niên đến nhà sàn. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau thành một vòng tròn lớn cùng nhau làm quen, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm, kể cho nhau nghe những câu chuyện hài hước và chúc nhau những ly rượu chan chứa tình bạn. Buổi tối cuối cùng ở tại bản Bang của chúng tôi thật ý nghĩa, chúng tôi và những người dân nơi đây đã gắn bó với nhau hơn, chúng tôi hẹn ngày trở lại và cùng nhau chụp những bức ảnh kỉ niệm lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc này… Trời đã dần về khuya cả đoàn chìm vào giấc ngủ với niềm hạnh phúc, vui vẻ, say hơi men và cả một chút tiếc nuối cho ngày trở về………

Ngày 20/7/2014 – Ngày cuối cùng của đợt tình nguyện.

Có một chút không may mắn khi thực hiện chuyến đi tình nguyện vào đúng thời điểm bão, và vì thế buổi sáng cuối cùng của chúng tôi ở bản Bang cũng không thể tránh khỏi những cơn mưa. Mưa rừng xối xả, ầm ầm như muốn trút hết nước trên trời xuống mảnh đất và con người nơi đây vậy, và dường như sắp phải rời xa thứ gì đấy người ta thường đa sầu đa cảm hơn. Chắc vì lẽ đó mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cũng muốn khóc thật to, thật không nỡ kết thúc đợt tình nguyện, không nỡ rời xa bản Bang, không nỡ rời xa các chàng trai cô gái của mảnh đất này.

Vì trời mưa quá to chúng tôi không thể thực hiện được kế hoạch giúp đỡ bà con bản Bang, cả đoàn dậy từ sớm mà chỉ biết ngồi nhìn xa xăm ra màn mưa trắng xóa núi rừng ngoài kia mà mong ước cho cơn mưa nhanh tạnh. Vậy là lại một kế hoạch nữa của chúng tôi không thể thực hiện được, ai cũng nuối tiếc, chúng tôi đã chờ đợi chuyến đi này biết bao, chờ đợi được gắn bó hơn nữa với người dân địa phương, ông trời thật không chiều lòng người. Kế hoạch hoạt động đã bị hủy vì thế chúng tôi quyết định bắt tay vào chuẩn bị một bữa cơm chia tay thật ngon và ý nghĩa trước khi trở về Hà Nội. Nhưng ngay cả việc đi chợ cũng trở nên thật khó khăn, vì chợ thì xa, đường rất khó đi, chúng tôi lại không có phương tiện đi lại, đúng là vấn đề nan giải. Sau một hồi bàn bạc, cả đoàn quyết định giao phó công việc khó khăn nhất này cho thầy Vệ và bạn Dương – một trong 3 mì chính cánh đẹp trai của đội. Thấy thương vô cùng khi hai người phải mặc áo mưa, mượn xe máy của bác chủ nhà lặn lội ngoài mưa gió. Trong khi hai người đi chợ, những cánh bồ câu ở nhà bắt tay vào việc thịt vịt, công việc thật chẳng dễ dàng gì với tất cả chúng tôi. Nhưng rồi mỗi người một tay một chân, cộng với chút lăng xăng và ít kinh nghiệm mấy lần nhìn mẹ thịt ở nhà, cuối cùng việc thịt vịt cũng hoàn tất. Trong lúc đó thì hai đồng chí có nhiệm vụ đi chợ đã trở về với nào rau, nào đậu, nào măng, nào thịt…., vậy là chúng tôi lại cùng xúm vào nhặt rau, thái măng, rán thịt. Mọi người vừa làm vừa cười đùa, chụp ảnh, hát hò… không khí lúc ấy rộn ràng như không khí chuẩn bị Tết vậy. Giây phút ấy tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn chúng tôi đã đoàn kết, gắn bó đến nhường nào. Tôi hạnh phúc khi được cùng họ làm mọi việc, cùng ăn, cùng ngủ, cùng vui chơi, cùng tâm sự, cùng hoạt động tình nguyện với nhau. Với sự nỗ lực của cả đội cuối cùng bữa cơm thân mật chia tay địa phương của chúng tôi cũng hoàn thành.

Cơm đã lành, canh đã ngọt, chúng tôi mời đại diện địa phương bắt đầu dùng bữa. Bữa cơm chia tay diễn ra trong không khí bịn rịn, tiếc nuối của cả người dân bản và của cả chúng tôi, ai cũng muốn nán lại thêm chút nữa chẳng muốn lên đường.Bữa tiệc vui nào thì cũng phải đến lúc tàn, chúng tôi dọn dẹp lại mọi thứ, chuẩn bị đồ đạc, chào tạm biệt người dân lần cuối để xuất phát về thủ đô cho kịp giờ.

Vậy là chuyến đi tình nguyện 3 ngày tại Hà Giang của chúng tôi đã kết thúc tốt đẹp. Tuy rằng có mệt mỏi, có bực bội, có những kế hoạch không thành công nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, niềm vui, kinh nghiệm và nhất là những kỉ niệm được trải qua cùng nhau mới là thứ to lớn nhất!

Cảm ơn Hà Giang, cảm ơn bản Bang, cảm ơn những người dân chất phác, đôn hậu, gần gũi, cảm ơn trai gái bản Bang đã cùng chúng tôi tạo nên những kỉ niệm đẹp đẽ vô cùng ấy. Hà Giang à, chúng tôi sẽ không bao giờ quên những giây phút được hòa mình vào với núi rừng, hòa mình vào những câu hát, những điệu múa, những bữa cơm thân mật. Cảm ơn và hẹn ngày gặp lại!

Cảm ơn chuyến đi đã mang lại cho tôi quá nhiều điều, cảm ơn Học viện Phụ nữ Việt Nam của tôi, và hơn cả là Tổ bồ câu 69 – Những cánh chim bồ câu của Đội tình nguyện Đoàn Thanh niên Học viện đã sống cùng tôi những giây phút không thể nào quên…