Đường hẹp vào trường công
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2014 cả nước có hơn 1 triệu lượt thí sinh (TS) dự thi đủ 3 môn trong kỳ thi ĐH, CĐ. Trong số này, chỉ còn khoảng 30% (tương đương 100.000 chỉ tiêu bậc ĐH) xét tuyển. Vì vậy, cơ hội trúng tuyển đã thấp hơn nhiều.
Theo tiến sĩ Nghĩa, cơ hội trúng tuyển cao nhất cho TS gần như còn nguyên vẹn ở các trường không tổ chức thi, trường địa phương và trường ngoài công lập. Tuy nhiên, TS không cần nôn nóng, quan trọng là tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng để có quyết định cuối cùng thật chính xác.
Riêng với các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Nghĩa cho biết tới 80% ngành học của ĐH này có điểm chuẩn từ 17 – 18. ĐH này đã tuyển trên 70% chỉ tiêu cho nguyện vọng 1. Một số trường thành viên có xét tuyển nguyện vọng chuyển ngành như: Bách khoa, Kinh tế – Luật, Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn. TS không trúng tuyển nguyện vọng 1 có thể xét tuyển vào các ngành khác còn chỉ tiêu trong trường đó. Việc xét tuyển này khác nhau tùy trường, ví dụ Trường ĐH Bách khoa TS đăng ký ngay trong ngày làm thủ tục dự thi trong khi các trường khác công bố xét tuyển nguyện vọng này sau khi có điểm thi. Vì vậy, chỉ tiêu dành cho xét tuyển bổ sung của ĐH Quốc gia TP.HCM là rất thấp.
Tương tự, tuy Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng xét tuyển khối A ngành kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật cơ sở hạ tầng (15 điểm) tại cơ sở TP.HCM và kỹ thuật xây dựng (14 điểm) tại cơ sở Đà Lạt dành cho TS có hộ khẩu tại 5 tỉnh Tây nguyên nhưng cũng chỉ khoảng 180 chỉ tiêu. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chỉ xét tuyển 365 chỉ tiêu bậc CĐ các ngành: điều khiển tàu biển, vận hành khai thác máy tàu thủy, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, khai thác vận tải.
Cơ hội nào cho thí sinh điểm cao?
Do đăng ký nguyện vọng ngay trước khi thi nên có tình trạng nhiều TS điểm rất cao vẫn chưa trúng tuyển vì đăng ký vào những ngành/trường tốp trên. Trong khi đó, có những người chỉ cần đạt mức tối thiểu 13 – 14 điểm/3 môn là đã có một vị trí trong trường ĐH.
Vì thế mới có tình trạng TS đạt 24,5 điểm khối B nhưng vẫn rớt. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng đây là mức điểm rất cao với trên 8 điểm/môn. Nếu mong muốn tiếp tục xét tuyển vào ngành y đa khoa, cơ hội trúng tuyển rất thấp vì ngoài ĐH Y Dược TP.HCM, thì Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đều không xét tuyển. Tuy nhiên, TS có thể tìm hiểu cơ hội ở những trường ngoài công lập có ngành tương tự. Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho rằng TS cũng có thể xét tuyển vào những ngành khác cùng khối thi.
Ở khối ngành sư phạm, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện xét tuyển cho 10 ngành học với mức điểm từ 15 – 16 (không nhân hệ số) và 20 – 26 (nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ). Trường ĐH Sài Gòn cũng xét tuyển đến 11 ngành sư phạm bậc CĐ với điểm nhận hồ sơ từ 12 trở lên (chưa nhân hệ số) cho tất cả các khối.
TS thi vào các khối ngành như kiến trúc, mỹ thuật… đường vào các trường công còn hẹp hơn nên cơ hội, nhìn chung cũng tập trung vào các trường ngoài công lập. Nếu Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp chỉ có gần 100 chỉ tiêu bổ sung thì các trường như: Hoa Sen, Văn Lang, Hồng Bàng, Công nghệ, Duy Tân… vẫn còn nhiều cơ hội cho các TS thi các khối ngành này.
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/