Ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến xã hội về Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia.
Kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố các phương án đổi mới kỳ thi quan trọng này, có rất nhiều học giả, nhà giáo và người dân bày tỏ ý kiến, quan điểm đóng góp khác nhau.
Đứng ở góc độ một nhà quản lý, nhà giáo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Đặng Quốc Bảo (ảnh), nguyên Hiệu trưởng Học Viện Quản lý giáo dục cho rằng, việc Bộ GD-ĐT lấy ý kiến xã hội đóng góp cho Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để đi đến lựa chọn phương án khả thi nhất đã thể hiện việc làm thận trọng của ngành khi quyết định thay đổi kỳ thi quốc gia này.
Yếu tố quan trọng nhất của sự đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chính là kết quả kỳ thi sẽ được các trường lấy để xét tuyển thí sinh vào trường. Tuy nhiên, việc làm này cần phải rất thận trọng vì kỳ thi tốt nghiệp THPT có những yêu cầu khác với kỳ thi ĐH, CĐ. Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá kiến thức trung bình có thể đạt được của học sinh thì kỳ thi tốt nghiệp ĐH, CĐ lại mang tính chất sàng lọc, chọn lựa thí sinh ưu tú nhất vào trường.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo bày tỏ lo ngại về kết quả của kỳ tốt nghiệp THPT với tỷ lệ đỗ cao 99-100% chưa thực sự đủ tin cậy để các trường ĐH, CĐ lấy đó làm căn cứ thực hiện công tác tuyển sinh.
Hơn nữa, nhiều trường ĐH, CĐ có tính chất đặc thù về nghệ thuật, thể dục thể theo hoặc những trường tốp trên (trường có uy tín, chất lượng cao) không thể chỉ dựa kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh vào trường được mà vẫn phải tổ chức thêm 1 đợt thi nữa như: phỏng vấn, kiểm tra chỉ số thông minh, viết luận, thi môn Năng khiếu để sàng lọc thí sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia không thể thiếu những môn bắt buộc
Bạn đồng ý theo phương án thi nào trong số 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia do Bộ GD – ĐT vừa mới công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 – 2014? | ||||||||
|
||||||||
Trong các phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi ra theo bài với phương pháp tổng hợp, tích hợp các môn thi được dư luận rất quan tâm vì đây là sự thay đổi căn bản của Bộ GD-ĐT nhằm thay đổi cách giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá ở cấp THPT với đòi hỏi học sinh có kiến thức toàn diện và năng lực tư duy, sáng tạo.
Tuy nhiên, cách thay đổi này lại chưa được ứng dụng rộng rãi và còn hạn chế ở nhiều địa phương, trường học. Vì vậy, trong năm 2015 vẫn thi tốt nghiệp THPT theo những môn Bộ GD-ĐT quy định. Còn phương án 2 và 3 (thi theo bài gồm nhiều môn) chỉ thực hiện khi việc giảng dạy, học tập và thi cử theo hình thức tích hợp, tổng hợp được giáo viên và học sinh làm quen, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Băn khoăn về việc chọn lựa các môn để thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng, nếu như việc chọn lựa môn theo hình thức tùy chọn như kỳ thi năm 2014 thì sẽ rất ít học sinh thi Lịch sử. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì nếu ít học sinh chọn thi Lịch sử thì cũng đồng nghĩa với việc ít người biết về lịch sử dân tộc và chủ quyền quốc gia trong khi tình hình thế giới lại có nhiều biến động.
Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải gồm những môn bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử.
Để thực hiện thành công đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác ra đề có vai trò hết sức quan trọng. Trong những năm đầu khi thực hiện đổi mới, Bộ GD-ĐT nên tổ chức ra đề thi, còn về lâu dài thì Bộ không nên kiêm nhiệm công việc này. Bộ có thể giao thí điểm cho một số Sở GD-ĐT có đủ năng lực, điều kiện tin cậy để tổ chức ra đề thi.
Nhiệm vụ chính của Bộ GD-ĐT thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với việc tổ chức ra đề thi ở các địa phương. Nơi nào làm sai thì Bộ phải có hình thức xử lý nghiêm khắc, quyết liệt thì kỳ thi mới đủ tin cậy.
Dự thảo 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: Phương án 1: Thi theo môn Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn; Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí; Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định. Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW. Phương án 2: Thi theo bài Trong Kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: – Bài thi Toán; – Bài thi Ngữ văn; – Bài thi Ngoại ngữ; – Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học); – Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí); Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Phương án 3: Thi theo bài Trong Kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: – Bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học); – Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); – Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); – Bài thi Ngoại ngữ; Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên. |
Nguồn: http://dantri.com.vn/