Lớp học đầu tiên đã được khai giảng vào tháng 5/1960 tại Trường Trung cấp Nông nghiệp thị trấn Văn Điển, cách Trung tâm Thành phố Hà Nội 9 km. Đối tượng đào tạo là uỷ viên thường vụ các huyện, tỉnh, thành phía Bắc và một số cán bộ các ngành; thời gian đào tạo 2,5 tháng với các nội dung về quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, công tác vận động quần chúng và phương pháp lề lối làm việc của cán bộ Hội. Sau thành công của khoá học này, để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ cho miền núi, một bộ phận cán bộ giáo viên đã lên Tây Bắc mở lớp cho 100 cán bộ phụ nữ thuộc dân tộc ít người.
Tháng 4/1962, khoá học dài hạn đầu tiên được khai giảng tại trụ sở chính của trường tại xã Yên Lãng, huyện Từ liêm, Hà Nội (nay là số 68 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội). Từ năm 1960 đến cuối 1964, Trường đã tổ chức được 4 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho 600 học viên, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho phong trào phụ nữ, đặt nền tảng cho sự nghiệp phát triển của Trường trong những năm tiếp theo. Năm 1964, Trường Phụ vận Trung ương được đổi tên thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.
Năm 1965, chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương sơ tán về các vùng an toàn ở Hưng Yên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Tây…tổ chức mở lớp đào tạo cán bộ tại chỗ cho các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Việt Bắc, Tây Bắc và vùng núi khu IV cũ. Mặc dù chiến tranh ác liệt, vừa sơ tán, vừa thực hiện nhiệm vụ, nhà Trường vẫn tổ chức 13 khoá học, đào tạo được 1826 cán bộ cho các địa phương ở phía Bắc, đáp ứng yêu cầu cán bộ trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh.
Song song với công tác đào tạo cán bộ phụ nữ ở miền Bắc, thực hiện chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn của cách mạng, ngày 8/3/1969 Ban thường vụ Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập Trường Lê Thị Riêng tại căn cứ Tây Ninh nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn cho cán bộ tại căn cứ kháng chiến miền Nam.
Tháng 1/1973, từ nơi sơ tán trở về Hà Nội, Trường Cán bộ Phụ nữ TW nhanh chóng ổn định mọi mặt,bắt tay xây dựng chương trình, giáo trình, chuẩn bị điều kiện tổ chức các lớp đào tạo cán bộ Hội hai miền Nam-Bắc và thực hiện nhiệm vụ đào tạo quốc tế cho cán bộ Hội nước bạn Lào.
Ngày1/5/1979,Ban Tuyên huấn TW công nhận Trường được đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị theo hệ thống các Trường Đảng.Từ năm 1975 đến năm 1985, Trường đã tổ chức được 11 khoá học dài hạn, đào tạo được 2861 học viên.
Từ năm 1986 đến 1990, Trường đã tổ chức khoá đào tạo Trung cấp lý luận và nghiệp vụ phụ vận cho 176 học viên; 4 khoá đào tạo sơ cấp cho 507 cán bộ chủ chốt và chuyên trách công tác Hội các tỉnh thành; tập huấn cho 58 cán bộ chủ chốt Hội LHPN cấp tỉnh/thành phía Bắc.
Từ năm 1990-1995, trường tổ chức được 20 khoá học với 2300 học viên; kết hợp cùng các tỉnh thành và đơn vị trực thuộc tổ chức các khoá bồi dưỡng tại cơ sở cho 9.507 học viên
Từ năm 1996-2000, ngoài việc tổ chức các khoá đào tạo trung cấp, sơ cấp tại Trường, Trường đã bắt đầu liên kết với Hội phụ nữ và trường chính trị tỉnh tổ chức các lớp đào tạo tại địa phương; liên kết với một số trường đại học tổ chức các khóa đào tạo cử nhân xã hội học và khoa học quản lý.
Sau một chặng đường dài đổi mới và phát triển, Trường ngày một lớn mạnh và hội tụđiều kiện nâng cấp hoạt động theo hướng chuyên môn chính quynhằm đáp ứng nhiệm vụ đào tạo trong thời kỳ mới. Sự kiện thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam (18/10/2012) là một dấu ấn lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của Trường Cán bộ phụ nữ TW.
Ngay khi có quyết định thành lập, Học viện đã khẩn trương xây dựng đề án 2 mã ngành đào tạo đại học ngành Quản trị kinh doanh và Công tác xã hội. Năm 2013, đã đăng ký, tuyển sinh và khai giảng khóa đào tạo cử nhân đầu tiên của 2 ngành. Đến nay đã tuyển sinh 2 khóa đào tạo cử nhân và đang tiếp tục xây dựng mã ngành Luật và Giới và phát triển, thực hiện các yêu cầu để chuẩn bị mở thêm 2 mã ngành mới.
Song song với đào tạo đại học, Học viện vẫn tiếp túc đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp cho cán bộ Hội, cán bộ nữ: tiếp tục triển khai đào tạo 2 chương trình trung cấp về Công tác xã hội và Lý luận chính trị hành chính cho cán bộ Hội cấp xã nhằm đạt chuẩn chức danh.
Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng cán bộ Hội, cán bộ nữ được Học viện đặc biệt quan tâm. Phát huy kết quả đã đạt được trong triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt các cấp Hội giai đoạn 2008-2012, dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện đã xây dựng thành công, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai. Đề án Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp giai đoạn 2013-2017. Hiện tại, Học viện đã xây dựng 10 chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ Hội các cấp theo chức danh và vị trí việc làm, trong đó có 4 chương trình bồi dưỡng theo vị trí công việc của các Ban: Tuyên giáo, Gia đình- xã hội, Chính sách luật pháp và Dân tộc- Tôn giáo cho cán bộ cấp TW và tỉnh/thành. Đồng thời một số chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông tin khác cho phụ nữ và cán bộ Hội như: kỹ năng quản lý lãnh đạo, khởi sự kinh doanh, dịch vụ chăm sóc gia đình, công tác xã hội, giới, tài chính vi mô… cũng đã được Học viện xây dựng và triển khai.
Từ năm 2010 đến nay, Học viện đã tổ chức được 47 lớp trung cấp chuyên ngành công tác xã hội và 3 lớp trung cấp lý luận Chính trị hành chính cho 2745 cán bộ Hội và cán bộ nguồn của Hội LHPN các cấp;tổ chức được 96 lớp sơ cấp với 5515 cán bộ Hội và 103 lớp bồi dưỡng cho 3983 cán bộ Hội, cán bộ nữ.
Như vậy năm mươi lăm năm qua, Học viện đã tổ chức được 729 khóa đào tạo, bồi dưỡng với 46789 học viên được đào tạo các chương trình dài hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn chuyên đề; Trường liên kết với 45 tỉnh/thành trong cả nước để tổ chức 97 khoá trung cấp các loại (Trung cấp lý luận và nghiệp vụ phụ vận, trung cấp Lý luận chính trị, trung cấp ngành Công tác phụ nữ, trung cấp ngành Công tác xã hội chuyên ngành Công tác phụ nữ) với 6671 học viên; Liên kết với các trường đại học tổ chức 8 khoá đào tạo 938 cử nhân xã hội học và khoa học quản lý; Tổ chức đào tao 8 lớp cử nhân chuyên ngành công tác xã hội và quản trị kinh doanh với 525 sinh viên. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức 10 khoá đào tạo 3 tháng cho 257 cán bộ chủ chốt Hội LHPN Lào; 6 khóa ngắn hạn cho 219 cán bộ nữ Campuchia.
Cùng với xu thế phát triển và hội nhậpquốc tế, Học viện Phụ nữ đangtriển khai xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ và các hình thức đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Học viện trở thành một cơ sở giáo dục đại học đạt đẳng cấp khu vực về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong một số ngành đặc thù. Quy mô đào tạo đến năm 2020 đạt 3.500 sinh viên và mỗi năm có khoảng 2000 lượt cán bộ Hội, cán bộ nữ được bồi dưỡng. Bên cạnh đó, phát triển Phân hiệu của Học viện tại TP Hồ Chí Minh trở thành một cơ sở đào tạo đại học được cấp phép trực thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Với sứ mệnh là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng có uy tín cho đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ nữ và góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước cũng như thực hiện các hoạt động khoa học để tham mưu cho Đảng, nhà nước và Hội LHPN Việt Nam về các chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang xây dựng các giá trị cốt lõi: Đoàn kết – Tận tâm – Sáng tạo – Hiệu quả; để tạo ra những điều kiện cho sự phát triển nhanh, vững chắc và phù hợp với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.