Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, thành phần đoàn làm việc gồm có TS. Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội và các đại diện Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Tổ chức cán bộ của Sở. Học viện Phụ nữ Việt Nam có Giám đốc Học viện – TS. Trần Quang Tiến; Phó Giám đốc Học viện – ThS. Hà Thị Thanh Vân, đại diện Phòng Đào tạo, phòng Tổ chức – Hành chính và đại diện Bộ môn Giới và phát triển, Bộ môn Luật.
Mở đầu hội nghị, TS. Trần Quang Tiến báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị và các điều kiện về phía đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo hai mã ngành mới. Hai bộ môn đã hoàn thành thành công các hội nghị thẩm định chương trình đào tạo và báo cáo luận cứ khoa học về mở mã ngành Giới và phát triển.
Tiến sĩ Trần Quang Tiến khẳng định việc mở thêm hai mã ngành Luật, Giới và phát triển là phù hợp với nhiệm vụ và chức năng của Học viện Phụ nữ Việt Nam, giúp Học viện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đã được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao cho. Hai mã ngành mới vừa thể hiện tính đặc thù của Học viện vừa góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, thamgia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước, phấn đấu vì bình đẳng giới.
Sau khi kiểm tra, đoàn làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội khẳng định Học viện Phụ nữ Việt Nam có đầy đủ hệ thống phòng học, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy; phòng máy tính, thư viện, tài liệu giáo trình được sắp xếp khoa học, đúng số liệu thực tế phục vụ đào tạo hai mã ngành Luật, Giới và phát triển. Ngoài ra Học viện cũng đã được trang bị đầy đủ phòng học ngoại ngữ, phòng máy tính hiện đại nhằm phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu cho sinh viên.
Số lượng giảng viên cơ hữu của Học viện tham gia giảng dạy đối với ngành Giới và phát triển là 41 giảng viên trong đó có 10 tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh và 27 thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của ngành Luật là 43 giảng viên trong đó có 7 tiến sĩ, 4 nghiên cứu sinh, 30 thạc sĩ và 2 cử nhân đang học cao học. Số lượng cơ hữu của học viện đảm nhận được hơn 70% các học phần thuộc hai chương trình Luật, Giới và phát triển.
Qua kiểm tra đối chiếu hồ sơ và danh mục, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hà Nội nhất trí xác nhận năng lực đào tạo thực tế của Học viện Phụ nữ Việt Nam về đội ngũ giảng viên, phòng học giảng đường, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy, thư viện giáo trình, sách, tài liệu tham khảo trong danh mục theo mẫu quy định tại Phụ lục III – Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với những điều kiện này, hy vọng mùa tuyển sinh năm 2015 – Học viện Phụ nữ sẽ có những lớp sinh viên tham gia đào tạo về Giới và Phát triển và Luật- hai mã ngành nhiều tiềm năng và cơ hội việc làm của Học viện.