Theo quy chế, đối tượng được miễn thi cả 4 môn thi trong xét tốt nghiệp THPT là người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Để được miễn thi, các đối tượng này phải đáp ứng được điều kiện của quy chế đưa ra. Cụ thể, đối với người khuyết tật học theo chương trình giáo dục chung thì yêu cầu học hết chương trình THPT; đủ điều kiện dự thi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế thi THPT quốc gia;Có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với người khuyết tật không đáp ứng được chương trình giáo dục chung thì phải được Hiệu trưởng trường phổ thông nơi đăng ký học tập xác nhận kết quả thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân từng năm ở cấp THPT; Có giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với người hoạt động kháng chiến, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì yêu cầu phải học hết chương trình THPT; đủ điều kiện dự thi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy chế thi THPT quốc gia. Có giấy xác nhận bị nhiễm chất độc hóa học và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Hai trường hợp được đặc các tốt nghiệp THPT
Người học nếu đủ điều kiện dự thi được xét đặc cách tốt nghiệp THPT trong hai trường hợp sau: Một là, bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Đối tượng này phải xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên.
Hồ sơ để xét đặc cách bao gồm: Hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp (nếu bị tai nạn, bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt); Biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp của trường phổ thông nơi đăng ký dự thi.
Hai là, bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại. Đối tượng này phải có điểm bài thi của những môn đã thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt từ 5,0 trở lên; Xếp loại ở lớp 12: học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên.
Hồ sơ để xét đặc cách bao gồm: Đơn đề nghị xét đặc cách của thí sinh; Hồ sơ nhập viện, ra viện của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (nếu bị tai nạn, bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt).
Theo quy chế, chậm nhất 07 ngày sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi, thí sinh phải nộp hồ sơ đặc cách cho Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi. Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi chịu trách nhiệm thu nhận và chuyển giao hồ sơ đặc cách cho sở GD-ĐT.
Đối tượng được miễn thi tất cả các môn
Quy chế thi THPT quốc gia cũng đưa ra hai đối tượng được miến thi tất cả các môn. Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh vừa được xét công nhận tốt nghiệp vừa được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ.
Hai đối tượng này bao gồm: Người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hoá được miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia nếu đáp ứng các điều kiện sau: Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên; Có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD-ĐT.
Người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ được miễn thi tất cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia nếu đáp ứng các điều kiện sau: Được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12; Xếp loại cả năm lớp 12: hạnh kiểm và học lực từ loại trung bình trở lên; Có tên trong công văn đề nghị miễn thi và xác nhận tham dự tập huấn và dự thi đúng quy định của cơ quan tuyển chọn gửi đến sở GD-ĐT trước ngày thi THPT quốc gia.