Luật Thủ đô bao gồm 04 chương, 27 điều.

Chương I- Những qui định chung: gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) qui định về phạm vi điều chỉnh; vị trí, vai trò của Thủ đô; giải thích từ ngữ; trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước; biểu tượng của Thủ đô; danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

Chương II- Chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô: gồm 14 Điều (từ Điều 8 đến Điều 12) qui định về các chính sách, cơ chế đặc thù trong các lĩnh vực nhau qui hoạch; không gian, kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng Thủ đô; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường; quản lý đất đai; phát triển và quản lý nhà ở; phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật; phát triển, quản lý giao thông vận tải; quản lý dân cư; bảo vệ Thủ đô và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; chính sách, cơ chế về tài chính.

                 Chương III- Trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô: gồm 05 Điều (từ Điều 22 đến Điều 25) qui định trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan, tổ chức và người dân Thủ đô trong việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô trong việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.

            Chương IV- Điều khoản thi hành: gồm 02 Điều (Điều 26 và Điều 27) qui định về hiệu lực thi hành; qui định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.

Với những mục tiêu đã đề ra, Luật Thủ đô đã tạo một cơ sở pháp lý quan trọng với các cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô tương xứng với vị thế của mình, nhằm khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để phát triển Thủ đô xứng đáng là “trái tim của cả nước”, đầu não về chính trị hành chính quốc gia, một trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế… lớn của cả nước. Luật cũng hướng đến giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quá trình phát triển của Thủ đô như áp lực dân số, ô nhiễm môi trường, bất cập về qui hoạch đô thị; nạn ách tắc giao thông; sự xuống cấp của cảnh quan đô thị; tình trạng tăng dân cư tự phát ở khu vực nội thành. Đồng thời, nâng cao hiệu lực thực thi của các chế định về Thủ đô.

Về sự khác biệt cơ bản của Luật Thủ đô so với các Luật hiện hành: Trên nguyên tắc, Hà Nội nói riêng và các tỉnh/thành trong cả nước đều áp dụng hệ thống pháp luật Việt Nam. Luật Thủ đô chỉ qui định một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô- đơn vị hành chính đặc biệt, duy nhất của cả nước, còn những vấn đề Luật không qui định thì Hà Nội vẫn phải thực hiện qui định chung của hệ thống pháp luật giống như các tỉnh/thành khác.

Luật Thủ đô khác với Luật hiện hành ở những đặc điểm:

Một là, đây là sự bổ khuyết cho những qui định của pháp luật đang tồn tại nhưng chưa thực sự phù hợp với Thủ đô mà cần phải được nâng cấp lên. Ví dụ, qui định về mức tiền phạt ở nội thành cao hơn nhưng không quá 02 lần trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, văn hóa là việc bổ khuyết qui định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào Luật Thủ đô, qua đó cho phép Hà Nội áp dụng mức tiền phạt cao hơn- đây chỉ là qui định để nâng mức phạt tiền cao hơn so với qui định chung của Luật Xử lý vi phạm hành chính để áp dụng cho một địa bàn đặc biệt.

Hai là, đây là sự bổ sung cần thiết, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với đối tượng áp dụng chung và áp dụng riêng, trong điều kiện hệ thống pháp luật mới chỉ qui định những vấn đề mang tính phổ biến mà chưa tính đến đặc thù quản lý ở Thủ đô.

Ba là, nâng thẩm quyền quyết định một số vấn đề lên cấp cao hơn; qui định bổ sung thẩm quyền quyết định một số vấn đề mới (đặc thù); phân cấp cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Để triển khai thực hiện Luật Thủ đô, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành 11 Nghị quyết và 02 Quyết định. Trong đó, có 02 Nghị quyết mà sinh viên cần biết:

Nghị quyết số 11 về diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng kí thường trú ở nội thành thành phố Hà Nội đến hết năm 2015 tối thiểu là 15m2 sàn/đầu người.

Nghị quyết số 14 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô áp dụng đối với sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, tiến sỹ, bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp II, chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành… Chính sách đối với sinh viên: Được tiếp nhận hoặc xét đặc cách thông qua thi tuyển; Được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần = 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng; Sau 02 năm công tác được ưu tiên cử đi đào tạo sau Đại học; Được cung cấp thông tin liên quan công trình, đề án và hỗ trợ kinh phí phục vụ nghiên cứu; Được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu.

(Theo Tài liệu Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội- Công an thành phố Hà Nội)