Mục tiêu, phạm vi, phương pháp và cỡ mẫu

Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu thực trạng và nhu cầu đào tạo NNLNCLC ở Miền Bắc Việt Nam làm cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch chiến lược đào tạo NNLNCLC, phát huy tốt tiềm năng của họ, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của xã hội, đảm bảo công bằng giới và nâng cao quyền năng phụ nữ.

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 4/2016. Nghiên cứu thực địa được thực hiện tại 05 tỉnh, thành của Miền Bắc Việt Nam bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu này chủ yếu sử dụng kết hợp giữa phương pháp định lượng và định tính với các phương pháp cụ thể như sau: Phỏng vấn bảng hỏi, phỏng vấn sâu, tọa đàm nhóm, tổng hợp, phân tích đánh giá tài liệu thứ cấp, các văn bản quy phạm pháp luật.

Cỡ mẫu: Số lượng mẫu định lượng, định tính đã triển khai thực hiện và thu được như sau:

o   Phỏng vấn bảng hỏi: 1.003 phiếu, trong đó: 500 bảng hỏi đối với lao động nữ đang làm việc trong doanh nghiệp; 503 bảng hỏi đối với lao động nữ tại các địa phương khảo sát (làm ngoài doanh nghiệp); độ tuổi chung từ 16-46.

o   Phỏng vấn sâu (PVS): 35 trường hợp, bao gồm: 9 PVS lãnh đạo doanh nghiệp; 5 PVS lao động nữ địa phương; 9 PVS lao động trong doanh nghiệp; 4 PVS giảng viên cơ sở đào tạo nghề; 4 PVS học viên cơ sở đào tạo nghề.

o   Phỏng vấn nhanh: 16 trường hợp, bao gồm: 7 phỏng vấn nhanh chủ tịch Hội LHPN xã; 9 phỏng vấn nhanh lãnh đạo UBND xã.

o   Tọa đàm: 05 cuộc với nhóm chính quyền địa phương của 05 tỉnh

o   Nghiên cứu trường hợp (case study): 03 trường hợp.

Học viện Phụ nữ Việt Nam làm việc với Đại học Chung – Ang về việc triển khai các nội dung của dự án 

Một số kết quả nghiên cứu chính

v Thực trạng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao tại địa bàn khảo sát

Kết quả định lượng cho thấy, độ tuổi trung bình của lao động nữ là 32. Trong đó, độ tuổi trung bình của nhóm lao động địa phương là 36 và nhóm lao động trong doanh nghiệp là 28. Hơn một nửa số lao động nữ đã tốt nghiệp PTTH, chiếm 62.9%; Trong nhóm đã tốt nghiệp PTTH thì lao động nữ trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn so với lao động nữ nông thôn: 73% so với 52.8%. Lao động nữ đã tốt nghiệp PTTH chủ yếu ở độ tuổi từ 21-25 và 26-30.

Nữ công nhân nhà máy Mobase – Bắc Ninh trả lời bảng hỏi khảo sát của dự án

Về trình độ chuyên môn, một số lượng tương đối lao động nữ cho rằng họ đã được đào tạo, tập huấn sơ qua một nghề nào đó, chiếm 28.6%; Số có trình độ sơ cấp chiếm 11.4%, trung cấp chiếm 11.1%, cao đẳng 7.4% và đại học là 7.5%; Số lượng lao động nữ không hoặc chưa được đào tạo (có chứng chỉ bằng cấp được công nhận) chiếm 29,7%; So với số liệu lao động việc làm trong Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2015 thì số lao động nữ không hoặc chưa qua đào tạo ở đây so với cả nước là khá thấp.

Đa phần lao động nữ cho rằng sức khỏe của mình đang ở mức trung bình và tốt. Số lao động nữ trong doanh nghiệp cho rằng mình có sức khỏe tốt cao hơn so với nhóm lao động nữ địa phương: 51.3% so với 36.3%.

Thu nhập được coi là yếu tố then chốt trong vấn đề lựa chọn nghề của lao động nữ trong doanh nghiệp; trong khi đó, lý do lựa chọn nghề chủ yếu của lao động nữ địa phương là để phù hợp với điều kiện gia đình. Điều này phản ánh thực tế rằng lao động nữ địa phương vẫn là người mang nặng nỗi lo toan chăm sóc gia đình, con cái.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đa số lao động nữ địa phương là nhóm việc làm không có hợp đồng lao động 68.5%; không đi làm chiếm tỷ lệ là 10.4%; Và nhóm việc làm có hợp đồng lao động chỉ chiếm 21.1%, song cũng chỉ có một phần trong nhóm việc làm này thực hiện ký hợp đồng lao động.

Lao động nữ trong doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ 19.4%. Đây là một tỷ lệ nhỏ so với các nhóm ký hợp đồng ở các mức độ khác nhau chiếm đa số còn lại. So với tỷ lệ chung của cả nước với con số đã nêu ở trên thì tỷ lệ lao động nữ trong doanh nghiệp không có hợp đồng lao động là thấp hơn khá nhiều, ít hơn một nửa. Song vẫn đây là vấn đề mà ít nhiều vẫn cần có sự quan tâm nhất định. Chiếm nhóm tỷ lệ cao là hợp đồng không xác định thời hạn 43.1%, sau đó là hợp đồng có thời hạn chiếm 36.5%. Đa số lao động nữ trong doanh nghiệp được đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, chiếm 79%.

Xét ở mức độ tự đánh giá, lao động nữ trong doanh nghiệp đánh giá bản thân mình ở mức độ khá. Các tiêu chí thể lực, tâm lực được họ tự đánh giá cao gần ở mức độ hoàn toàn đáp ứng. Người sử dụng lao động cũng đánh giá rất cao tinh thần và sự nỗ lực của lao động nữ trong doanh nghiệp. Song thiên chức làm mẹ, việc chăm sóc nuôi dạy con nhỏ là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến công việc họ,  không chỉ với riêng lao động nữ doanh nghiệp trong nghiên cứu này mà còn với tất cả chị em phụ nữ nói chung trên cả nước.

Thu nhập bình quân một tháng của lao động nữ trong nghiên cứu này là gần ba triệu đồng. Đáng lưu ý, có sự khác biệt rõ ràng trong thu nhập bình quân của lao động nữ trong doanh nghiệp so với lao động nữ địa phương. Thu nhập bình quân một tháng của lao động nữ trong doanh nghiệp cao gấp hơn 02 lần so với lao động nữ địa phương (gần 4,1 triệu so với 1,85 triệu). Trong đó, phân tích cụ thể và so sánh theo mức lương tối thiểu vùng, có kết quả sau đây:

o   Hà Nội: 95% đạt mức lương tối thiểu theo vùng I từ 3.500.000đ/tháng trở lên

o   Lạng Sơn: 81,9% đạt mức lương tối thiểu theo vùng IV từ 2.500.000đ/tháng trở lên

o   Quảng Ninh: 100% đạt mức lương tối thiểu theo vùng II từ 3.000.000đ/tháng trở lên

o   Bắc Ninh: 100% đạt mức lương tối thiểu theo vùng II từ 3.000.000/tháng trở lên

o   Ninh Bình: 50,5% đạt mức lương tối thiểu theo vùng II từ 2.950.000đ/tháng trở lên.

Lao động nữ không đánh giá cao các chế độ đãi ngộ trong doanh nghiệp. Tất cả các tiêu chí đánh giá về chế độ đãi ngộ đều không đạt được thang điểm 4 là đúng với kỳ vọng. Tiền lương, thưởng là hai tiêu chí được đánh giá ở mức điểm cao nhất là mức 3..  Các tiêu chí khác là tiền tăng ca, làm thêm, các khoản phụ cấp, phúc lợi ở thang điểm gần với 3, có thể hiểu là hơi thấp nhưng tạm chấp nhận.

Cán bộ khảo sát hướng dẫn nữ công nhân trả lời bảng hỏi tại doanh nghiệp Display Sam Sung

Phần lớn lao động nữ địa phương muốn thay đổi công việc và tìm việc làm tốt hơn trong thời gian tới (chiếm 62.8%). Tuy nhiên, đa số họ lại thấy thiếu kiến thức, thông tin về việc làm. Họ cũng nghĩ rằng mình không đủ khả năng xin việc vào các doanh nghiệp. Trung tâm giới thiệu việc làm là nơi nhiều lao động nữ địa phương mong muốn thông qua đó có thể tìm được một công việc phù hợp với bản thân. Kết quả này gợi ý rằng cần phát huy hiệu quả của các trung tâm giới thiệu việc làm trong giai đoạn hiện nay,  góp phần hỗ trợ lao động nữ địa phương tìm được công việc phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của họ. Mặt khác cần học tập thêm các mô hình trung tâm giới thiệu việc làm của các nước phát triển, đơn cử như Hàn Quốc để có được một hệ thống cung ứng và điều tiết tốt hơn cho thị trường lao động.

v Thực trạng và nhu cầu đào tạo nghề của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

o   Thực trạng đào tạo nghề của lao động nữ tại địa bàn khảo sát

So với tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo chung của cả nước (15,8%)[1], tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo của mẫu khảo sát là rất cao (65,9%), đặc biệt là lao động nữ trong doanh nghiệp đạt 73,2%. Các nghề đào tạo của lao động nữ trong doanh nghiệp được khảo sát khá tập trung theo ngành sản xuất của doanh nghiệp trong khi các nghề đào tạo của lao động nữ địa phương khá đa dạng. Tuy vậy, nhóm nghề may mặc da giày vẫn là nghề có tỷ lệ chung cao nhất của mẫu khảo sát.

Đối với lao động nữ trong doanh nghiệp, việc đào tạo trước khi tuyển dụng hầu như đã đáp ứng công việc với các lao động gián tiếp làm việc tại các phòng ban chuyên môn, nhưng với lao động nữ trực tiếp sản xuất thì ít nhiều đều cần có thời gian đào tạo nghề tại chỗ theo hình thức kèm cặp, vừa học vừa làm.

Đối với lao động nữ địa phương, nhu cầu và động cơ học nghề chưa hẳn đã gắn với nguyện vọng làm việc trong doanh nghiệp mà động cơ trước mắt là học để biết một nghề, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, làm nghề truyền thống và tự tạo việc làm ngay tại địa phương.

Kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy công tác dạy nghề tại các địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu  được các nhà quản lý nêu lên, đó là các cơ sở đào tạo, dạy nghề của địa phương chưa kết nối được với các doanh nghiệp. Trên thực tế, sự kết nối cung – cầu nguồn lao động chất lượng cao là tất yếu để nắm bắt và đón đầu nhu cầu tuyển dụng và đảm bảo đào tạo và cung ứng nguồn lực lao động đúng địa chỉ, đúng yêu cầu nhưng thực tế sự kết nối này khá lỏng lẻo; cả hai phía còn thiếu chủ động xây dựng mối liên kết này. Bên cạnh đó, hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm, cho phụ nữ nói chung chưa cao.

Sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các cơ sở dạy nghề, giao sản phẩm cho học viên vừa thực hành nâng cao tay nghề vừa tạo ra sản phẩm tiêu thụ là sáng kiến tốt giúp cho các cơ sở dạy nghề nâng cao hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xu hướng liên thông để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng chuẩn bằng cấp cho học viên là xu hướng phổ biến và cũng là tất yếu của các cơ sở dạy nghề trong bối cảnh nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi bằng cấp chứ không chỉ tay nghề thực tế.

Lao động nữ tại địa phương

o   Nhu cầu đào tạo của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

Nhu cầu đào tạo nghề của lao động nữ nói chung tương đối cao. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 62,4% người có nhu cầu được đào tạo nghề. Lao động nữ địa phương có nhu cầu đào tạo cao hơn lao động nữ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu học nghề của lao động trong doanh nghiệp là để nâng cao trình độ chuyên môn đã được đào tạo trong khi đó lao động nữ địa phương có nhu cầu chủ yếu vì trước đây chưa được đào tạo.

Với nhu cầu của lao động nữ nói chung, nghề được lựa chọn nhiều nhất là nhóm nghề sản xuất, chế biến sợi, vải, giày da, may mặc (36,9%); Xếp thứ hai là nghề nông, lâm nghiệp và thủy sản (12,5%), tiếp theo đó là nghề chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống (11,5%). Với nhu cầu học nhóm nghề sản xuất, chế biến sợi, vải, giày da, may mặc, lao động nữ trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn với 50,7% so với 25,1% của lao động nữ địa phương.

Những ngành nghề có tỷ lệ thấp hơn, có sự khác nhau trong nhu cầu giữa hai nhóm lao động. Lao động nữ địa phương thiên nhiều hơn với mong muốn học nhóm nghề sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống; nghề kinh doanh và nghề mỹ thuật ứng dụng (bao gồm cả nghề thủ công). Trong khi đó, lao động nữ trong doanh nghiệp có xu hướng muốn học nghề máy tính và công nghệ thông tin và nghề kinh doanh. Đây đều là những ngành nghề hấp dẫn, nhiều người lựa chọn để đáp ứng thị trường lao động nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay

Bên cạnh đó, lao động nữ ở cả hai nhóm đối tượng có xu hướng quan tâm đến các ngành nghề như nghề kinh doanh; nghề máy tính và công nghệ thông tin; nghề chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống; nghề nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Đa số lao động nữ có mong muốn về thời gian học đối với những nghề có nhu cầu đào tạo là từ 1-3 tháng hoặc từ 3-6 tháng. Nhóm này chiếm phần đông bởi những phụ nữ đã có gia đình. Với nhóm ít hơn, có nhu cầu đào tạo dài hơn từ 1 năm trở lên, đa số họ ở lứa tuổi trẻ từ 21-25 tuổi & đa phần chưa kết hôn.

Về hình thức đào tạo, lao động nữ địa phương muốn học ngay tại nơi mình sinh sống để thuận tiện cho công việc và cuộc sống. Lao động nữ trong doanh nghiệp muốn được đào tạo nghề theo hình thức vừa học vừa làm.

Trung tâm dạy nghề được lao động nữ địa phương lựa chọn là nơi họ sẽ theo học nếu có điều kiện được học nghề. Còn lao động nữ trong doanh nghiệp muốn được chính những người trong xí nghiệp, nhà máy hướng dẫn, kèm cặp.

Kỹ năng giao tiếp ứng xử được lao động nữ lựa chọn mong muốn bồi dưỡng thêm nhiều nhất. Kỹ năng nuôi dạy con theo độ tuổi và kỹ năng tổ chức cuộc sống cũng là những kỹ năng lao động nữ thấy cần phải nâng cao. Nhóm lao động nữ trong doanh nghiệp có nhu cầu học kỹ năng sống nhiều hơn nhóm lao động nữ địa phương khi có tỷ lệ chọn luôn cao hơn. Cả hai nhóm lao động đều mong muốn được hỗ trợ hoàn toàn khi tham gia đào tạo.

Một số bàn luận & đề xuất từ kết quả nghiên cứu

o   Quan điểm thực tế về nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

Qua thực tế nghiên cứu có thể thấy quan điểm thực tế về nguồn nhân lực nữ chất lượng cao khá phong phú, đa dạng. Song về cơ bản, các quan điểm đều đề cập tới những tiêu chuẩn chung là: cần có các yếu tố về sức khỏe, về hiểu biết, về tinh thần trách nhiệm, về kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Với yêu cầu ngày càng cao hơn trong các doanh nghiệp, lao động nữ chất lượng cao còn cần phải có trình độ học vấn cấp III và thậm chí là tốt nghiệp đại học, có tác phong làm việc công nghiệp và các kỹ năng mềm. Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, lao động nữ chất lượng cao ngoài kiến thức và kỹ năng có được còn cần phải có hiểu biết và nhận thức rộng hơn về thế giới liên quan đến công viêc và khả năng lao động sản xuất của mình.

Có thể khẳng định, về cơ bản quan điểm thực tế về NNLNCLC nói chung là phù hợp với quan điểm của nhóm nghiên cứu đã đưa ra trước đó. Chúng tôi cũng mong muốn rằng, từ lý thuyết tới thực tiễn, quan điểm này sẽ được xây dựng phù hợp theo đặc thù của mỗi ngành nghề, loại hình công việc và yêu cầu của thực tế cần có.

o   Về vấn đề đào tạo chất lượng cao

Cần thiết lập các mô hình liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, dạy nghề cho học viên theo hình thức vừa học vừa làm theo giai đoạn: tháng đầu học viên hoàn toàn học nghề, tháng thứ hai vừa học vừa thực hành và có thể đảm nhiệm những thao tác đơn giản trong chuỗi dây chuyền, tháng  thứ ba và sau đó có thể vừa học vừa đảm nhiệm được thao tác phức tạp hơn và tiến đến có thể làm việc như một lao động độc lập.

Trong nội dung chương trình đào tạo nghề cần tăng cường thời lượng thực hành, tạo nhiều hơn cơ hội thực hành nghề và tham quan thực tế nhiều hơn. Nhà trường đưa nội dung bồi dưỡng các kỹ năng trong công việc vào chương trình đào tạo để học viên có cơ hội được phát triển các kỹ năng như làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, truyền đạt thông tin…

Cần tăng cường các khóa đào tạo kỹ năng theo hai nhóm kỹ năng bổ trợ cho công việc và kỹ năng sống tại các cơ sở dạy nghề và trong doanh nghiệp. Với kỹ năng bổ trợ cho công việc tập trung đào tạo kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý, điều hành. Còn kỹ năng sống tập trung đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử và kỹ năng nuôi dạy con theo độ tuổi.

Đối với lao động nữ địa phương, có chiến lược đào tạo theo ngành nghề, phù hợp với địa phương như nhóm nghề may mặc, nhóm nghề nông lâm ngư nghiệp và nhóm nghề chế biến lương thực thực phẩm.

Với các ngành nghề đào tạo, thời gian, hình thức, địa điểm đào tạo cần linh hoạt, phù hợp với người học và với từng nghề cụ thể. Các cơ sở dạy nghề bố trí mở lớp ngay tại địa phương để thu hút được nhiều chị em tham gia.             

o   Mô hình trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ lao động chất lượng cao

Nhà nước cũng như các địa phương cần phát huy hiệu quả của các trung tâm giới thiệu việc làm trong giai đoạn hiện nay. Làm sao để trung tâm giới thiệu việc làm là một cơ sở uy tín, có hiệu quả cao, góp phần giúp được lao động nữ địa phương tìm được công việc phù hợp với bản thân và mong muốn về thu nhập, vị trí của họ. Mặt khác học tập thêm các mô hình trung tâm giới thiệu việc làm của các nước phát triển, đơn cử như Hàn Quốc, Nhà nước sẽ có được một hệ thống cung ứng và điều tiết tốt hơn cho thị trường lao động. Trung tâm giới thiệu việc làm cần cung cấp cho người lao động một dịch vụ gói gọn từ việc: tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động; thông tin, chính sách về lao động việc làm; Tư vấn hướng nghiệp; đào tạo kỹ năng, chuyên môn mà thị trường lao động cần cho người lao động có nhu cầu; trao đổi thông tin và giới thiệu việc làm tới người lao động và người làm cho doanh nghiệp.

[1]Nguồn: Niên giám thống kê tóm tắt, Tổng cục thống kê, số liệu sơ bộ 2014.