Công tác xã hội là một ngành cơ bản đang được đào tạo tại Học viện. Với phương châm “Lấy chất lượng đầu ra làm trung tâm của sự phát triển”, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho đào tạo các lớp cử nhân ngành Công tác xã hội đầu tiên của Học viện. Chương trình đào tạo đảm bảo tính “Hiện đại – Linh hoạt – Thực tiễn – Đặc thù”. Nhà trường xác định mục tiêu chung là đào tạo nguồn cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội, có bản lĩnh, năng động, chuyên nghiệp, hội nhập, có thể tác nghiệp độc lập, hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển kinh tế – xã hội cũng như các dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng, đặc biệt có kỹ năng thực hành nghề Công tác xã hội.
Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, để đảm bảo tính Hiện đại, chương trình đào tạo cử nhân Công tác xã hội của Học viện cũng theo xu hướng hội nhập quốc tế, với chuẩn đầu ra của chương trình cử nhân là B1, trong chương trình đào tạo, Học viện để thời lượng Tiếng Anh là 21 đơn vị học trình bao gồm Tiếng Anh cơ bản và Tiếng Anh chuyên ngành. Ngoài số lượng đơn vị học trình bắt buộc trong chương trình, Học viện cũng có các hình thức hỗ trợ khác giúp sinh viên tự nâng cao trình độ Tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra cũng như yêu cầu của công việc và học tập tiếp theo sau khi ra trường.
Để đảm bảo tính Linh hoạt, chương trình đào tạo luôn được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với đặc thù của Học viện và xu thế của thời đại. Ngoài các học phần mang tính phổ biến, Học viện đưa vào giảng dạy các học phần khác như: Đạo đức ngành Công tác xã hội, Quản trị ngành Công tác xã hội… Các nội dung cơ bản cần đánh giá đối với mỗi học phần bao gồm: tính ứng dụng đối với công tác chuyên môn; sự đáp ứng yêu cầu đặt ra của các chương trình đào tạo; đánh giá từ các chuyến đi khảo sát, nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm… Trên cơ sở đó, Học viện thường xuyên rà soát để điều chỉnh những điểm bất hợp lý, bổ sung những điểm mới, từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo, phù hợp với xu thế của xã hội.
Sinh viên khoa CTXH tọa đàm với giảng viên quốc tế
Với chương trình đào tạo 4 năm, khối lượng kiến thức được thiết kế là 186 đơn vị học trình, để đảm bảo tính Thực tiễn trong chương trình đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ trương tăng thời lượng thực hành, cụ thể có chương trình kiến tập (3 đơn vị học trình), với chương trình này, sinh viên được đi kiến tập vào năm thứ 2 để có kiến thức thực tiễn ban đầu về Công tác xã hội. Ngoài ra còn có chương trình thực hành công tác xã hội 1,2,3 (12 đơn vị học trình) và thực tập tốt nghiệp (7 đơn vị học trình). Tại mỗi học phần cụ thể, thời lượng lý thuyết và thực hành, thảo luận cũng được bố trí một cách cân đối để song song với quá trình học lý thuyết, sinh viên được thực hành, thảo luận nhóm, phân tích tình huống ngay trên lớp. Tăng thời lượng thực hành là một cách thức tốt để sinh viên dễ dàng thích ứng với công việc ngay sau khi ra trường.
Sinh viên khoa CTXH tại cơ sở thực hành
Giáo dục đại học trong nước đang có những chuyển biến nhanh theo tốc độ biến đổi không ngừng của xu thế thời đại với những vận hội mới, thời cơ và thách thức mới – một mặt tạo điều kiện để các trường phát huy năng lực của mình, mặt khác, các trường sẽ phải đương đầu với cạnh tranh quyết liệt. Chính vì vậy, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã xác định xây dựng một chương trình đảm bảo những yêu cầu chung đối với đào tạo ngành Công tác xã hội, nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo tính Đặc thù. Học viện xác định, bên cạnh việc đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu chung của xã hội với những vị trí việc làm tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; các cơ quan của ngành Lao động – Thương binh – Xã hội các cấp từ trung ương đến địa phương; các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội; các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài…, Học viện đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho các tổ chức chính trị – xã hội từ cấp trung ương đến địa phương, đặc biệt tại các cơ quan trong hệ thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ trung ương tới cơ sở. Công tác xã hội là một ngành được ưu tiên đào tạo đối với cán bộ chuyên trách thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên phạm vi cả nước.
Với mục tiêu, nhiệm vụ và phương châm đó, trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào yêu cầu về nội dung đào tạo cơ bản đã được xác định, kết hợp với nhu cầu đào tạo hiện tại của xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng Chương trình đào tạo cử nhân Công tác xã hội đảm bảo mục tiêu chung và mang tính đặc thù. Ngoài những học phần bắt buộc và tự chọn thuộc phần kiến thức giáo dục đại cương, ngoài các học phần bắt buộc thuộc phần Công tác xã hội cơ bản, trong phần Công tác xã hội chuyên biệt, Học viện đưa vào các học phần mang tính đặc thù như: Công tác xã hội với nạn nhân bị mua bán, Công tác xã hội với nạn nhân bị bạo lực gia đình, Công tác xã hội với người hoạt động mại dâm, Công tác xã hội với người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Đây là những học phần cơ bản hướng đến đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em. Với những học phần mang tính đặc thù, Học viện đã xây dựng đề cương chi tiết môn học cũng như giáo trình, tài liệu, tập bài giảng phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu.
Để có chương trình đào tạo này, trong khi xây dựng chương trình, Học viện đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm, cán bộ được đào tạo ở nước ngoài đang tham gia giảng dạy trong và ngoài trường, các cán bộ đang công tác tại các cơ sở, các cơ quan, tổ chức liên quan tham gia phản biện và đóng góp ý kiến. Với trí tuệ và sự tham gia tích cực đó, chương trình đào tạo không xa rời thực tiễn sinh động của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Sinh viên khoa CTXH giao lưu với giảng viên trường Đại học Carolina – Mỹ
Mặc dù mới tham gia vào mạng lưới đào đạo cử nhân Công tác xã hội, nhưng Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có kinh nghiệm đối với đào tạo trung cấp, sơ cấp Công tác xã hội trong gần một thập kỷ qua. Nhà trường có đội ngũ giảng viên với trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề, có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ sẽ là những điều kiện căn bản đảm bảo tốt các chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực do Bộ giáo dục – Đào tạo giao phó.
Đặc biệt, dự kiến tháng 11/2016, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội; Hiệp hội dạy nghề và nghề Công tác xã hội Việt Nam; Hội các trường đào tạo CTXH Việt Nam; Quĩ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức kỉ niệm ngày Công tác xã hội Thế giới lần thứ 19 với nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội thảo cấp quốc gia, quốc tế về công tác xã hội, giao lưu văn nghệ, thể thao, hội trại, triển lãm ảnh …
Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận cờ ăng cai tổ chức ngày hội CTXH thế giới lần thứ 19
Năm 2016 Học viện Phụ nữ tuyển 600 chỉ tiêu đại học chính quy năm học 2016 – 2017 trên phạm vi cả nước theo hình thức xét tuyển, sử dụng kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu, tuân thủ tiêu chí chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, ngành CTXH tuyển sinh 200 chỉ tiêu.
Mọi thông tin xin liên hệ:
Khoa Công tác xã hội
Điện thoại: 04.37759042
Email: Khoactxh@vwa.edu.vn
Hoặc Thông tin chung về Tuyển sinh xin liên hệ:
Phòng Đào tạo:
Điện thoại: (043) 775 1750
Email: tuyensinh@vwa.edu.vn