Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì.

Hội thảo được đón tiếp các đồng chí Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản và nhiều đại biểu nguyên Ủy viên TW Đảng, lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước và Hội, thành viên Hội đồng lý luận TW, các cơ quan báo chí của TW và Hà Nội. Trong hơn 200 đại biểu tham dự, ngoài các nhà khoa học, nhà giáo, nhà nghiên cứu đã có tham luận, có sự hiện diện của cán bộ, công chức, viên chức là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là đảng viên Đảng bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là cán bộ của Tạp chí Cộng sản.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tổng hợp bước đầu các thông tin lý luận, thông tin đề xuất, chia sẻ những vấn đề lý luận về công tác phụ nữ; những vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước, bối cảnh quốc tế, vấn đề nội tại từ những nỗ lực dành cho phụ nữ…đã và đang đặt ra đối với phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ những chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm, đa chiều của các nhà khoa học, các chuyên gia và những người am hiểu sâu sắc về lý luận, hoạt động cho phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới, lãnh đạo hai cơ quan đồng tổ chức hội thảo mong muốn và hy vọng tìm ra cách thức nâng tầm lý luận cho công tác phụ nữ nói chung và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Các tham luận đã tập trung xoay quanh 03 chủ đề lớn là những vấn đề lý luận, lý thuyết về phụ nữ và công tác phụ nữ; bối cảnh, động thái chi phối đến yêu cầu đổi mới công tác phụ nữ trong bối cảnh mới; và những vấn đề cụ thể về nữ quyền và đổi mới công tác Hội Phụ nữ. 

Tổng hợp các tham luận cho thấy hầu hết các thông tin, ý kiến đề cập khá sâu sắc, toàn diện từ lý luận đến thực tiễn, nhìn nhận đa chiều, phân tích hợp lý cả những điểm mạnh, điểm hạn chế, bất cập và nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị và đề xuất giải pháp tập trung gồm:

1. Đối với công tác phụ nữ cần tiếp tục bảo đảm 03 điều kiện:

ĐẶC BIỆT là sự chỉ đạo, định hướng của Đảng với tư cách là hạt nhân lãnh đạo và các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước tiếp tục hoàn thiện không chỉ trên văn bản mà còn hiện thực hóa các hoạt động, các chương trình cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước các cấp với tư cách là nhóm cơ quan có trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu của công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  

CẦN nỗ lực hành động nhiều mặt của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của mỗi gia đình, mỗi người, nhất là nam giới để biết, để hiểu, để nhận thức đúng, đầy đủ về sự “đa và động” của phụ nữ trong mối tương quan với các khía cạnh của bản thân, các mối quan hệ xã hội, gia đình và sự tác động, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, đến sự đóng góp thực tế cho đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình. Trên cơ sở đó, để tôn trọng những khác biệt xã hội xuất phát từ giới tính thực tế, để đồng cảm, sẻ chia về vị trí, vai trò của phụ nữ và quan tâm đúng mức đến phụ nữ và trẻ em gái theo nguyên tắc bình đẳng có tính đến đặc thù giới tính nữ.

ĐỦ nỗ lực và sự quyết tâm tự đổi mới, sáng tạo và hài hòa bản thân – gia đình – công việc của phụ nữ với tư cách chủ thể. Đồng thời, không thể thiếu sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo hướng kiên định mục tiêu, giá trị cốt lõi, ngày càng khoa học và chuyên nghiệp với tư cách là nòng cốt trong vai trò chủ thể phụ nữ của công tác phụ nữ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ theo định hướng của Đảng, quy định của pháp luật và sự ủy quyền của các tầng lớp phụ nữ

2. Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cần 03 đổi mới quan trọng:

Về TỔ CHỨC: theo hướng nâng cao năng lực nghiên cứu lý luận, thực tiễn, dự báo và tham mưu cấp chiến lược (TW); đầu tư kiên trì và tập trung cho tổ chức cơ sở Hội để vận động phụ nữ; chăm lo bồi dưỡng để có đội ngũ cán bộ chuyên trách tinh, gọn, có năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị, nắm vững phương pháp vận động quần chúng; mở rộng đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên, cán bộ không chuyên, các chuyên gia tư vấn cho công tác Hội; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở.

– Về NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG: theo hướng nâng cao chất lượng tham gia quản lý Nhà nước; thúc đẩy công tác cán bộ nữ và phát triển tài năng nữ, nguồn nhân lực nữ; đa dạng hóa phong trào và và hoạt động Hội ở các đối tượng phụ nữ khác nhau, tập hợp đoàn kết các đối tượng phụ nữ theo tinh thần thống nhất trong sự đa dạng; hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất, giúp phụ nữ có kiến thức và kỹ năng tốt hơn để có thể ứng phó, giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; hoạt động dịch vụ, tư vấn hướng vào các mặt nhu cầu rất phong phú và rộng lớn của đời sống phụ nữ

– Về PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG: Hội cần bắt tay liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, tổ chức có hoạt động cho phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới; chọn trọng tâm, có ưu tiên, có tập trung, coi trọng chất lượng, hiệu quả từ những tác động và ảnh hưởng của các hoạt động Hội

Điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đổi mới thành công là phải  dựa trên 04 cách tiếp cận về hệ thống, về quyền, về khoa học tổ chức và lý thuyết công tác xã hội. Đồng thời, phải chú trọng nâng cao năng lực tổ chức Hội theo hướng hài hòa giữa cấp tham mưu chiến lược (TW) và các cấp tổ chức triển khai (từ tỉnh trở xuống); chú trọng nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức của Hội theo hướng chuyên nghiệp, khoa học và hài hòa trên nền tảng: “đầu lạnh” (kiến thức chuyên môn, pháp luật, khoa học về con người, hiểu biết về đời sống xã hội và phong, tục tập quán vững, đa dạng; kỹ năng thành thạo và kinh nghiệm tích lũy phong phú); “Tim ấm” (nhận thức đúng vấn đề; bảo đảm hài hòa các mối quan hệ và các giá trị thực tế trong từng mối quan hệ; công tâm trong hành động); “Tầm nhìn” (khả năng biết chi tiết, linh hoạt, sáng tạo; dám nói, nói đúng, nói có tính thuyết phục; dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi; dám quyết định và thể hiện chính kiến; không sợ mọi áp lực (tập thể, cá nhân).

Phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã nhấn mạnh công tác phụ nữ nói chung và việc nghiên cứu về phụ nữ nói riêng phải quan tâm toàn diện trên 5 phương diện: phụ nữ là con người cá nhân bản thể và chủ thể; là một tầng lớp xã hội đặc thù nằm trong cơ cấu biến đổi xã hội nhanh chóng; là hoạt đông xã hội, công tác xã hội; là thiết chế xã hội (trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và là chiều cạnh chính sách cụ thể vì chính sách là vấn đề cốt yếu của chính trị. Cần dân chủ và bình đẳng thực chất cho phụ nữ. Cần giải quyết gốc rễ các rào cản đối với phụ nữ cả trong xã hội và gia đình, nhưng cần phải bắt đầu từ trong gia đình. Đ/c Nguyễn Thế Trung chia sẻ mối quan tâm về việc cần tăng cường nghiên cứu dự báo những vấn đề đối với phụ nữ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế để có sự chuẩn bị tốt, đón đầu các vấn đề liên quan. Trong bối cảnh này, cơ hội của phụ nữ tiếp cận tri thức tốt hơn, điều kiện làm việc và vị trí việc làm cũng tốt hơn. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề về địa vị của phụ nữ trong lao động và kinh tế chủ yếu là làm thuê; lao động nữ ở nông thôn phần lớn còn lại là người cao tuổi…nên việc vận động phụ nữ cũng cần thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

 Ngoài các tham luận chính thức, đã có thêm nhiều ý kiến phát biểu, tập trung làm rõ thêm một số khía cạnh liên quan đến chủ đề ban tổ chức đã gợi ý.

Hội thảo “Những vấn đề lý luận về công tác phụ nữ ở Việt Nam trong tình hình mới” thật sự mới chỉ là bước khởi đầu, bởi trong tinh thần đam mê, trách nhiệm và tâm huyết với phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới, vẫn còn khá nhiều điều trăn trở, nhiều khía cạnh cần tiếp tục làm rõ hơn, sâu hơn trong thời gian tới. Một phần sự kỳ vọng trước thềm hội thảo cơ bản đã đạt được. Sự thành công của hội thảo là sự mở đầu nhiều ý nghĩa cho giai đoạn 5 năm tới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói riêng và công tác phụ nữ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình nói riêng.

Thành công của Hội thảo là lời chúc mừng đặc biệt đến Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra từ ngày 7-9/3/2017 tại thủ đô Hà Nội.

Thành công của Hội thảo cũng đánh dấu thêm bước trưởng thành của Học viện Phụ nữ Việt Nam về tổ chức nghiên cứu khoa học và trao thêm nhiều cơ hội nắm bắt, học hỏi, ứng dụng thông tin, tri thức lý luận và thực tiễn cho sinh viên các ngành đào tạo, bồi dưỡng của Học viện từ những kỷ yếu khoa học có hàm lượng chất xám cao./.