Là sinh viên ngành Giới và Phát triển, có kiến thức về vấn đề bất bình đẳng giới, các nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới, trong những ngày qua, chứng kiến sự đồng cảm và lên án của cộng đồng xã hội đối với quấy rối tình dục trẻ em, tôi tự hỏi mình: Nên im lặng, để vấn nạn này cứ tồn tại một cách âm ỉ hay lên tiếng? Cuối cùng, tôi quyết định: Lên tiếng!
Ngay từ khi còn bé, tôi đã là nạn nhân của ấu dâm. Thủ phạm không ai khác chính là người trong gia đình – những người tưởng chừng như không bao giờ có thể hại mình. Lớn lên, tôi tiếp tục bị quấy rối tình dục bởi những thanh niên lạ mặt – trên đường tới trường, trên đường về nhà, trên xe bus. Tôi tin rằng đã có không ít bạn gái gặp hoàn cảnh tương tự.
Những tháng ngày tuổi thơ của tôi luôn sống trong nỗi ám ảnh và sợ hãi khi bị chính người chú họ, người em họ của mình làm điều đồi bại. Mặc dù tôikhông bị tổn thương về mặt thể xác nhưng suy cho cùng, tổn thương về tinh thần hay thể xác đều là nỗi khiếp sợ như nhau! Bản thân thấy mình thực sự may mắn khi lần nào gặp nguy hiểm đều thoát nạn. Thời gian sau đó mới thực sự khủng hoảng, tôi không dám nói cho bố mẹ biết vì lúc đó quá sợ hãi, không biết dùng từ nào để diễn tả, để mở lời với mẹ rằng chú ấy đã làm gì với con, điều đó vượt xa trí tưởng tượng của một cô bé 5 tuổi khi ấy còn chưa biết đọc biết viết. Hình ảnh ấy cứ hiện hữu trong tâm trí của một đứa con nít khi ấy ghê sợ biết chừng nào! Tôi chỉ biết khóc xin về chứ không biết làm gì vào lúc đó bởi tôi không được cha mẹ giáo dục giới tính ngay từ nhỏ. Tôi không trách cha mẹ bởi lẽ quan điểm của các bậc phụ huynh ngày đó là trẻ con thì không nên biết mấy chuyện về tình dục,giới tính từ bé như vậy sẽ không tốt. Mỗi khi nhìn thấy chú ta, tôi chỉ biết chạy trốn vào một góc, không dám đi chơi xa, đêm ngủ cứ thấp thỏm lo sợ. Cảm giác đó đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in như vừa mới hôm qua.
Năm đó em học lớp 6, trong một lần nghỉ hè tôi được đi Sơn La chơi cùng gia đình. Lần đó tôi đã bị chính em họ của mình (hơn em 7 tuổi) dụ vào phòng xem hoạt hình nhằm mục đích ấu dâm của hắn. Cả chuyến đi nghỉ hè đó tôi luôn thấp thỏm lo sợ, trốn tránh tới tận khi về nhà vẫn trốn bặt trong phòng.
Cuộc sống sau đó của tôi dần thay đổi ngay từ chính trong suy nghĩ, tôi luôn sợ hãi không dám đến gần bất kì người đàn ông nào và cả các bạn nam trên lớp, trong đầu luôn nghĩ ai cũng có thể làm “việc đó” với mình.
Lên cấp 2, cấp 3 khi tới trường xung quanh luôn rình rập những nguy hiểm khiến tâm lí tôi ngày càng không ổn định tới mức đã có lần đã khóc nức nở xin mẹ, nài nỉ mẹ chuyển trường. Nhưng mẹ nào có hiểu, chỉ hỏi đại khái rồi bảo không sao đâu các bạn trêu con thôi. Vậy là cứ mỗi sáng thức giấc tôi lại đấu tranh tư tưởng, dũng cảm tới trường, lúc nào ở lớp cũng trong tình trạng căng thẳng lo sợ…
Tôi không biết mình đã bị quấy rối tình dục bao nhiêu lần kể từ khi còn nhỏ cho tới khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Việc này diễn ra thường xuyên trên đường về nhà, tới trường hay trên xe bus. Mỗi lần bị như vậy tôi lại khủng hoảng tinh thần, ảnh hưởng tới cả suy nghĩ và nhận thức; những việc đã xảy ra năm tháng tuổi thơ ấy lại ùa về. Kể cả khi trời mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm, nơi đông người hay ít người, ngoài xã hội hay trong gia đình,… em đều đã từng nếm trải !
Hiện nay tôi đang theo học ngành Giới và Phát Triển tại Học Viện Phụ Nữ Việt Nam. Tại đây, tôi được tìm hiểu những kiến thức về giới, giới tính, bạo lực trên cơ sở giới. Tôi đã tự nhận ra lẽ phải, tự trách bản thân sao ngày đó lại im lặng. Ngay cả khi tôi đang viết những dòng này bố mẹ em cũng không hề hay biết con gái mình đã có những tháng năm tuổi thơ đáng sợ, ám ảnh đến vậy!
Thay vì trốn tránh, vì ngại ngùng hay sợ hãi hay vì bất kể một lý do vô hình nào đó chi phối, những người bị lạm dụng tuyệt đối không nên im lặng. Hãy lên tiếng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, cùng với đó hãy tự trang bị cho bản thân và con em những biện pháp đối phó khi gặp tai nạn này.
Các bậc phụ huynh hãy giáo dục giới tính cho trẻ em và nguy cơ bị xâm hại tình dục ngay từ khi còn học mẫu giáo. Một số người lớn không chịu lắng nghe con trẻ, có người đã nhận thức được tệ nạn này lại bao bọc con quá mức vì sợ con gặp nguy hiểm để rồi vô tình cướp mất tuổi thơ của các con.
Các bài giảng về giới, giới tính cần được đưa vào chương trình học phổ thông, ngay từ mẫu giáo, từ đơn giản đến mức độ khó hơn. Có như thế mới góp phần giảm thiểu được các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có quấy rối tình dục trẻ em.
Qua câu chuyện của bản thân, tôi mong muốn quãng thời gian dài đầy biến cố ấy có thể là bài học nhận thức đẩy các bậc cha mẹ hãy hành động ngay; cần quan sát con cái mình; cần lưu ý đến các cử chỉ, thái độ bất thường nhỏ nhặt nhất. Hãy quan tâm hơn đến cảm xúc của trẻ vì nếu các em bị tổn thương khi lớn lên sẽ rất khó lành. Vết thương về tinh thần còn đáng sợ gấp nhiều lần vết thương về thể xác!
Do có quá nhiều, quá nhiều lần là nạn nhân của quấy rối tình dục mà bất lực không thể làm gì, tôi quyết định không im lặng nữa không sợ hãi nữa, mang câu chuyện cá nhân định chôn vùi mãi mãi coi như đó là quãng thời gian lớn lên đầy tổn thương không một ai biết… Để đánh thức nhận thức của các bậc phụ huynh, lớn lao hơn tôi mong xã hội lưu ý tới việc giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Việc này thực sự là một việc bức thiết, đặc biệt là trong thời điểm này, và trong tương lai.
Gia đình và nhà trường cần có những bài học nhận thức đúng đắn cho trẻ về giới tính, tính dục, những nguy hiểm mà các em có thể gặp phải và ứng phó ra sao. Bất kể bé trai hay bé gái đều có thể là nạn nhân của ấu dâm và quấy rối tình dục.
Bản thân tôi, không được giáo dục giới tính ngay từ nhỏ, đã bị quấy rối tình dục nhiều lần mà không biết phải đối phó như thế nào nên đã bị tổn thương sâu sắc về tinh thần, nỗi ám ảnh đó đeo bám cho tới tận bây giờ.
Hãy cùng nhau lên tiếng để bảo vệ phụ nữ và trẻ nhỏ. Im lặng chính là vũ khí vô hình tiếp tay cho tội ác!