Về cơ cấu tổ chức:

Bộ máy tổ chức của Học viện gồm 3 mảng chính là Đào tạo, Bồi dưỡng và Nghiên cứu khoa học, trong đó có 5 khoa: Khoa học Cơ bản, Công tác Xã hội, Quản trị Kinh doanh,  Luật, Giới và Phát triển; 3 trung tâm: Bồi dưỡng cán bộ, Công nghệ Thông tin và Thư viện, Đào tạo và Nâng cao năng lực Phụ nữ; 6 phòng chức năng: Tổ chức Hành chính, Đào tạo, Hợp tác Quốc tế, Tài chính Kế toán, Công tác sinh viên, Quản trị cơ sở vật chất; cùng với Viện nghiên cứu Phụ nữ và Phân hiệu Học viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong quá trình hoạt động và phát triển. Học viện chú trọng đến chính sách nhân sự và đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ. Học viện có hơn 110 công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 11 Tiến sỹ, 10 Nghiên cứu sinh, 48 Thạc sỹ. Các cán bộ, viên chức luôn trau dồi kiến thức và nâng cao kinh nghiệm thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và áp dụng vào thực tế công việc giảng dạy.

Hiện nay, với cơ cấu tổ chức đang từng bước được kiện toàn, với đội ngũ cán bộ tiếp tục tăng cả về chất và lượng, Học viện Phụ nữ Việt Nam đang từng bước phát triển, nỗ lực đi đầu trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Về đào tạo

Hiện nay, Học viện đào tạo 4 ngành: Công tác xã hội, Quản trị Kinh doanh, Luật, Giới và Phát triển.

Với quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược phát triển Học viện là coi trọng chất lượng; Sau 3 năm tuyển sinh hệ đại học hệ chính quy, mặc dù rất nhiều trường đại học tuyển sinh ồ ạt với số lượng lớn nhưng Học viện vẫn kiên trì phương châm “tuyển sinh ít để kiểm soát chất lượng”; thực tế đã có hơn 5.000 hồ sơ đăng ký trong 3 năm và năm nào Học viện cũng tuyển sinh đạt chỉ tiêu; đến nay đã có 1.100 sinh viên đang theo học. Với phương châm “Hiện đại – Linh hoạt – Thực tiễn – Đặc thù”, các chương trình đào tạo  được thiết kế theo hướng thúc đẩy sinh viên năng động, chuyên nghiệp, hội nhập, thực tiễn, có khả năng tác nghiệp độc lập cao; sinh viên được sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, tham gia các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ, trải nghiệm thực tế và thường xuyên tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sống.

Các chương trình đào tạo được thường xuyên chỉnh sửa gắn với công bố công khai chuẩn đầu ra; Trong đó, chuẩn ngoại ngữ, chuẩn kỹ năng nghề nghiệp được coi trọng và dành nhiều thời lượng học tập. Học viện thường xuyên tổ chức đào tạo tiếng Anh và các kỹ năng mềm cho sinh viên; phấn đấu sau 4 năm học sẽ có ít nhất 90% sinh viên đạt chuẩn đầu ra và tốt nghiệp ra trường.

Công tác tổ chức đào tạo được thực hiện nghiêm túc, khách quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo được thực hiện; tất cả các bộ phận có liên quan đều ứng dụng Phần mềm quản lý đào tạo. Nhờ đó, hệ thống thông tin được quản lý chặt chẽ, khoa học và chính xác; sinh viên có thể nắm thông tin trực tiếp, thuận tiện, nhanh chóng thông qua tài khoản cá nhân; dễ dàng tương tác, tham gia đánh giá giảng viên, đánh giá cơ sở vật chất và môi trường học tập qua website của Học viện.

Về bồi dưỡng cán bộ:

Để thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ Hội LHPN Việt Nam, Học viện triển khai các chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn cho từng cấp, với từng vị trí chức danh. Học viện đã tổ chức 750 khóa/lớp học với hơn 48.000 lượt học viên tham gia các chương trình đào tạo ngắn, dài hạn về nghiệp vụ công tác phụ nữ, công tác Hội phụ nữ, bình đẳng giới, công tác xã hội, lãnh đạo quản lý…. Quy mô bồi dưỡng tăng nhanh, mỗi năm trung bình hơn 2000 lượt cán bộ Hội được bồi dưỡng với nhiều hình thức linh hoạt, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tổ chức các lớp học theo hình thức kết hợp học trên lớp và E-learning; nội dung sát hơn với vị trí việc làm, với những vấn đề thực tiễn công tác Hội và tình hình phụ nữ.

Học viện cũng tổ chức đào tạo cho khoảng 600 cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp phụ nữ Lào và cán bộ Campuchia. Nhiều học viên nữ qua đào tạo đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tín nhiệm giao đảm nhận các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Về nghiên cứu khoa học

Là đầu mối hoạt động khoa học và công nghệ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, hàng năm, Học viện trực tiếp tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho các ban chuyên môn của Trung ương Hội và các cấp Hội về kỹ năng và phương pháp nghiên cứu. Từ 2012  hết năm 2015, Học viện đã thực hiện hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và dự án điều tra cơ bản, riêng năm 2015 công bố hơn 30 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có tính điểm. Các đề tài khoa học do Học viện thực hiện tập trung vào những vấn đề cấp bách trong xã hội, có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em; các vấn đề về giới gia đình… Kết quả của các nghiên cứu đã đóng góp quan trọng vào rà soát, cung cấp căn cứ lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ, bình đẳng giới…

Về hợp tác quốc tế

Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn xác định hợp tác quốc tế là động lực tạo sự bứt phá trong phát triển các nguồn lực phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện ngày càng được mở rộng, đa dạng về hình thức, với nhiều chương trình hợp tác hiệu quả. Học viện đã có quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục, nghiên cứu, tổ chức nước ngoài tại Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật, Hà Lan, Thái Lan, Anh, Đức, Philipin…Trong đó ký Biên bản ghi nhớ với 9 tổ chức quốc tế; mỗi năm đón tiếp hàng chục chuyên gia quốc tế đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức có uy tín trên thế giới đến thỉnh giảng và trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, Hàng năm, Học viện tổ chức cho giảng viên, nghiên cứu viên đi bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn tại nước ngoài. Hoạt động hợp tác liên kết đào tạo giảng viên, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, trao đổi sinh viên, giảng viên và cán bộ với các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học có uy tín trên thế giới như Viện Giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới Hàn Quốc, Học viện Hành chính Quốc gia Ca Na Đa, Đại học Chung Ang Hàn Quốc, Đại học Birmingham, Đại học Flinder. 

Về cơ sở vật chất

Học viện Phụ nữ việt Nam tọa lạc tại số 68 Nguyễn Chí Thanh trên khuôn viên với diện tích 1ha bao gồm  tòa nhà 3 tầng, tòa nhà đa năng 15 tầng, nhà ăn và sân chơi thể thao.

Khu nhà đa năng được thiết kế với mô hình: Tầng 2,3,4 dành cho các Khoa, Phòng, Trung tâm chức năng; tầng 5 và tầng 6 là khu giảng đường với  phòng học được trang bị  đầy đủ  trang thiết bị hiện đại. Để phục vụ các hoạt động hội thảo, hội nghị , Học viện bố trí 9 hội trường với sức chứa từ 100 đến 400 người  được trang bị đầy đủ thiết bị đáp ứng được cả yêu cầu của hội thảo trực tuyến và tiếp khách quốc tế.

TTCNTT – TV được đặt tại tầng 7, bao gồm 03 phòng lab với hơn 110 bộ máy tính phục vụ tốt cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thư viện  có diện tích 350m2, 120 ghế ngồi cho người đọc, 3.000 đầu sách và hơn 16.000 tài liệu.

Khu kí túc xá tại khu nhà 15 tầng được thiết kế từ tầng 10 đến tầng 15, mỗi tầng có 16 phòng được trang bị đầy đủ các thiết bị như: Điều hòa, bình nóng lạnh, giường, khu tắm và WC khép kín đáp ứng hơn 700 chỗ ở. Khu nhà 3 tầng bao gồm 20 phòng có khả năng đáp ứng 200 chỗ ở.

Phân hiệu Học viện tại Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 5.500m2, với 11 phòng làm việc, 01 hội trường, 08 phòng học và 46 phòng nghỉ, đáp ứng tốt  nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, học viên phía Nam. Trong Chiến lược phát triển, Học viện đã được TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phê duyệt chủ trương thực hiện  dự án đầu tư  xây dựng nhằm tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất tại trụ sở chính của Học viện và chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm 1 cơ sở đào tạo tại khu đất mới, phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học vào năm 2020.

Học viện không ngừng đầu tư cơ sở vật chất. Phòng học được lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu của người học. Việc đầu tư sử dụng phần mềm quản lý đào đạo và hệ thống đào tạo trực tuyến giúp cho hoạt động quản lý chặt chẽ, khoa học, chính xác.

Với bề dày hình thành và phát triển trong công tác đào tạo và giảng dạy, Học viện đã được trao tặng nhiều huân chương, bằng khen, trong số đó phải kể đến: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Với những phần thưởng cao quý đã được trao tặng và mục tiêu, tầm nhìn được xác định rõ ràng, tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Học viện Phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ đoàn kết, tận tụy, sáng tạo để thực hiện thành công  sứ mệnh cao cả của mình với xã hội.