Đến tham dự chương trình có ông Hà Ngọc Anh – Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng, PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Đại học Xây dựng, nhà báo Nguyễn Huy Lộc – Tổng biên tập Báo sinh viên Việt Nam, các đại biểu và đại diện các đơn vị cử sinh viên tham dự.

Tham dự và chia sẻ, trao đổi tại chương trình là những diễn giả có uy tín, thành công trong các lĩnh vực kinh doanh như ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc khu vực Châu Á, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN; bà Nguyễn Nguyệt – Giám đốc Quan hệ Chính Phủ và Chính sách công của Uber Việt Nam; bà Nguyễn Thị Ý Như – Trưởng phòng Truyền thông và đối ngoại miền Bắc Công ty Coca-Cola.   

Ngay sau phần phát biểu chào mừng của PGS.TS Đặng Xuân Anh – Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng là phần trình bày của diễn giả Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN. Nội dung  trình bày đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Vũ Tú Thành, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời là một xu thế tất yếu của thế giới, cuộc cách mạng này đã tạo nên những xu hướng của các mô hình kinh doanh mới, đó là: xu hướng nền tảng hóa các sản phẩm; phát triển mạnh mẽ nền kinh tế chia sẻ; xu hướng thuê bao hóa và dịch vụ hóa sản phẩm và công nghệ chế tạo cắt lớp (in 3D) phát triển mạnh mẽ với tốc độ nhanh. Kết thúc phần trình bày, Vũ Tú Thành nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, để bắt kịp và có những bước đi phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yếu tố quan trọng nhất là tư duy con người: tư duy cần phải thay đổi để làm chủ được những sự thay đổi của công nghệ, để nắm bắt và tận dụng những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Bà Nguyễn Nguyệt – Giám đốc Quan hệ Chính Phủ và Chính sách công của Uber Việt Nam cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại rất nhiều cơ hội cũng như những thách thức cho tất cả doanh nghiệp. Đối với những công ty công nghệ vận tải, một yêu cầu đặt ra đó là tạo dựng được môi trường giao thông thông minh và nền kinh tế chia sẻ. Giao thông thông minh  là tăng cơ hội đi lại và sự an toàn của con người, đồng thời giảm tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường và số lượng bãi đỗ xe. Kinh tế chia sẻ là việc cho thuê lại những nguồn lực dư thừa, nhàn rỗi để tăng thu nhập, như vậy vừa không để lãng phí nguồn lực vừa có thể phát triển thu nhập của cá nhân. Đây cũng chính là lý do thành công của Uber Việt Nam – một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới ở Việt Nam nhưng rất hiệu quả.  

Phần toạ đàm, trao đổi tại Hội trường được diễn ra hết sức thú vị. Qua những trao đổi cho thấy sinh viên rất quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mong muốn được tìm hiểu sâu, được tư vấn để có thể tận dụng được những thành quả, cũng như nắm bắt được những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Sinh viên đến từ Đại học Xây dựng đã đặt ra những thắc mắc liên quan đến việc xây dựng các mô hình start-up, mô hình thực hành tại các trường đại học hiện nay; làm thế nào để khi tiếp cận thị trường và có thể vượt qua được những rào cản để thích nghi? Sinh viên đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Tài chính Quản trị kinh doanh băn khoăn về những kỹ năng cần có để có thể khai thác được khối lượng thông tin phong phú? làm thế nào để chắt lọc được những thông tin chính xác và cần thiết?…

Theo các diễn giả, việc xây dựng được các mô hình thực hành và khởi nghiệp hiện nay ở các trường đại học là rất cần thiết, Việt Nam nên học tập các nước tiên tiến trên thế giới. Để có được hành trang vững chắc cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các bạn trẻ cần vượt qua rào cản về ngoại ngữ, phải trau dồi khả năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ để có thể tiếp cận được lượng tri thức dồi dào, ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, phải tỉnh táo, xây dựng được bộ lọc thông tin khi mà hiện nay các nguồn thông tin rất đa dạng, các công cụ tìm kiếm ngày càng được phát triển, khiến cho cá nhân dễ bị sa đà vào các nguồn tin không chính xác. Với sinh viên hiện nay ngoài kiến thức nền tảng, phải xây dựng và tích lũy được bộ kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và liên tục trang bị những kỹ năng mới. Những kỹ năng đó không những giúp sinh viên tìm kiếm được những cơ hội việc làm mà còn giúp bản thân mỗi người có thể chuyển dịch các công việc khác nhau trong các môi trường khác nhau một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, bản thân các bạn trẻ cần phải nhìn nhận đúng về bản thân và xác định được mục tiêu của bản thân – cần phải biết mình muốn gì và muốn đi đến đâu?. Khi đã xác định được mục tiêu của bản thân thì việc xác định những gì cần làm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Mặt khác cần phải chủ động nắm bắt cơ hội, thách thức, sẵn sàng tinh thần đối mặt với sự thay đổi để tìm kiếm và khẳng định giá trị bản thân.

Cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện chụp ảnh giao lưu với các đại biểu và diễn giả của chương trình

Bạn Phùng Lê Khanh – sinh viên lớp K4 QTKD A Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đại diện cám ơn những chia sẻ cụ thể của các diễn giả, đồng thời cũng đặt câu hỏi: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại những cơ hội gì cho các khối ngành xã hội hiện nay như Công tác xã hội, Giới và Phát triển…?

Theo ông Vũ Tú Thành, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Với những trường đại học mà có các ngành học về khoa học xã hội như Học viện Phụ nữ Việt Nam lại có một lợi thế rất lớn, đó là thông qua nghiên cứu khoa học, họ sẽ có những cơ sở dữ liệu lớn và đáng tin cậy về lĩnh vực công tác xã hội, phụ nữ học và giới…. Những thông tin đó sẽ giúp chúng ta có những nghiên cứu về các chính sách xã hội, lồng ghép các vấn đề về giới và xã hội trong chiến lược phát triển của những đơn vị. Đồng quan điểm với ông Vũ Tú Thành, bà Nguyễn Thị Ý Như cho rằng với nền cách mạng công nghiệp hiện nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam có những lợi thế rất lớn trong việc xây dựng dữ liệu về giới, về phụ nữ và có thể mang những dữ liệu này trở thành những giá trị hàng hóa thương mại để trao đổi và chia sẻ. Các công ty doanh nghiệp hiện nay muốn xây dựng được chiến lược nhân sự, chiến lược tìm kiếm thị trường và nhu cầu đều sẽ rất cần những thông tin, dữ liệu liên quan đến xã hội, phụ nữ và giới. Bà Nguyễn Nguyệt chia sẻ rằng các tập đoàn, công ty lớn hiện nay đều coi trọng đẩy mạnh bình đẳng giới, đẩy mạnh việc thu hút nữ giới tham gia, nâng cao tỷ lệ nữ trong các công ty; nên họ rất cần những đối tác, chuyên gia am hiểu về giới để có thể tham mưu xây dựng được những chính sách về giới và bình đẳng giới hiện nay trong các đơn vị. Công ty Uber đang hướng đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực lớn về nữ trong tương lai gần. Công ty mong muốn tìm được những người phụ nữ có tư duy tốt đứng vào hàng ngũ của công ty, và chắc chắn để làm được điều đó thì nhu cầu tìm hiểu thông tin, dữ liệu về đối tượng nữ là rất cần thiết. Bà Nguyệt cho rằng sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam không quá lo lắng về thị trường việc làm hiện nay; cái quan trọng các bạn cần làm là tích lũy kiến thức, bộ kỹ năng cần thiết như các diễn giả đã nói ở trên để có thể đủ tự tin tham gia vào các lĩnh vực đa dạng của xã hội và nắm bắt những cơ hội trong tương lai.

Sinh viên Phùng Lê Khanh – lớp K4 QTKDA đặt câu hỏi giao lưu.

Chương trình “Đối thoại hướng nghiệp – Hành trang cho cách mạng công nghiệp 4.0” đã mang lại nhiều bổ ích cho sinh viên; chương trình đã trang bị thêm những kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp sinh viên nhận diện được những cơ hội, thách thức và tìm ra những con đường riêng cho bản thân trong con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Đối với sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, chương trình đã giúp sinh viên nhận diện rõ hơn những cơ hội của bản thân trong quá trình học tập tại Học viện cũng như những cơ hội việc làm trong tương lai, giúp sinh viên thêm quyết tâm học tập, rèn luyện và trau dồi kỹ năng để có thể bắm bắt cơ hội, tranh thủ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khởi nghiệp thành công sau khi ra trường./.