Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong mọi hoạt động, lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nhiều quyền cơ bản của trẻ em đã bị vi phạm, chưa được bảo vệ, bảo đảm thực hiện. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn đang là vấn đề gây bức xúc và có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ, tạo ra những luồng dư luận không tốt trong xã hội.

       Nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế thiếu nhi 1 – 6,  góp phần đưa Luật Trẻ em năm 2016 (hiệu lực từ ngày 1/6/2017) đi vào cuộc sống, ngày 30/5/2017 Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa về nội dung “Bảo đảm quyền trẻ em – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tham gia trao đổi tại Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia về quyền của trẻ em như GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật – Đại học Quốc gia  Hà Nội), TS. Nguyễn Thị Thu Vân ( Đại học Hòa Bình), TS. Lê Thị Phương Nga ( Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại diện Ban Gia đình xã hội – TW Hội LHPN Việt Nam, Chuyên gia Đỗ Dương Hiển thuộc Tổ chức Plan International….

       Tham dự và chỉ đạo Hội thảo còn có Th.s Hà Thị Thanh Vân, Phó giám đốc Học viện. Ngoài ra còn có sự tham dự của lãnh đạo các Khoa, Phòng thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam và 25 sinh viên ưu tú đại diện cho hơn 400 sinh viên của Khoa luật cùng tham gia trao đổi.

       Các tham luận đã tập trung xoay quanh các chủ đề như khung pháp lý về quyền trẻ em; trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm quyền trẻ em. Hội thảo còn được nghe các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm của một số tổ chức trong việc bảo đảm quyền trẻ em.

       Tổng hợp các tham luận cho thấy hầu hết các thông tin, ý kiến đề cập khá sâu sắc, toàn diện từ lý luận đến thực tiễn, nhìn nhận đa chiều, phân tích những điểm mạnh, điểm hạn chế còn tồn tại và chỉ ra các nguyên nhân trong vấn đề bảo đảm quyền trẻ em. Ngoài các tham luận chính thức, đã có thêm nhiều ý kiến phát biểu, tập trung làm rõ thêm một số khía cạnh liên quan đến chủ đề ban tổ chức đã gợi ý. Hội thảo cũng gợi mở ra nhiều vấn đề theo đó nên chăng còn cần có những chính sách cụ thể hơn như quy định về địa chỉ tin cậy dành cho trẻ em khi bị xâm hại; xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ vị thành niên, nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em được thực thi trên thực tế; xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ đặc biệt là trẻ em gái. Các đại biểu cũng nhấn mạnh không nên quy định trách nhiệm tập thể của các cơ quan nhà nước trong bảo vệ trẻ em, mà cần phải chỉ “đích danh” cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ và bảo vệ trẻ ở từng giai đoạn phát triển của trẻ như từ 1 – 3 tuổi do cơ quan nào chịu trách nhiệm; từ 3 – 6 tuổi cơ quan nào chịu trách nhiệm và tương tự như vậy, trẻ em từ 6 – 18 tuổi sẽ do cơ quan nào chịu trách nhiệm…Như vậy mới có thể bảo đảm và bảo vệ được các quyền của trẻ em một cách hữu hiệu và thiết thực nhất.

       Hội thảo cũng đề cập và nhấn mạnh, để bảo đảm quyền trẻ em tốt nhất cần tính đến yếu tố kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, có những quyền trẻ em không nhất thiết phụ thuộc vào yếu tố kinh tế như vấn đề trẻ em bị ép học quá tải, không được tham gia sinh hoạt lớp để nói lên ý kiến của mình…Như vậy, cần hình thành tư duy xem xét tổng thể các vấn đề về trẻ em để hình thành một cơ chế điều chỉnh pháp luật và xã hội phù hợp với đối tượng trẻ em và bảo đảm, bảo vệ cao nhất quyền của trẻ em.  

       Hội thảo được tổ chức khá công phu, đa số các đại biểu tham dự đều đánh giá cao về tính khoa học và thời sự của Hội thảo. Sự thành công của hội thảo cũng đánh dấu thêm bước trưởng thành mới của Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam về tổ chức nghiên cứu khoa học. Đây là cơ hội để cho giảng viên và sinh viên trong Khoa có cơ hội được trao đổi, nắm bắt, học hỏi, ứng dụng các thông tin, tri thức lý luận, thực tiễn trong vấn đề bảo đảm quyền trẻ em; tạo tiền đề cho quá trình dạy và học chuyên ngành chuyên sâu Pháp luật về Phụ nữ và bình đẳng giới trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật của Học viện.  

       Buổi Hội thảo mang đến một thông điệp rằng: ‘Đối với trẻ em, là đối tượng yếu thế nên rất cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội, xây dựng mội môi trường sống an toàn cho trẻ, ở đó trẻ được bảo vệ, bảo đảm về mọi mặt để phát triển và hoàn thiện nhân cách. Trẻ em là tương lai của nhân loại, nên bảo vệ quyền trẻ em thực chất là bảo vệ quyền con người ở giai đoạn sớm nhất và cũng là sự ngăn ngừa các hậu quả xã hội trước một bước’.

 

Một số hình ảnh của buổi hội thảo