Bế giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ và kỹ năng lãnh đạo dành cho cán bộ Hội phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển

Ngày 29/8/2017, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức lễ bế giảng  “Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ và kỹ năng lãnh đạo dành cho cán bộ Hội Phụ nữ Campuchia  vì Hoà Bình và Phát triển”. 

Sau  01 tháng học tập, các chị học viên đã được trao đổi, chia sẻ những kiến thức cũng như những kinh nghiệm công tác Hội với giảng viên và các bạn trong lớp. Các chị đã được tiếp cận: phần Kiến thức chung có 3 chuyên đề; Phần kiến thức về Hoạt động HLHPNVN có 13 chuyên; phần Kỹ năng lãnh đạo có 5 chuyên đề. Tổng cộng có 21 chuyên đề khác nhau.Song song với các hoạt động giảng dạy trên lớp, Phân hiệu Học viện còn tổ chức các buổi học tập ngoại khoá, đưa chị em xuống địa phương thăm quan, học tập mô hình các cấp Hội thực hiện tốt các chương trình công tác trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam. Đây là dịp để chị em xuống tận cơ sở, kiểm nghiệm những kiến thức trong các bài giảng được vận dụng thực tế vào công tác Hội như: Lớp đã đến tham quan nhà văn hóa phụ nữ TP Hồ Chí Minh; thăm quan thực tế phát triển kinh tế hộ gia đình tại huyện Củ Chi; nghe các báo cáo trao đổi chia sẻ của Hội LHPN TP HCM và Hội LHPN tỉnh Bình Dương về: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, mô hình và kết quả thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình theo tiêu chí 5 không – 3 sạch, kết quả và cách thức thực hiện việc giám sát chính sách bình đẳng giới, kết quả công tác bình đẳng giới, công tác tập hợp, thu hút hội viên vào tổ chức Hội. Lớp cũng  tham quan các  di tích văn hóa, thắng cảnh đẹp của Việt Nam tại Bình Dương, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo Thực hành công tác xã hội trong đào tạo bậc đại học hiện nay

CTXH là một nghề mang tính ứng dụng cao. Để trở thành nhân viên CTXH chuyên nghiệp, bên cạnh những kiến thức lý thuyết đã được trang bị trong quá trình học tập tại cơ sở đào tạo, sinh viên ngành CTXH cần được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp thông qua các tiết thực hành trên lớp và đặc biệt, thông qua các đợt kiến tập, thực hành, thực tập mà nhà trường tổ chức trong quá trình đào tạo. Ngày 06 tháng 9 năm 2017, Khoa Công tác xã hội – Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Thực hành công tác xã hội trong đào tạo bậc đại học hiện nay.

Tại hội thảo, 5 tham luận đã được trình bày là:  Thực trạng thực hành CTXH trong đào tạo ở bậc đại học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam do Ths. Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Bộ môn CTXH cơ bản, Khoa CTXH, Học viện PNVN trình bày; Thực hành CTXH của sinh viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh do Ths. Phạm Thị Ngoan – Trưởng phòng Quản lý và tư vấn, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh trình bày; Thực hành CTXH của sinh viên tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động – Xã hội số 2 do Ths. Đào Thị Huyền – Trưởng Phòng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động – Xã hội số 2 trình bày; Vai trò hỗ trợ thực tập sinh Công tác xã hội của cán bộ tại cộng đồng do Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó trưởng khoa CTXH, Đại học Lao động – Xã hội trình bày; Tổ chức thực hành thường xuyên – Mô hình thực hành hỗ trợ đào tạo ứng dụng ngành CTXH tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam do Ths. Nguyễn Trọng Tiến – Trưởng khoa CTXH – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trình bày.Với các nội dung đa dạng nhưng đều tập trung vào vấn đề thực hành các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung như: Một là vị trí, vai trò của các học phần thực hành trong cấu trúc chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội; Hai là nhưng ưu điểm, hạn chế của cách thức tổ chức thực hành Công tác xã hội của các trường hiện nay. Vai trò của giáo viên hướng dẫn; kiểm huấn viên cơ sở thực hành. Những khó khăn, thuận lợi của kiểm huấn viên cơ sở trong việc hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập; Ba là, tìm kiếm những những giải pháp để nâng cao hiệu quả của các đợt thực hành CTXH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CTXH, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo Chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục về Giới & Gia đình

Nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ Ủy ban xây dựng dự thảo Luật bền vững gia đình của Indonesia, ngày 21/9/2017, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Ủy Ban III – Viện đại diện khu vực nước Cộng hòa Indonesia tổ chức hội thảo Chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục về Giới & Gia đình. Tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy của học viện cũng đã chủ động chia sẻ với các đại biểu nước bạn về các vấn đề như: Chính sách hỗ trợ, khuyến khích và đảm bảo quyền học tập của phụ nữ; Có hay không sự phân biệt đối xử trong giáo dục về Giới tại Việt Nam hiện nay? Sự đa dạng của các chương trình giáo dục về bình đẳng giới, đào tạo kỹ năng cho phụ nữ? Chính sách hỗ trợ phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng sau khi bị mua bán và các tệ nạn xã hội; Quy định pháp luật về dảm bảo bền vững gia đình; Vai trò của chính phủ và chính quyền trong việc tăng cường sự phát triển gia đình và việc phân chia trách nhiệm đối với các cấp từ  trung ương đến địa phương cần được quy định như thế nào trong dự thảo Luật Bền vững gia đình?Hội thảo không chỉ là dịp để Học viện Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ Ủy ban xây dựng dự thảo Luật bền vững gia đình của Indonesia mà còn là dịp để cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên của học viện chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực Giới và gia đình cũng như tìm hiểu thêm về các vấn đề này ở nước Cộng hòa Indonesia. Đồng thời, thông qua các hoạt động phối hợp giữa hai bên cũng thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Đại diện khu vực Indonesia.

Hội thảo Thiết lập và Chia sẻ Chương trình nghị sự về Bình đẳng giới (SSAGE) 2017  tại  Seoul, Hàn Quốc

Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc, cơ quan dẫn đầu về chính sách giới và phát triển phụ nữ ở Hàn Quốc. Kể từ khi thành lập vào năm 1983, KWDI đã thực hiện nhiều nghiên cứu chính sách, phân tích các vấn đề gia đình và giới. KWDI đã tổ chức nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế về các vấn đề giới, phụ nữ và phát triển. Gần đây nhất, từ ngày 4-9/9/2017, tại Seoul, KWDI đã tổ chức thành công Hội thảo Thiết lập và Chia sẻ Chương trình nghị sự về Bình đẳng giới (SSAGE) 2017 với trọng tâm hướng về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và dạy nghề. Hội thảo có sự tham gia của 29 đại biểu đến từ các nước Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Myanmar, và Việt Nam. 

 
Các bài giảng rất bổ ích, bao quát nhiều vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, trao quyền và phát triển bền vững. Cụ thể là: Phát triển kinh tế và chính trị ở Hàn Quốc; Phát triển chính sách phụ nữ ở Hàn Quốc; Thiết kế và phát triển chính sách; Thực thi và đánh giá chính sách; Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ thông qua y tế; Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ thông qua giáo dục; Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phụ nữ ở Hàn Quốc; Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ thông qua dạy nghề; Viết đề xuất chính sách. Thông qua các bài giảng, đại biểu tham gia Hội thảo được tìm hiểu về con đường phát triển của Hàn Quốc, từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh (1950-1953) trở thành thành viên của Uỷ ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) vào năm 2010, được công nhận là nước xuất khẩu lớn thứ 6 trên thế giới (2015), nền kinh tế lớn thứ 14 trên thế giới (2015), nước có chỉ số phát triển con người thứ 18 trên thế giới (2015), nước có tốc độ kết nối Internet cao nhất thế giới (2015), v.v.Đoàn đại biểu Việt Nam có 7 thành viên là cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh xã hội, Đại học Lao động Xã hội, Viện Khoa học Lao động Xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới. Tham gia Hội thảo, TS. Dương Kim Anh – Trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam tích cực trao đổi, giao lưu, đóng góp ý kiến, phản biện theo nhóm (panel discussion), đồng thời, thay mặt đoàn Việt Nam trình bày Chương trình hành động về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua thúc đẩy giáo dục dạy nghề.