Tham dự và chủ trì hội thảo là bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam,  Bà Vũ Phương Ly – Cán bộ Cơ quan liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ -UN Women; Đại diện Bộ Khoa Học và Công nghệ; Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lãnh đạo Ban Kinh tế và các ban, đơn vị TƯ Hội LHPN Việt Nam, hội Nữ trí thức Việt Nam; Lãnh đạo Hội đồng doanh nhân nữ, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam-VCCI. Các nhà khoa học, các học giả, giảng viên, nghiên cứu viên tại Đại học Ngoại thương, Địa học Kinh tế Quốc dân, Đại học Công đoàn, Học viện Thanh Thiếu niên… các viện nghiên cứu trong phạm vi cả nước quan tâm đến các vấn đề lý luận, thực tiễn về giới trong phát triển kinh tế, liên quan đến các chủ đề cụ thể của Hội thảo. Đại diện cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi chính phủ; Đại diện sinh viên các ngành Giới và Phát triển, CTXH, QTKD… của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Trước đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã gửi thư mời chuyên gia viết bài tham luận cho hội thảo với các nội dung phân tích về cơ sở lý luận và thực tiễn về giới trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm các chủ đề: Phụ nữ khởi nghiệp; Giới và  việc làm bền vững trong bối cảnh cách mạng 4.0; Đổi mới sáng tạo và hiệu quả của Doanh nghiệp nữ; Giới trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; Các vấn đề giới trong chính sách kinh tế, lao động, việc làm; trao quyền kinh tế thúc đẩy bình đẳng giới…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, phổ biến những tri thức lý luận và thực nghiệm về về giới trong phát triển kinh tế bền vững thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cách mạng công nghiệp 4.0; phân tích giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, trong chính sách kinh tế; đề xuất các giải pháp, kiến nghị thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh tế, hướng tới phát triển bền vững. Nổi bật là các tham luận của Nguyễn Văn Tuấn: Từ rào cản vô hình đối với nữ giới đến sự đa dạng giới trong hội đồng quản trị doanh nghiệp: Các luận chứng khoa học cho quá trình thảo luận chính sách. Nguyễn Hoàng Ánh, Hoàng Bảo Trâm: Những gợi ý chính sách cải thiện môi trường kinh doanh nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của nữ doanh nhân. Nguyễn Đức Hữu: Chính sách việc làm đối với lao động không được trả công ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Tiếp cận từ góc độ giới. Nguyễn Khắc Tuấn: Một số vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm giai đoạn 2010 – 2016…

Bên cạnh việc chỉ ra thực trang phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, các bài viết, tham luận tại hội thảo đã tập trung bàn luận về các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia hoạt động kinh doanh của phụ nữ, bao gồm: yếu tố cá nhân, yếu tố tổ chức, yếu tố kinh tế, yếu tố xã hội, yếu tố pháp lý. Các tác giả đã chỉ ra một số rào cản của doanh nhân nữ dựa trên những yếu tố này, trong đó nổi bật là yếu tố kinh tế, pháp lý và xã hội.

Vấn đề việc làm nói chung và việc làm bền vững nói riêng của phụ nữ đã nhận được sự quan tâm của nhiều học giả trong phiên hội thảo bàn về nội dung Giới và việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam, số lượng lao động của nữ và nam có việc làm hàng năm có xu hướng tăng nhưng số lượng nữ có việc làm luôn thấp hơn nam giới. Nữ giới chiếm tỷ trọng cao ở những nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều so với nam. Ngay cả khi có việc làm, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản tại nơi làm việc như: giá trị công việc không được thừa nhận, kỳ thị xã hội, đánh giá và phân biệt đối xử, quấy rối tình dục, bạo lực và các hành vi thù địch khác. Các nghiên cứu đã đưa ra một số hàm ý chính sách góp phần tạo ra việc làm bền vững cho phụ nữ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như: Tạo điều kiện cho phu nữ tham gia đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng qua các chương trình thúc đẩy đào tạo và cố vấn thực hành, Lồng ghép giới vào quá trình triển khai thực hiện các chính sách lao động xã hội có liên quan đến lao động việc làm…

Các đại biểu hội thảo đều thống nhất khẳng định trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế có vai trò quan trọng góp phần đạt được bình đẳng giới và đưa ra một số khuyến nghị: Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, tiềm năng của phụ nữ; Lồng ghép giới trong chính sách về lao động việc làm; Sửa đổi chính sách gây bất lợi cho phụ nữ; Tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới trong lĩnh vực việc làm; Biện pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Hội thảo quốc tế “Giới trong phát triển kinh tế bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp góp thêm những tiếng nói khẳng định tầm quan trọng của việc khẳng định được vai trò quan trọng của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế; Nhìn nhận sự nỗ lực vượt khoa mọi rào cản, khó khăn về giới để tự khẳng định mình trong lĩnh vực kinh tế, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.