Do đó, để thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh.

Phụ nữ ngày càng tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh

Nhờ những tiến bộ vượt bậc về bình đẳng giới, trong những năm gần đây, rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã phát huy được năng lực của mình trong nhiều lĩnh vực và đang trở thành lực lượng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi mặt của đời sống.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh, nữ doanh nhân ngày càng chiếm nhiều vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Nhiều công ty tên tuổi hàng đầu Việt Nam hiện nay do các nữ doanh nhân lãnh đạo và đang hoạt động hiệu quả ngay cả trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Từ trái qua phải: Bà Ngọc Dung, bà Phương Thảo và bà Thái Hương, 3 nữ doanh nhân của Việt Nam lọt Top 50 Phụ nữ quyền lực nhất châu Á của Forbes. (Nguồn: Bizlive)

Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, trong đó có 20 nữ doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như: bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Chu Thị Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom), bà Dương Thị Mai Hoa – CEO Vingroup, bà Đinh Thị Hoa – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP phim Thiên Ngân (Galaxy Studio), bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10; bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc công ty TNHH Ba Huân; bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH…Theo số liệu thống kê của Việt Nam, tính đến năm 2016, Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 100.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ (khoảng 20%); còn theo kết quả khảo sát Chỉ số phát triển nữ doanh nhân do Mastercard công bố tháng 3/2017, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp do doanh nhân nữ lãnh đạo là 31,45%. Báo cáo của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) cũng cho thấy, doanh nhân nữ Việt Nam đứng thứ hai về tỷ lệ tham gia thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.

Riêng về vấn đề khởi nghiệp, các chuyên gia cho biết, khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam, trong đó, phụ nữ hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và đang là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn.

Còn nhiều rào cản trên thương trường

Tuy nhiên, theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, số doanh nghiệp do nữ làm chủ chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và con cái khiến phụ nữ có ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi…

Theo kết quả một nghiên cứu mới nhất được Facebook công bố ngày 20/9, phụ nữ Việt Nam, trong vấn đề khởi nhiệp và kinh doanh, vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản. Có đến 34% phụ nữ được hỏi cho biết thiếu tiếp cận tài chính và 32% chưa cảm thấy sẵn sàng để khởi nghiệp.

Báo cáo cho hay, tính đến cuối năm 2021, chỉ cần một nửa trong số họ tìm được cơ hội để bắt đầu kinh doanh từ hôm nay, hiệu quả sẽ không chỉ dừng lại ở việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra 1,1 triệu doanh nghiệp mới và 3,9 triệu việc làm.

Bà Clair Deevy, Trưởng bộ phận Sáng kiến phát triển kinh tế, khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Facebook, nhấn mạnh, nếu không tháo gỡ được rào cản mà phụ nữ phải đối mặt khi khởi nghiệp, chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội tiềm năng về phát triển kinh tế.

Cần những chính sách hỗ trợ cụ thể

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 35% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp nữ.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch CLB nữ doanh nhân Hà Nội, để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ vốn tài chính và vốn phi tài chính. Vốn phi tài chính ở đây chính là năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp nữ phát triển, quản trị hiệu quả để phá vỡ rào cản mà không phải trông chờ hỗ trợ từ bên ngoài.

“Chính nguồn vốn này sẽ làm thay đổi văn hóa ứng xử trong gia đình để người chồng ủng hộ người vợ hơn trong việc khởi nghiệp, kinh doanh, để người phụ nữ không phải đánh đổi gia đình lấy sự nghiệp”, bà Thu Thanh nhấn mạnh.

Những diễn đàn, chương trình dành cho nữ doanh nhân cũng được chú trọng hơn. (Nguồn: Enternews)


Còn một yếu tố rất quan trọng để phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh thành công chính là bản thân người phụ nữ phải vượt lên chính mình, vượt lên những rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp.Còn bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì cho rằng, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và bản thân sự nỗ lực của cán bộ hội các cấp để hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ. Ðồng thời, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mới thành lập, xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án ‘Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”. Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện Mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Theo mục tiêu đề án, phấn đấu đến năm 2025, 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện, nhân rộng, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập.

Bên cạnh đó, đề án cũng nêu rõ yêu cầu xây dựng và duy trì chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp trên trang thông tin điện tử của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trên Báo Phụ nữ Việt Nam; xây dựng các mô hình thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng ở 10 tỉnh đại diện cho vùng miền, tổng kết rút kinh nghiệp để triển khai trên diện rộng.

Ngoài ra, đề án ‘Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” cũng đưa ra nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực thực hiện Đề án.