Bà Tuyết Brown, Thạc sĩ Công tác xã hội là một nhà tham vấn và trị liệu tâm lý trong hơn 15 năm, và là nhà Công tác xã hội lâm sàng được cấp bằng làm việc độc lập ở Mỹ. Bà có nhiều kinh nghiệm tập huấn và làm việc với các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, như phụ nữ hành nghề mại dâm, phụ nữ bị bạo hành. Tại Mỹ, bà cũng làm việc với những người đàn ông phương Tây đang gặp rất nhiều vấn đề khó khăn.
Khai mạc hội thảo, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện kiêm Trưởng Khoa Giới và phát triển, đã có bài phát biểu ngắn về nội dung chương trình và nhấn mạnh đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần và các chiều cạnh giới liên quan. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm và nằm trong Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tại buổi nói chuyện, Bà Tuyết Brown đã chia sẻ những kinh nghiệm làm việc với các nhóm phụ nữ, nam giới khác nhau. Bà chủ yếu làm việc với các thân chủ bị tổn thương sức khỏe tâm thần sau sang chấn tâm lí. Trong khuôn khổ của buổi nói chuyện, bà tập trung chia sẻ về căn bệnh trầm cảm, các khía cạnh giới trong căn bệnh trầm cảm. Theo bà, trầm cảm có thể xuất phát từ chính sự thay đổi về hooc-môn (đơn cử như trầm cảm sau khi sinh con đối với phụ nữ) hoặc từ chính những căng thẳng, áp lực thường ngày. Trong biểu hiện của trầm cảm, phụ nữ và nam giới cũng có thể có những sự khác biệt: nam giới thường tìm đến rượu, làm tổn thương đến những người xung quanh, còn phụ nữ thường khóc lóc, tự làm đau bản thân… Bà đã đưa ra những ví dụ thực tế trong quá trình làm việc của mình để giúp người tham gia tiếp cận và nắm bắt vấn đề dễ dàng hơn.
Buổi nói chuyện diễn ra sôi nổi với sự tham gia đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi của sinh viên, giảng viên về sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới trong trầm cảm, phân biệt trầm cảm và căng thẳng (stress). Bà Tuyết Brown đã cung cấp thông tin và đưa ra câu trả lời cho từng ý kiến và câu hỏi được đưa ra và khẳng định giữa phụ nữ và nam giới có sự khác biệt trong nguyên nhân, biểu hiện của trầm cảm và phải xác định chính xác tâm bệnh để có thể đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp nhất.
Cuối buổi nói chuyện, bà Tuyết Brown đã nhấn mạnh rằng trầm cảm không phải là căn bệnh có thể phòng ngừa trước được và nó có thể xảy ra với bất cứ ai. Vì vậy, thay vì tìm cách phòng tránh căn bệnh này, ngoài việc tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý, chúng ta phải hiểu và biết về nó để có thể giúp đỡ chính bản thân và những người xung quanh.
Hội thảo kết thúc thời gian làm việc buổi sáng về chủ đề Giới trong chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đại diện khoa Giới và phát triển đã nói lời cảm ơn và tặng quà cho chuyên gia.