Dù đã có những “điểm sáng” nhất định, nhưng câu hỏi này vẫn cần thêm thời gian, vì nó cả một quá trình đấu tranh, có chiến lược cụ thể, lâu dài chứ không phải “ngày một ngày hai”.
Những tín hiệu đáng mừng…
Công tác bình đẳng giới ở Việt Nam đạt được những điểm sáng đáng để người dân nói chung và phụ nữ nói riêng phải tự hào nếu mang quyền phụ nữ ra so sánh với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Một là, người phụ nữ được pháp luật bảo vệ.
Ngay từ khi thành lập Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội “thực hiện nam nữ bình quyền”. Ðiều đó chứng tỏ, vấn đề bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ đã được Bác Hồ và Ðảng ta hết sức coi trọng trong xây dựng đường lối cách mạng.
Hiến pháp nước ta năm 1946 đã công bố nguyên tắc: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Hiến pháp năm 1992 lại khẳng định rõ nguyên tắc này. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên đã ký vào ‘Công ước Cedaw’ nhằm xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”
Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) được triển khai thực hiện. Nhiều bộ luật khác có liên quan mật thiết đến quyền lợi của nam giới và nữ giới như Luật Phòng, chống mua bán người (năm 2012), Bộ luật Lao động (năm 2012), Luật Việc làm (năm 2013),… đều được lồng ghép vấn đề giới.
Hai là, chỉ số bình đẳng trong các lĩnh vực đều tăng.
Chúng ta có nữ tham gia Bộ Chính trị, có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN).
Lao động nữ chiếm tỷ lệ 48,3% trong lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%. Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trong độ tuổi từ 15-24 đạt 96,5%
Là nước dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới, tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm..v..v.
Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Từ đó cho thấy, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng đã được nâng lên rất nhiều so với trước.
Nhưng, còn đó những nỗi lo…
Khái niệm bình đẳng giới vốn được hiểu là sự đối xử công bằng về mặt luật pháp, cũng như vị thế xã hội giữa nam và nữ giới. Có thể nói, chúng ta đang có những bước đi mạnh mẽ và đúng hướng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đang tồn tại dễ thấy, dễ bộc lộ và ngấm ngầm làm cản trở công tác bình đẳng giới:
Trong kinh tế: Ở một số nơi vấn đề chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn diễn ra, cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới, lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực.
Trong công tác xã hội: Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng.
Trong gia đình: Phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình; tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số nơi..v..v.
Mặt khác, nhiệm vụ nặng nề nhất của thế hệ nữ ngày nay là phải giải phóng được sức ì lệ thuộc của tư tưởng “hữu lậu” do phái mình dựng lên như: Đàn ông thì phải là trụ cột, phải galăng, săn đón, mời mọc, quà cáp…
Ngày Quốc tế Phụ nữ đến làm chúng ta nhớ về một giai đoạn bứt phá mạnh mẽ của giai cấp công nhân lao động quốc tế nói chung và Việt Nam nói chung trong việc đòi bình đẳng về mặt luật pháp ở các lĩnh vực: Lao động, kinh tế – xã hội.
Do đó, thêm một vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ đó là: Phụ nữ thời kỳ kinh tế hội nhập, không chỉ cần phải có đủ bốn yếu tố ‘Công–Dung–Ngôn-Hạnh’, mà còn phải khéo léo, nhạy bén trong sự nghiệp cũng như công tác xã hội. Vô hình trung, đó là sự thử thách, cản trợ sự phát triển năng lực vai trò của phụ nữ đối với xã hội, dẫn đến vấn đề bình đẳng giới càng khó khăn.
Phụ nữ là một nửa hạnh phúc của thế giới và những người đàn ông phần lớn luôn cần, luôn tự hào về điều đó. Có điều, Việt Nam đã đạt được bình đẳng giới chưa? Dù đã có những “điểm sáng” nhất định, nhưng câu hỏi này vẫn cần thêm thời gian, vì nó cả một quá trình đấu tranh, có chiến lược cụ thể, lâu dài chứ không phải “ngày một ngày hai”.