Trong buổi tham quan, các đoàn viên được nghe giới thiệu tổng quan về cơ cấu và chức năng của từng phòng làm việc của Tòa nhà Quốc hội cùng những điều đặc biệt của Tòa nhà. Nhà Quốc hội – Hội trường Ba Đình là Trụ sở làm việc của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Tòa nhà Quốc hội có kiến trúc mang biểu tượng “Trời tròn Đất vuông” cao 39 mét, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, trên diện tích sàn hơn 60.000 m2 là nền tòa nhà Quốc hội cũ nằm cạnh Quảng trường Ba Đình, trong khuôn viên Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, là khu vực Trung tâm chính trị, lịch sử, văn hóa của đất nước. Khởi công vào tháng 10/2009 và hoàn thiện sau 5 năm khởi công xây dựng nhờ đáp ứng được yêu cầu sử dụng và bài toán về hòa nhập không gian Quảng trường Ba Đình, công trình Nhà Quốc hội đã nhận Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2014. Được thiết kế bởi nhóm kiến trúc sư Meinhard Von Gerkan, Nikolaus Goetze, Dirk Heller và Joern Ortmann thuộc GMP International GmbH (Đức), công trình Nhà Quốc hội với phong cách kiến trúc hiện đại song vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Đây được đánh giá là công trình công sở đầu tiên quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại. Với tính chất công trình quan trọng bậc nhất của quốc gia, hình ảnh Nhà quốc hội toát lên vẻ bề thế, nghiêm trang của cơ quan quyền lực cao nhất này.

Nguồn ảnh: Internet

Sau khi được nghe giới thiệu về kiến trúc tổng thể tòa nhà Nhà Quốc hội tại Hội trường Ba Đình, địa điểm tham quan đầu tiên của đoàn là Phòng Truyền thống của Văn phòng Quốc hội và Phòng họp Diên hồng của Tòa nhà Quốc hội – là nơi các đại biểu quốc hội họp thường kỳ 2 lần/ năm. Đoàn đã được hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết mọi hiện vật được trưng bày tại đây như: Mô hình của Tòa nhà Quốc hội; ý nghĩa của các bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội qua các nhiệm kỳ; các văn bản luật có tính lịch sử được Quốc hội ban hành; các hiện vật lịch sử khác và những hoạt động nổi bật của Quốc hội theo chiều dài của lịch sử và hiện tại

Tiếp sau đó, đoàn được thăm quan Bảo tàng Quốc hội. Đây là lần đầu tiên một toà nhà công vụ, lại là toà nhà của cơ quan quyền lực cao nhất nước ta có một bảo tàng ở bên trong để lưu giữ lại những vật chứng lịch sử. Đó là là biểu tượng thiêng liêng của sự kế thừa, kết nối và cả trách nhiệm với lịch sử khi hội trường phía trên là nơi các đại biểu của nhân dân thảo luận những vấn đề của Quốc gia – trong khi tầng hầm phía dưới lại là nơi lưu giữ và giới thiệu những di sản lịch sử và văn hoá của gần 1.300 năm liên tục.

Nguồn ảnh: Internet

Choáng ngợp bởi kiến trúc tinh tế, hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống,  văn hóa dân tộc Việt Nam, các thành viên của đoàn đều bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ trước công trình thế kỷ này.

Đồng chí Vũ Thị Ngọc chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với cách trưng bày cổ vật cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh tại Bảo tàng khảo cổ thuộc tòa nhà Quốc hội. Cùng sự thuyết minh hấp dẫn của hướng dẫn viên, tôi cảm thấy như đang được sống trong từng thời kỳ lịch sử của dân tộc. Đồng chí Vũ Diệu Linh thì cho biết: Tôi thấy ngưỡng mộ tài năng của người Việt ta thời ấy, họ tài hoa và rất sáng tạo, họ không chỉ học hỏi các nước Đông Á khác trong quá trình giao lưu văn hóa, trao đổi buôn bán mà còn tự sáng tạo những nét văn hóa riêng độc đáo của mình thông qua những di tích kiến trúc ở khu khảo cổ.

 Các thành viên khác trong đoàn tham quan thì nhận thấy đây là một cơ hội may mắn để được mở mang tầm kiến thức về lịch sử, văn hóa và kiến trúc đồng thời thông qua chuyến tham quan, mỗi đồng chí có thêm những hiểu biết thực tiễn về hoạt động của Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân; từ đó giúp mọi người thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ thiêng liêng với lá phiếu cử tri của mình nhằm lựa chọn được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đáp ứng đầy đủ phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực, có mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm… để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chuyến tham quan đã bồi đắp thêm tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc đối với mỗi đoàn viên Chi đoàn hành chính để từ đó mỗi người tự ý thức được trách nhiệm, quyết tâm của mình đối với việc học tập, rèn luyện và cống hiến cho sự phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới đất nước.