Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đào tạo giáo dục đại học tại Việt Nam.

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội nước thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Đây là luật đầu tiên điều chỉnh về GDĐH, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng. Luật GDĐH quy định các nội dung khá toàn diện về GDĐH tạo môi trường pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát triển và khẳng định vị thế trong hệ thống cũng như trên bình diện quốc tế.

Mặc dù đã được quan tâm nhưng vấn đề giới và bình đẳng giới trong Dự thảo Luật hiện vẫn còn mờ nhạt, chưa rõ nét, chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức tới phụ nữ trong sự nghiệp GDĐH, trong bối cảnh hiện tại, phụ nữ nói chung đặc biệt phụ nữ và nữ thanh niên ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều rào cản, khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội học đại học.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến những bất cập, hạn chế trong các quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành như: tự chủ và quản trị đại học; Về quản lý đào tạo; Về quản lý nhà nước đối với GDĐH; Về cơ cấu tổ chức, mô hình của các trường đại học; Về vai trò của các chủ thể trực tiếp sử dụng. Trong đó đặc biệt đóng góp sâu về vấn đề giới và bình đẳng giới trong Dự thảo Luật (Điều 12 dự thảo).

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (thành viên ban soạn thảo – Bộ Giáo dục và đào tạo) đã trình bày tham luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH trong đó tập trung làm rõ các quy định liên quan tới  lồng ghép Bình đẳng giới trong dự thảo Luật; Mục tiêu lồng ghép Bình đẳng giới trong dự thảo Luật; Yếu tố tác động tới lồng ghép giới trong dự thảo Luật; Các biện pháp lồng ghép giới trong xây dựng dự thảo Luật.

Sau khi phân tích thực trạng, TS Khuất Thị Thu Hiền, Đại học Lao động Xã hội đã đề xuất các biện pháp thúc đẩy lồng ghép giới trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung): Thứ nhất, về quan điểm, cần thống nhất coi lồng ghép giới vào Luật là “biện pháp thúc đẩy”; đồng thời, cần lồng những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới vào trong các điều luật cụ thể; Thứ hai, xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực giáo dục đại học; Thứ ba, cần xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các văn bản pháp luật về giáo dục đại học.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, hiện đang tồn tại một khoảng cách bất bình đẳng khá lớn giữa giới nam và giới nữ trong lĩnh vực giáo dục đại học, bao gồm trên các lĩnh vực: Cơ hội tiếp cận, điều kiện thực hiện quyền bình đẳng, khả năng thụ hưởng (Ví dụ: Số giảng viên nữ trong các cơ sở giáo dục đại học chiếm 48%; nhưng tỷ lệ người có trình độ tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư và tham gia vào bộ máy quản lý lại rất thấp). Như vậy, rất cần những quy định được coi là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như trong quy định của Luật Bình đẳng giới để hỗ trợ cho đối tượng yếu thế hơn.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đã tập trung làm rõ về những quy định liên quan đến cơ chế hoạt động của Hội đồng nhà trường, Hội đồng đại học gắn với vấn đề tự chủ, quản trị đại học và những kiến nghị, đề xuất; Các quy định liên quan đến chương trình đào tạo, giáo dục (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông…) và các kiến nghị hoàn thiện; Các chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là những chính sách đối với phụ nữ (kể cả nữ sinh và phụ nữ làm công tác GDĐH); Những vấn đề bất cập và hướng giải quyết trong dự thảo Luật.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết tại hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý báu, giúp Hội LHPN Việt Nam có cơ sở nghiên cứu, xây dựng văn bản gửi các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến góp phần giải quyết được những vấn đề liên quan đến yếu tố giới trong Dự thảo Luật.