Mục tiêu đề án chỉ rõ: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác phụ nữ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở; hội tụ đầy đủ năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tối thiểu 70% cán bộ, công chức Hội LHPN ở trung ương, tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội hoặc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo vị trí việc làm; tối thiểu 70% Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở và 30% người được quy hoạch Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội; tối thiểu 70% Chi hội trưởng Phụ nữ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội.
Đối với các địa phương thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, tối thiểu 40% Ủy viên BCH, BTV chuyên trách Hội LHPN các cấp được bồi dưỡng kiến thức kỹ năng chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ công tác Hội theo mô hình mới; tối thiếu 30% cán bộ, công chức cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội được bồi dưỡng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp đều được đào tạo, bồi dưỡng; và tối thiểu 60% cán bộ, công chức cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội được bồi dưỡng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Đề án cũng đề ra 4 nhiệm vụ, và 6 giải pháp rõ ràng. 4 nhiệm vụ gồm: nghiên cứu, tham mưu chính sách và xây dựng kế hoạch; xây dựng chương trình, tài liệu; tổ chức các khóa bổi dưỡng và kiểm tra giám sát.
6 giải pháp của đề án tập trung vào công tác: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò công tác bồi dưỡng; đổi mới chương trình, tài liệu và hình thức, phương pháp bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác bồi dưỡng; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; đổi mới tổ chức, hoạt động và kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp Hội theo tinh thần các nghị quyết trung ương khóa XII.
Về chương trình, tài liệu bồi dưỡng bảo đảm cập nhật một số kiến thức, nội dung mới về công tác Hội, công tác xã hội, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế; không trùng lặp, phù hợp với từng cấp Hội, từng địa bàn quản lý; kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, tăng thời lượng thực hành.