Tham gia ngày hội có đông dảo cán bộ, giảng viên, sinh viên TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt các thầy cô không chỉ động viên tinh thần sinh viên mà còn trực tiếp tham gia hiến máu.

Chia sẻ tại buổi hiến máu,  bạn Ma Thị Giang, K3 Luật B cho biết đã nhiều lần hiến máu và cảm thấy việc làm của mình thực sự có ý nghĩa với cộng đồng. Đây có thể là lần cuối cùng bạn hiến máu tại Học viện Phụ nữ Việt Nam bởi đã là sinh viên năm cuối, nhưng dù đi đâu bạn cũng luôn tâm niệm đóng góp những việc có ích cho cộng đồng đặc biệt là việc hiến máu nhân đạo.

Bạn Phạm Thành Đạt sinh viên K6 Quản trị du lịch cho biết dù mới là sinh viên năm nhất nhưng đây là lần thứ 2 bạn hiến máu tại Học viện. Bạn cảm thấy việc làm của mình thực sự cần thiết đối với cộng đồng và đối với chính bản thân. Bởi bạn nghĩ rằng khi làm một việc có ích cho xã hội nghĩa là mình tự hoàn thiện bản thân trên bước đường trưởng thành.

Bạn Đào Mai Linh, sinh viên K3 ngành Luật cho biết đây là lần thứ 5 bạn hiến máu và cảm thấy rất vui và hạnh phúc bởi việc làm của mình thực sự có ích. Bạn rất ấn tượng với sự nhiệt tình, chuyên nghiệp của đội thanh niên vận động hiến máu của học viện khi tổ chức các chương trình Giọt nắng hồng.

Tham gia hiến máu rất nhiều lần tại Học viện, cô Nguyễn Thị Thu Hà – cán bộ Phòng Tổ chức hành chính tiếp tục tham gia hiến máu với mong muốn giúp ích được một phần nhỏ cho những bệnh nhân đang cần máu.

Thầy Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện khẳng định luôn ủng hộ những hoạt động phong trào của Đoàn Thanh niên đặc biệt là những chương trình thiện nguyện mang tính cộng đồng như hiến máu tình nguyện. Bản thân thầy cũng tự nguyên cho đi những những giọt nắng hồng để sưởi ấm những số phận thiếu may mắn.

Sau một ngày tổ chức với nhiều hoạt động sinh động, hấp dẫn cổ vũ tinh thần hiến máu tình nguyện chương trình đã thu về 220 đơn vị máu. Đó là những giọt nắng hồng sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống. Hiến máu không chỉ giúp mang đến sự sống cho con người mà còn là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng; thể hiện sâu sắc truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Người bệnh được truyền máu không chỉ được tiếp nhận vào cơ thể mình một loại thuốc quý mà còn được đón nhận cả tình thương bao la của đồng loại.