Em sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo, thuộc vùng đất Điện Biên Phủ. Gia đình em là một trong những hộ nghèo của xã. Bản thân em luôn nung nấu và khao khát sau này sẽ làm gì đó để thay đổi cuộc sống nghèo khó của gia đình và phát triển quê hương. Năm lớp 12, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, em đã tìm hiểu về Học viện Phụ nữ Việt Nam. Qua trang Web của Học viện, em biết đến ngành Giới và Phát triển – một ngành chưa có nơi nào ở Việt Nam đào tạo. Em nghĩ: “Ngành mới sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội”. Em bàn với bố mẹ đăng ký vào ngành. Lựa chọn đó thật là cái duyên đối với em.
Năm đầu tiên đại học với cô gái dân tộc Thái như em có rất nhiều bỡ ngỡ. Em được làm quen với nhiều bạn bè các dân tộc khác nhau trên cả nước. Em được tiếp cận với nhiều môn học mới, gần gũi nhưng rất chuyên sâu về giới. Phụ nữ và nam giới có sự tương đồng nhất định. Họ đều là con người, có những quyền cơ bản ngang nhau và cần được đối xử một cách bình đẳng. Tuy nhiên, nam và nữ cũng có những nhu cầu khác nhau, vai trò và vị trí khác nhau được tạo nên bởi những quan niệm về “đàn ông” và “phụ nữ” dựa trên cơ sở phong tục, tập quán, tôn giáo, dân tộc… Đặc biệt, trong bối cảnh nền văn hóa Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo nặng nề, khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giới. Chính điều đó đang kìm hãm sự phát triển của mỗi giới nói riêng, gia đình, địa phương, quốc gia và thế giới nói chung. Em luôn liên hệ vấn đề giới và phát triển đến gia đình và cuộc sống xung quanh mình. Nhìn thấy còn nhiều bất cập còn tồn tại trong cuộc sống xung quanh mình như việc phân công lao động, quyền ra quyết định và vai trò của các thành viên trong gia đình cũng như ngoài xã hội, để góp phần giảm thiểu cũng như xóa bỏ những vấn đề đó, em càng vững tin để nỗ lực học hỏi và nghiên cứu đối với từng môn học trong chuyên ngành. Em tìm hiểu về mối quan hệ giới và phát triển với mục tiêu phát triển bền vững, quan tâm đến lợi ích của cả hai giới vì sự bình đẳng và phát triển. Các kiến thức, kỹ năng trong chuyên ngành Giới và Phát triển đã giúp em nhìn nhận rõ về bản dạng giới, khuôn mẫu giới, định kiến giới cũng như cần có thay đổi để hướng đến một xã hội bình đẳng hơn.
Với niềm tin thôi thúc, em gạt bỏ tâm lý tự ti, e dè của một cô gái dân tộc thiểu số. Em tập trung cho việc học tập. Em áp dụng nhiều phương pháp học tập hiệu quả để hiểu bài và có thể vận dụng trong các tình huống cụ thể. Vì thế, các bài luận cũng như bài thảo luận nhóm em luôn đạt điểm khá, giỏi và đạt học bổng về học tập do Học viện trao. Em cũng nhận được học bổng do quỹ học bổng Vừ A Dính trao tặng. Ngoài việc học tập, em tích cực tham gia các hoạt động của khoa Giới và Phát triển, Đoàn Thanh niên – Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Em tham gia các hoạt động của nhóm dân tộc thiểu số tiên phong với mong muốn kết nối cộng đồng, tích lũy thêm kinh nghiệm và hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số còn khó khăn, lạc hậu. Em luôn nghĩ học phải đi đôi với hành, phải đem kiến thức – kỹ năng giúp cho cộng đồng dân tộc thiểu số thay đổi, phát triển, tiến kịp với cộng đồng miền xuôi. Bên cạnh đó, em còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: “Phụ nữ là để yêu thương”; Lễ phát động năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em; Hội nghị “truyền thông phòng chống bạo lực gia đình”.v.v… Vào mùa tuyển sinh năm 2019, em cùng với các bạn trong nhóm K4 Giới A đã đem kiến thức – kỹ năng về bạo lực học đường tuyên truyền lồng ghép tuyển sinh ở các trường THPT ở quê hương Điện Biên
Gần đây, em đã tham gia cuộc thi sáng kiến online “nếu tôi là người quản lí chung cư” do tổ chức CSAGA phát động. Tham gia cuộc thi, em mong muốn đề xuất một số giải pháp cho vấn đề xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Tình huống ban tổ chức đưa ra là “Giả sử nếu bạn là người quản lý chung cư bạn sẽ lên ý tưởng như thế nào cho việc xây dựng hệ thống quản lí ở những khu chung cư nhằm phòng ngừa và giải quyết các hành vi bạo lực tình dục”. Em đã đưa ra một số ý tưởng như: “ (1) Lắp đặt trong thang máy chuông báo động; (2) Tổ chức buổi tuyên truyền (thời gian tuyên truyền phù hợp và sẽ được thông báo và thống nhất với các hộ sinh sống trong chung cư) nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái) về các hành vi quấy rối tình dục và các kĩ năng ứng phó cơ bản cho bản thân; (3) Nêu cao cảnh giác và sẵn sàng ứng phó khi gặp phải kẻ thực hiện hành vi quấy rối tình dục; (4) Nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ bảo vệ, đội an ninh trật tự về trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tối đa sự an toàn cho mọi người; (5) Khuyến cáo không nên đi một mình đặc biệt là trẻ em, nếu cấp thiết có thể nhờ sự giúp đỡ; (6) Tăng cường giám sát 24/24 để phát hiện và xử lý một cách kịp thời các trường hợp… Kết quả, sáng kiến của em được đánh giá có tính khả thi, có sức thay đổi cộng đồng, có tính lan tỏa và nhạy cảm giới. Em đã đoạt giải nhất do Ban giám khảo bình chọn. Có được niềm vui này, em hiểu là chính ngành Giới và Phát triển đã trao cơ hội trải nghiệm và tạo cảm hứng cho em cống hiến.
Hy vọng rằng với những nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của bản thân, những thành quả em có được sẽ là động lực để các em sinh viên khóa sau cùng phấn đấu. Em luôn mong và hi vọng sau này bản thân có thể góp phần đem lại những sự thay đổi cho bản làng, quê hương và đất nước của mình, để mọi người có thể nâng cao nhận thức, thay đổi những hành vi mang định kiến, gây cản trở cho việc thúc đẩy bình đẳng và phát triển xã hội. Đồng thời, có thể giúp mọi người hiểu được vai trò, vị trí của mình để từ đó có những cơ hội và nhiều khả năng phát triển hơn. Trong mùa tuyển sinh năm học 2019 – 2020, em muốn truyền cho các em cảm hứng để chọn ngành, chọn nghề. Em tin rằng, ngành Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ là sự lựa chọn tốt cho nhiều bạn thí sinh.