Sáng ngày 15/7, tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35 –CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.
Tỉ lệ cán bộ nữ còn nhiều thách thức
Sau khi Ban Bí thư Trung Ương Đảng ban hành Chỉ thị 21-CT/TW, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức triển khai Chỉ thị tới lãnh đạo các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, Thường trực, Trưởng Ban Dân vận các tỉnh ủy, thị thành. Trong quý II/2018, các tỉnh/thành ủy đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, quán triệt, triển khai thực hiện. Đến nay đã có 12/13 Hội LHPN ở tỉnh thành trong khu vực xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị 21.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, các tỉnh, thành ủy, cấp ủy khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã lãnh đạo, quan tâm đến công tác cán bộ nữ, tập trung nhiều nguồn lực cho công tác cán bộ nữ. Tính đến tháng 6/2019, tất cả các tỉnh thành đã chỉ đạo để phê duyệt các đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình, công tác cán bộ nữ…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá, trong thời gian qua, đồng bằng sông cửu Long là khu vực mà cán bộ Hội LHPN các cấp được điều động, luân chuyển công tác nhiều theo chiều hướng tốt hơn. Bên cạnh đó, các cấp ủy ở các tỉnh thành trong khu vực đã tổ chức đối thoại trực tiếp với Hội LHPN, phụ nữ để giải quyết các vấn đề về công tác Hội, phong trào phụ nữ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng nêu ra những khó khăn, thách thức đối với công tác Hội; những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long như: Chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực có trình độ thấp, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, lao động di cư đông, xâm hại tình dục trẻ em…
Theo thống kê, hiện Đồng bằng sông cửu Long là khu vực có tỉ lệ thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia tổ chức Hội thấp nhất cả nước, có tỉnh chỉ đạt 32%.
Về công tác cán bộ nữ, số liệu thống kê cho thấy, cán bộ nữ cấp ủy cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2015-2020 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tương đối cao so với tỉ lệ bình quân của cả nước. Tuy nhiên, tỉ lệ này ở cấp tỉnh còn khá thấp. Cụ thể: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ở cấp tỉnh có 7/13 địa phương dưới mức bình quân chung cả nước (nếu tính theo tỷ lệ 15% do Chỉ thị 21 đặt ra thì có 9/13 tỉnh chưa đạt). Đặc biệt, Long An là tỉnh có số cán bộ nữ tham gia tỉnh ủy chỉ đạt 4%.
Theo báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, các tỉnh, thành ủy các cấp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định trong công tác cán bộ nữ. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần được quan tâm. Cụ thể, số cấp ủy ở huyện, xã không có nữ tham gia Ban Thường vụ vẫn còn nhiều, thậm chí tỉnh chưa có nữ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bên cạnh đó, nguồn nhân sự nữ đương nhiệm còn đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ tới thấp. Nguồn quy hoạch cho nhân sự mới , cơ hội tham gia chưa rõ do vị trí, chức danh hiện tại phần lớn không thuộc cơ cấu cấp ủy, sẽ ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị nhân sự nữ cho đại hội đảng các cấp.
Ông Phạm Bạch Đằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, tỉnh đã vận dụng, bám sát tình hình và có chỉ đạo cụ thể đối với công tác cán bộ nữ. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra, tỉ lệ nữ cán bộ ở các cấp còn thấp. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số cấp Hội chưa phát huy được nhu cầu tham mưu; một số cán bộ nữ còn chưa tự tin, chưa vượt qua được các khó khăn để đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đối với Hội LHPN các cấp trong tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên TƯ Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu – cho biết, sẽ quyết liệt để phấn đấu số tỉ lệ nữ cấp ủy ở cấp tỉnh trong nhiệm kỳ tới để đạt 15%. Theo ông Dương, hiện nay đang có thực tế nguồn cán bộ nữ không đồng đều ở các cấp ngành, các cấp địa phương, đơn vị. Vì vậy, trong thời gian, tỉnh tới sẽ có sự sắp xếp, điều động để tăng số nơi cần có ủy viên nữ, Ban Thường vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đánh giá: Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35 –CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị đã cho thấy có sự chuyển biến về nhận thức cũng như sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu cấp ủy đối với công tác phụ nữ, cán bộ nữ. Các địa phương đều có các biện pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị 21. Các vấn đề về phụ nữ, công tác phụ nữ đã được thể chế bằng các văn bản pháp luật và đi vào cuộc sống.
Bà Trương Thị Mai ghi nhận những nỗ lực của Hội LHPN từ Trung ương đến cơ sở, thể hiện là vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; đồng thời nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cấp ủy, ở đâu quan tâm thì ở đó công tác phụ nữ, cán bộ nữ sẽ đạt được yêu cầu đặt ra.
“Vấn đề nhận thức, quyết tâm chính trị của người đứng đầu cấp ủy rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần sự nỗ lực của chính bản thân người phụ nữ”, bà Trương Thị Mai nói.
Đồng chí Trương Thị Mai tin tưởng cấp ủy ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt được tỉ lệ cán bộ nữ 15% trong nhiệm kỳ tới và lưu ý các tỉnh, thành phải làm sao giữ cho những kết quả đạt được phải vững chắc, còn những kết quả chưa đạt được thì phải phấn đấu để đạt được.