Xã hội không khỏi lo lắng nếu các trường lấy điểm đầu vào quá thấp thì khó có thể bảo đảm chất lượng đào tạo. Vẫn biết, quyền tự chủ được luật định, tuy nhiên việc xét tuyển với ngưỡng quá thấp là dấu hỏi lớn đặt ra với người học và xã hội về uy tín và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo này.
Điểm sàn và chất lượng
Tâm lý chung ở nhiều trường đại học là tính toán sao cho gọi nhập học được hết chỉ tiêu. Nếu trường thuộc top đầu thì việc này đơn giản, còn với những trường top giữa nếu hạ điểm xuống thấp quá thì cũng lo ảnh hưởng đến uy tín, nhưng nếu giữ điểm sàn cao thì lo lắng khó gọi hết chỉ tiêu.
Đặc biệt là các trường top dưới, trường ngoài công lập uy tín thấp, việc xây dựng chỉ tiêu đào tạo nhiều nên khó khăn trong nguồn tuyển là điều đáng quan ngại hơn cả. Chính vì thế, để thuận cho mình, nhiều trường đã đưa ra mức điểm sàn thấp để mong xét tuyển hết chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên. Việc các trường hạ điểm sàn xét tuyển quá thấp khiến người học, xã hội không khỏi lo lắng về chất lượng nguồn tuyển.
Việc không lấp kín được chỉ tiêu cũng đồng nghĩa với việc không có người học, không có nguồn thu. Khi đã không có nguồn thu thì lấy đâu ra lợi nhuận và thế là cổ đông góp vốn, hội đồng quản trị không khỏi tâm trạng “ngồi trên đống lửa”. Lo lắng này không chỉ với riêng các trường ngoài công lập mà cả các trường công lập.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng để một trường đại học có uy tín, thu hút được người học thì phải cần thời gian tối thiểu là 10 năm. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng với điều kiện trường đó phải toàn tâm, toàn ý với đào tạo. Nói cho rõ là phải đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, đội ngũ, giảng viên; đặc biệt là việc xây dựng uy tín, tạo dựng thương hiệu. Thực tế cho thấy không chỉ các trường công lập, nhiều trường đại học ngoài công lập đã tạo dựng uy tín và thương hiệu mạnh thu hút đông đảo người học nên việc tuyển sinh hàng năm hết sức thuận lợi.
Trách nhiệm với xã hội
Thực tế đào tạo là thước đo chứng minh việc nâng cao chất lượng đào tạo của từng trường. Ảnh: TG
Được tự chủ trong tuyển sinh, tuy nhiên, trách nhiệm với người học và xã hội là điều các trường cần phải tính tới. Đã qua cái thời mà các trường đại học chỉ đáp ứng được tối thiểu nhu cầu của người học. Nhà trường đào tạo cái mình có chứ không phải cái xã hội cần, còn người học ít có cơ hội lựa chọn, họ phải tìm đến các trường.
Trong nền kinh tế thị trường, giáo dục được coi là dịch vụ đặc biệt, sự cạnh tranh càng nhiều thì càng có lợi cho người học. Thực tế ai cũng thấy, những quảng cáo, tuyên truyền… của các nhà trường đều tìm đến người học. Nhưng hiệu quả của việc tuyên truyền đó chỉ có tác dụng khi chất lượng đào tạo phải được bảo đảm, và đây là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo với người học và xã hội.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, dù có lấy điểm sàn thấp đến đâu, những trường đại học có mức xét tuyển thấp cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu. Thực tế cho thấy vấn đề xét tuyển sinh thuận lợi của các trường không nằm ở chỗ điểm sàn là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hay ít và điều này lại phụ thuộc rất nhiều ở uy tín các ngành đào tạo của trường đó có cao, hấp dẫn người học hay không.
Trách nhiệm của nhà trường với người học và xã hội là điều căn cốt để trường tạo dựng uy tín và cũng là cách tốt nhất để thu hút người học. Mùa tuyển sinh 2019, các trường đại học đang áp dụng nhiều phương thức xét tuyển, ngoài xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, phương thức xét tuyển bằng học bạ cũng được nhiều trường thực hiện.
Có thể nói những trường này đã tận dụng tối đa quyền tự chủ trong việc thực hiện xét tuyển không ngoài mong muốn tuyển sinh thuận lợi nhất. Nhưng có một thực tế những năm gần đây, vẫn luôn có những trường đưa ra điểm trúng tuyển rất thấp nhưng cũng khó tuyển hết chỉ tiêu. Việc đưa ra điểm xét tuyển thấp sẽ tạo tác dụng ngược, càng làm cho người học không tin tưởng vào chất lượng của trường đó. Thực tế này ít nhiều cũng khiến các cơ sở đào tạo phải suy xét lại để sao cho người học chọn lựa mình; không có cách gì khác là tạo sức hút từ chính chất lượng đào tạo.