Hội nghị đã nghe báo cáo và nhiều tham luận về quá trình 10 năm thực thi Luật BĐG. Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Qua 10 năm thi hành, nhiều quy định của Luật đã được triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong quản lý nhà nước và hoạt động xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế

 

 Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, qua 10 năm thi hành Luật BĐG đã từng bước đưa vấn đề Giới vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, qua 10 năm thi hành Luật, các bộ, ngành chức năng, tổ chức chính trị đã nỗ lực từng bước đưa vấn đề Giới vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó nổi bật như có quy định lồng ghép giới vào tất cả các văn bản luật; thúc đẩy phụ nữ tham chính, trao quyền năng cho phụ nữ trong kinh tế; có quy định nam giới được nghỉ và có trợ cấp khi vợ sinh con; đặc biệt là đã tạo ra sự thay đổi rõ nét trong nhận thức của nam giới về phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội …

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị sau hội nghị tổng kết, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ cần nghiêm túc rà soát lại những chỉ tiêu khó đạt, khó đo lường, để có giải pháp cụ thể đến tận từng cấp, từng ngành.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần phải tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị nhân sự, coi đây là một thời cơ để thúc đẩy BĐG, trao quyền cho phụ nữ tham chính.

Phải làm tốt tất cả các khâu từ phát hiện, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ nữ đến giới thiệu nhân sự, tiến hành làm việc với cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp, đề nghị đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải có chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia thường vụ cấp ủy… Bộ trưởng đề nghị.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, sau hơn 10 năm thực hiện Luật BĐG, còn nhiều điều cần phải xem xét, quan tâm làm rõ và trả lời cho câu hỏi, liệu sắp tới có cần sửa Luật này không, nếu sửa thì sửa theo hướng như thế nào. Cùng với đó, Chủ tịch Hội cũng nhận định, việc thực thi Luật BĐG ở nhiều nơi chưa tốt, ví dụ có những quy định rất nhân văn như Nghị định 39/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng quy định nhưng đến nay, sau 3 năm triển khai vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm, làm đúng.

Dịp này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động Thương binh và Xã hội cho Thường trực Đoàn Chủ tịch TW Hội và một số lãnh đạo ban, đơn vị TW Hội LHPN Việt Nam.